Trường mẫu giáo Isabel Henderson không sử dụng đồ chơi nhựa. Ảnh: Danielle Bonica

Trường mẫu giáo Isabel Henderson nằm ở phía bắc thành phố Melbourne, Australia đã quyết định vứt bỏ đồ chơi dành cho thiếu nhi và xây dựng sân chơi mô phỏng khu rừng địa phương.

Khi đồ chơi xuất hiện trên thế giới, trẻ em dần quên đi trò chơi gần gũi, được "chế tác" từ thiên nhiên. Nhưng giờ đây, học sinh tại trường mẫu giáo Isabel Henderson được cho cơ hội để trở lại làm bạn với que gậy, lá cây và bùn đất.

Nicole Messer, giám đốc trường mầm non cho biết, việc trẻ làm bạn với thiên nhiên sẽ giúp chúng phát triển ngôn ngữ, khả năng vận động và các giác quan tốt hơn so với chơi đồ chơi. Khi không có đồ chơi có sẵn, trẻ phải tự sáng tạo những câu chuyện, tìm cách xây dựng niềm vui cho bản thân. Thông qua những hành động này, trẻ có thể rèn luyện khả năng thích nghi với hoàn cảnh.

"Chúng tôi không cho rằng đây là thách thức với trẻ mà đây là cơ hội để giúp chúng sống ngoài môi trường dù thiên nhiên có khắc nghiệt, ẩm ướt hay bẩn thỉu", bà Nicole nói thêm.

Ngoài ra, trẻ em nhận thức về cuộc sống thông qua các đồ chơi nên việc không có xe tải hay búp bê sẽ xóa bỏ định kiến giới. Bà Nicole nhấn mạnh điều này rất quan trọng trong việc giáo dục trẻ từ ba đến bốn tuổi, lứa tuổi bắt đầu hình thành khái niệm về xã hội.

Trong phương pháp giáo dục mới, trường mẫu giáo quyết định lấp đầy bùn đất ở một góc sân chơi, tạo cảm giác như đang ở trong trận lở đất. Trẻ được khuyến khích vui chơi tại đó.

Trẻ em được khuyến khích nghịch bẩn, chơi với đất cát. Ảnh: Danielle Bonica

"Ban đầu, các em không dám chạm vào nó vì sợ bẩn quần áo nhưng đây là điều chúng tôi muốn đặt ra cho các em, bước ra khỏi vùng an toàn và tìm hiểu thiên nhiên", bà Nicole giải thích. Sau thời gian thích nghi, hiện nay học sinh đều vui vẻ tận hưởng "vùng lở đất".

Jack Charles, diễn viên người Australia đánh giá trường mầm non Isabel Henderson đã kết nối trẻ nhỏ và thế giới xung quanh theo phương thức rất sinh động. Ông đã cùng người dân địa phương giúp đỡ trường biến nhà máy bỏ hoang gần đó trở thành khu rừng mô phỏng theo thiên nhiên, khí hậu Australia. Khu rừng này vừa là sân chơi cho thiếu nhi vừa là bài học về tự nhiên đất nước.

"Tôi rất ấn tượng khi trường mẫu giáo đã khéo léo đưa thiên nhiên và kiến thức về đất nước vào trò chơi của trẻ em. Điều này sẽ giúp trí óc trẻ được phát triển", ông nói.

Theo vnexpress