Học cách mặc hanbok, cúi chào đúng cách là một trong những học phần tại Yejiwon - ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Theo The Seoul Times, đây cũng là nơi được biết đến như một địa điểm quảng bá văn hóa và nghi thức truyền thống của Hàn Quốc cho người nước ngoài.

"Không phải tất cả những gì chúng ta học đều được dùng hằng ngày. Nhưng đây là kiến thức cơ bản về văn hóa chúng ta, không thể học được ở bất kỳ nơi nào khác. Khi chúng ta bước vào thế kỷ 21, những người trẻ tuổi cần hiểu biết về văn hóa và cách cư xử của đất nước", bà Kang Young-sook, Giám đốc học viện cho biết.

Tại đây thường có các khóa học kéo dài ba tháng vào mùa xuân, mùa thu và khóa học kéo dài một tháng vào mùa hè, mùa đông. Chương trình “chuẩn bị cho cô dâu” được gọi là “Lớp học Gyusu” (có nghĩa là thiếu nữ hoặc phụ nữ hoàn thiện). Yejiwon còn cung cấp các chương trình khác dành cho người lớn (phụ nữ đã kết hôn) và trẻ em đang đi học, từ nghi thức hiện đại, pha trà theo nghi lễ và cách cư xử truyền thống.

Một cô gái rót trà trước lớp trong buổi lễ tốt nghiệp lớp thiếu nữ tại Yejiwon - ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Bài giảng đầu tiên thường là về ý nghĩa của việc trở thành một quý cô thanh lịch, chỉn chu trong thời đại ngày nay. Giảng viên và học viên cùng thảo luận về các chủ đề như cách xưng hô với người lớn tuổi và chuyện hẹn hò.

Câu châm ngôn sẽ được nhắc lại trong suốt chương trình học đó là: “Một người phụ nữ nên hành động như một người phụ nữ, hay như một người mẹ”.

Các môn học bao gồm quan hệ hôn nhân - gia đình, nấu ăn (làm bánh ngọt truyền thống, kim chi), trang trí bàn ăn, cách cư xử, nghi thức, thiết kế nội thất, kỹ thuật ăn mặc, trang điểm, cắm hoa, may vá và quan trọng nhất là cách cư xử truyền thống, trong đó học viên được học, thực hành về hanbok (trang phục Hàn Quốc)...

Các giảng viên đến từ mọi tầng lớp xã hội. Các giáo sư đại học dạy về thói quen ăn uống và lối sống lành mạnh. Thợ kim hoàn từ Gangnam dạy về cách phân biệt giữa ngọc trai thật và giả. Cựu người mẫu dạy cách đi đứng như một quý cô. Bác sĩ phụ khoa dạy về kiểm soát sinh đẻ sau hôn nhân. Quan hệ tình dục trước hôn nhân không được nói đến, hầu như bị coi là điều cấm kỵ. Và các giảng viên của chính Yejiwon dạy những điều đơn giản để điều hành một gia đình, chẳng hạn như “đừng bao giờ nói lại mẹ chồng nếu muốn giữ hòa khí trong nhà”.

Một tiết học nấu ăn tại Yejiwon - ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Có người nhận xét Yejiwon là nơi khiến cho người phụ nữ mất đi tính độc lập. Nhưng trên thực tế thì việc tìm hiểu về cách pha trà truyền thống, cách mặc hanbok, thiết kế trang phục trong nhà và thậm chí cả khâu vá không đồng nghĩa với việc đánh mất nữ quyền. Đó chính là sự hiểu biết và kiểm soát những gì không thể tránh khỏi đối với những người chọn kết hôn.

Một học viên nói: “Yejiwon không nói với chúng ta rằng vị trí của phụ nữ luôn là trong nhà. Đối với tôi, sự khôn ngoan đơn giản là một người phụ nữ Yeji (có nghĩa là sự khôn ngoan trong cách cư xử). Nên cư xử như một người phụ nữ đức hạnh, được mọi người yêu mến và đơn giản là tự kiểm soát được chính mình”.

Kang Young-sook là giám đốc của Yejiwon từ khi bà thành lập học viện vào năm 1974. Từng là nhà báo phát thanh truyền hình tại MBC, bà Kang đã cùng với cựu Đệ nhất phu nhân Yook Young-soo, vợ của cố tổng thống Park Chung Hee, thành lập ngôi trường học này như một viện giáo dục phụ nữ hiện đại về các giáo lý đạo đức và phép xã giao truyền thống. Khóa giảng dạy đầu tiên của viện trong khoảng hơn 1 tháng dành cho những học viên đặc biệt là vợ của các bộ trưởng và quan chức cấp cao của chính phủ chính là về cách cư xử truyền thống. Bà Kang cũng là người có công trong việc hồi sinh nghi lễ pha trà truyền thống (Dado), bằng cách dạy các khóa học pha trà tại Yejiwon.

Bà Kang nói: “Con người đã thay đổi để phù hợp với thời đại, nhưng các đức tính cơ bản không thay đổi. Chúng bao gồm các nghi lễ truyền thống trong đám cưới, cách cư xử khi đối xử với người lớn tuổi và phụ nữ phải đảm đương việc gia đình, nuôi dạy con cái - những điều này là vượt thời gian”.

Theo thanhnien