Gần đây, Hai phút hơn của rapper Pháo với vũ điệu lắc hông gây sốt trên Tiktok và Douyin (phiên bản nội địa Trung Quốc của TikTok), thu hút hàng trăm nghìn người sử dụng với hàng tỷ lượt xem. Ca khúc vào Top 12 World Digital Song Sales - tác phẩm phát hành ngoài lãnh thổ nước Mỹ có doanh thu digital (nhạc số) cao nhất tuần - của Billboard, đứng đầu bảng xếp hạng Shazam toàn cầu (ứng dụng tìm kiếm qua giai điệu với hơn một tỷ người dùng).

Ngoài Hai phút hơn, nhiều ca khúc như Dễ đến dễ đi, Tình bạn diệu kỳ... cũng "làm mưa làm gió" mạng xã hội Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ...

Các bản nhạc Việt được khán giả quốc tế yêu thích đa phần là remix, mang đậm phong cách nhạc điện tử. Chuyên trang âm nhạc Pitchfork đánh giá Hai phút hơn với phiên bản remix do DJ Kaiz thu hút nhờ giai điệu nhanh, mạnh của thể loại Vinahouse - một nhánh thuộc dòng nhạc house, thể loại nhạc điện tử gắn liền với văn hóa hộp đêm ở Chicago (Mỹ) thập niên 1990. Phần điệp khúc "Một hai ba bốn hai ba một/ Hình như anh nói anh say rồi/ Một hai ba bốn hai ba một/ Hình như anh nói anh yêu em rồi" được khán giả thích thú dù không hiểu lời.

Dễ đến dễ đi (Lê Quang Hùng) mang âm hưởng pop, R&B, có đoạn điệp khúc bắt tai, còn Cứ chill thôi gây chú ý với cụm từ "da-da-da-da". Các đoạn nhạc nền ca khúc Có chàng trai viết lên cây, Bigcityboi, Kẻ cắp gặp bà già... được sử dụng nhiều đều được remix theo phong cách rộn ràng. QQ nhận định: "Giai điệu độc đáo, dễ nhớ là điểm thu hút của các ca khúc nhạc Việt trên Douyin, giúp nó trở thành xu hướng, được nhiều tài khoản sử dụng".

Theo nhạc sĩ Khắc Hưng, các nhà sản xuất âm nhạc trong nước ngày càng nắm rõ làm thế nào để tạo ra một ca khúc dễ thu hút, chiều lòng khán giả. Họ học tập tiêu chuẩn về sáng tác và sản xuất từ âm nhạc của các nước phương Tây, nên nhiều bài hát Việt hiện nay hợp gu quốc tế.

Khắc Hưng nói: "Các hãng đĩa nước ngoài như Universal, Sony, Warner Music - Big 3 hiện đã có mặt ở Việt Nam, là một trong những yếu tố giúp giới thiệu các sản phẩm âm nhạc hợp thời ra nước ngoài dễ dàng hơn". Pitchfork nhận định bên cạnh những nền âm nhạc phát triển nhất châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, khán giả quốc tế dần mở rộng sự quan tâm đến các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Vũ đạo trên nền nhạc là một trong những yếu tố giúp ca khúc gây chú ý. Bản phối Hai phút hơn của DJ Kaiz lan tỏa toàn cầu một phần nhờ vũ điệu lắc hông, xuất phát từ hình ảnh nhân vật hoạt hình Zero Two trong MV. Sau đó, trong các video dài khoảng hơn 10 giây, các tiktoker nhún nhảy theo giai điệu, tạo thành trào lưu trên mạng xã hội. Một số khác biến tấu thành những điệu nhảy vui.

The Magic Bomb của Hoàng Read tăng số lượng người xem nhờ vũ điệu chặt thịt theo nhịp bài hát. Vũ đạo tình bạn trên nền nhạc phần điệp khúc "Đưa tay đây nào, mãi bên nhau bạn nhớ" khoảng hơn 10 giây của ca khúc Tình bạn diệu kỳ được "búp bê cổ trang" Triệu Lộ Tư, Ju Yeon (The Boyz) hưởng ứng.

Năm 2020, bài hát Ghen Cô Vy tuyên truyền phòng chống Covid-19 của bộ Y tế được truyền thông quốc tế gọi là hiện tượng. Billboard nhận định một trong những lý do khiến ca khúc lan tỏa là vũ điệu rửa tay của do vũ công Quang Đăng thực hiện. Chỉ sau một ngày ra mắt, MC John Oliver đã cover điệu nhảy trong show Last Week Tonight with John Oliver. Hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng, người dùng trên thế giới hưởng ứng.

Sự phát triển của các ứng dụng, mạng xã hội góp phần đưa các ca khúc Việt ra thế giới nhanh chóng. Theo Sina, âm nhạc ban đầu được các tài khoản Tiktok, Douyin ở Việt Nam hoặc người Việt đang sinh sống, làm việc tại Trung Quốc sử dụng, sau đó được chia sẻ rộng rãi. Đặc điểm của các nền tảng này là người dùng có thể tạo ra video ngắn dựa trên âm thanh, hình ảnh và hiệu ứng có sẵn, mang tính giải trí cao. Vì vậy, nhu cầu tìm kiếm, sử dụng các ca khúc mới, hấp dẫn được đặt lên hàng đầu. Tài khoản Cciinnn của Bùi Thảo Ly (sinh năm 1997, vũ công của vũ đoàn Bước Nhảy) nhiều lần xuất hiện trên bảng tìm kiếm của Douyin với loạt video vũ đạo trên nhạc nền ca khúc Việt.

Nhạc sĩ Khắc Hưng nhận định việc các ca khúc nhạc trẻ Việt "gây bão" trên mạng xã hội quốc tế là một tín hiệu vui nhưng không phải là thành tích gây ấn tượng. Anh nói: "Thực tế nhiều người sử dụng các bản nhạc đó không nghe rõ lời và không biết đó là nhạc Việt Nam. Họ chỉ nghe vì có giai điệu bắt tai và có sự khác lạ so với những gì từng nghe. Từ đó, họ khai thác làm nhạc nền cho video tiktok hay sử dụng vào mục đích khác, chứ không phải là nghe nhạc".

Theo vnexpress