Rồi tới luôn của Nal là ca khúc mới nhất trở thành hiện tượng nhạc Việt. Sau gần 1 tháng phát hành, bản nhạc mang âm hưởng cha cha cha hút gần 35 triệu lượt xem. Khoảng 1 tuần gần đây, Rồi tới luôn phủ sóng mạng xã hội, dẫn đến hiệu ứng tăng phi mã.
Hiện tượng âm nhạc là cách gọi cho những ca khúc bất ngờ nổi tiếng trong thời gian ngắn. Em của ngày hôm qua, Vợ người ta, Hồng Nhan và Hongkong1 là những sản phẩm tiêu biểu được gắn mác "hiện tượng" khoảng 10 năm qua.
Một bước đổi đời
Khái niệm hiện tượng xuất hiện trên thị trường Vpop khoảng 10 năm gần đây. Đó là giai đoạn Internet phủ sóng, mạng xã hội bùng nổ và các nền tảng nghe nhạc trực tuyến nở rộ.
Một bản nhạc Việt có thể gây sốt, trở thành tâm điểm chỉ sau một đêm từ hiệu ứng đám đông.
Sơn Tùng và Jack là 2 hiện tượng đúng nghĩa của nhạc Việt.
Sơn Tùng M-TP thuộc lớp ca sĩ tiên phong trong giai đoạn Vpop chuyển mình. Trước khi Sơn Tùng xuất hiện, thị trường mainstream (chính thống) được bao phủ bởi loạt ca khúc ballad, pop/ballad. Giọng ca người Thái Bình khởi đầu bằng Cơn mưa ngang qua - ca khúc Rn'B, rất mới và bắt tai với khán giả trẻ.
Từ bước đệm Cơn mưa ngang qua, Sơn Tùng tạo "cú nổ" với Em của ngày hôm qua - bản dance-pop pha Rn'B và rap. Đây là bước ngoặt đưa tên tuổi Sơn Tùng phủ sóng thị trường. Đến nay, giọng ca sinh năm 1994 duy trì màu sắc này và khẳng định chỗ đứng độc lập.
Sau Sơn Tùng, Vpop dậy sóng vì bản hit Vợ người ta của Phan Mạnh Quỳnh. Phan Mạnh Quỳnh khởi đầu sự nghiệp bằng vai trò nhạc sĩ, rồi kiêm cả ca sĩ. Giai đoạn 2009-2015, Quỳnh sáng tác loạt ca khúc nổi bật như Người yêu cũ, Nơi ấy con tìm về, Bước qua thế giới... nhưng chưa định hình tên tuổi.
Đến 2015, Phan Mạnh Quỳnh phát hành Vợ người ta. Màu sắc pop/ballad của Vợ người ta không mới trên thị trường. Nhưng Phan Mạnh Quỳnh tạo điểm nhấn bằng cách chọn chủ đề khác thường về đám cưới, có yếu tố hài hước và châm biếm.
Chừng ấy ưu điểm giúp Vợ người ta bắt đúng mạch thị hiếu đám đông, đưa tên tuổi Phan Mạnh Quỳnh một bước phủ sóng nhạc Việt.
Phan Mạnh Quỳnh là trường hợp đặc biệt. Giọng ca gốc Nghệ An nổi lên bằng Vợ người ta, nhưng đây là ca khúc tệ bậc nhất trong kho tàng sáng tác của anh. Trước Vợ người ta, Phan Mạnh Quỳnh chấp bút cho nhiều ca khúc hay về giai điệu, chứa thông điệp sâu sắc.
Thực tế, Vợ người ta chỉ như bàn đạp để Phan Mạnh Quỳnh rút ngắn quãng đường để nổi tiếng. Sau đó, anh tham gia Sing My Song, trở lại màu sắc quen thuộc bằng loạt hit Con tim tan vỡ, Hồi ức và Có chàng trai viết lên cây. Đến nay, Phan Mạnh Quỳnh vừa có chỗ đứng, vừa được công nhận chuyên môn.
Đầu năm 2019, thị trường xuất hiện Jack với hiện tượng Hồng nhan. Đây là ca khúc pop pha rap, không mới, nhưng độc đáo từ cách hát, nhả chữ, luyến láy đậm chất miền Tây của Jack. Thời đó, Jack được ví như sự pha trộn giữa Phan Mạnh Quỳnh và Sơn Tùng.
Về nền tảng âm nhạc, Jack không tệ. Trước Hồng Nhan, giọng ca người Bến Tre phát hành một số ca khúc. Jack làm cả vai trò sáng tác và hát. Chất giọng, kỹ thuật của Jack chưa xuất sắc, nhưng có nét lạ, khác biệt thị trường.
Jack bắt tay cùng K-ICM - một producer chuyên làm nhạc ngũ cung, sử dụng các nhạc cụ dân tộc. Cú bắt tay đúng người, đúng thời điểm đưa cả hai đi lên. Thậm chí trong thời gian rất ngắn, Jack bứt lên, hút lượng fan hùng hậu và một thời được xem như đối trọng của Sơn Tùng.
Sau Rồi tới luôn, Nal sẽ thế nào?
10 năm qua, nhạc Việt đã chứng kiến hàng chục ca khúc trở thành hiện tượng. Bên cạnh Sơn Tùng, Phan Mạnh Quỳnh, Jack, các sản phẩm Người lạ ơi (Orange ft Karik), Anh thanh niên (HuyR) có thể được xếp vào nhóm tương tự, nhưng sức ảnh hưởng không bằng.
Nguyễn Trọng Tài, Nal nổi lên bằng chất nhạc mới lạ, giai điệu bắt tai.
Nhiều ca sĩ bứt phá từ đòn bẩy của ca khúc hiện tượng, nhưng cũng không ít giọng ca bị đè bẹp vì cái bóng quá lớn của sản phẩm bất ngờ nổi tiếng. Nguyễn Trọng Tài - chủ nhân hit Hongkong1 - là trường hợp điển hình đang có dấu hiệu sớm nở, tối tàn ở Vpop.
Hongkong1 xuất hiện từ cuối năm 2018. Khi đó, Nguyễn Trọng Tài trong cơn say hát ngẫu hứng một đoạn nhạc và video bất ngờ gây sốt. Nguyễn Trọng Tài tận dụng sức hút để phát hành đầy đủ ca khúc, lấy tên Hongkong1.
Đây là ca khúc thuộc dòng lofi. Khoảnh khắc ngẫu hứng của Nguyễn Trọng Tài làm nên giai điệu bắt tai, nhưng nội dung của ca khúc không mang nhiều giá trị, thậm chí có nhiều đoạn dùng từ ngữ khó hiểu.
Từ giọng ca vô danh, chưa qua trường lớp, Nguyễn Trọng Tài nổi tiếng chỉ sau một đêm. Nhưng cũng vì sức hút quá lớn từ Hongkong1, Nguyễn Trọng Tài chật vật, mất hút gần 3 năm qua.
Chất lofi của Hongkong1 có thể ngay lập tức gây ấn tượng ở Vpop. Nhưng về bản chất, đây là dòng nhạc kén khán giả Việt. Rất ít ca sĩ chấp nhận rủi ro để đi theo con đường này. Nguyễn Trọng Tài thành công từ một lần ngẫu hứng, nhưng để nổi tiếng đường dài, anh cần nhiều hơn thế.
Cuối năm 2019, giọng ca sinh năm 1997 phát hành Hongkong12 - là ca khúc tiếp nối của Hongkong1. Nguyễn Trọng Tài thay đổi bằng màu sắc pop ballad pha rap ở Hongkong12, nhưng sức lan tỏa của ca khúc chỉ ở mức trung bình.
Một tuần trước, Nguyễn Trọng Tài phát hành Cớ sao em buồn, đến nay chỉ hút gần 350.000 lượt nghe. Trước đó, các bản nhạc Bất lực, Giữa mây ngàn của Nguyễn Trọng Tài làm sơ sài trong khâu sản xuất và đều mờ nhạt.
Cách Nguyễn Trọng Tài nổi lên gần như tương tự những gì khán giả đang chứng kiến ở Rồi tới luôn của Nal.
Rồi tới luôn gây chú ý bằng sự mới lạ. Nhịp điệu cha cha cha là chất nhạc quen thuộc, đặc biệt với khán giả miền Tây. Tuy nhiên, bản phối Rồi tới luôn có pha trộn âm thanh điện tử, do đó có đôi chút hơi hướm hiện đại, trên nền nhạc bình dân.
Từ Hongkong1 cho đến Rồi tới luôn phản ánh thị hiếu của số đông khán giả đại chúng. Đó là những tai nghe dễ tính, thích những thứ ngẫu hứng và chú trọng giai điệu. Với họ, các yếu tố: Sâu sắc trong ca từ, đẳng cấp phối nhạc, chất lượng đầu ra âm thanh, gần như vô nghĩa.
Thành công của Rồi tới luôn tính đến lúc này là bất ngờ trên thị trường. Nal có bước chạy đà hoàn hảo, nhưng cũng rơi vào guồng quay khắc nghiệt của một giọng ca gắn mác "hiện tượng" theo 2 kịch bản là thật sự đột phá trong tương lai, hoặc vùng vẫy như cách Nguyễn Trọng Tài đang cố gắng để thoát khỏi cái bóng Hongkong1?
Theo Zing