Bài viết của Giáo sư Bao Tú Lan, Viện trưởng Viện Nhi Đại học Y Bắc Kinh, chuyên gia về phát triển trẻ em. Bài viết mang quan điểm của tác giả.

Gần đây, trên Weibo - mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc - nổ ra cuộc tranh cãi về chủ đề "Mẹ là siêu nhân, thực sự là lời khen cho mẹ?". Có 310.000 người đồng ý đây là lời khen, nhưng có tới 690.000 ý kiến cho rằng "Đó là gánh nặng khi làm mẹ".

Tại sao một câu nói dường như "bình thường", được nghe hàng ngày lại gây ra một cuộc tranh cãi lớn như vậy?

MC nổi tiếng Nhiễm Oánh Dĩnh cùng con trai tham gia chương trình Mẹ là siêu nhân của đài Hồ Nam, Trung Quốc. Ảnh: sohu.

Với phụ nữ, rồi một ngày họ sẽ trở thành mẹ của những đứa trẻ.

Đám trẻ thường nói, mẹ chúng là siêu nhân. Người khác sẽ nói, phụ nữ một khi là mẹ phải trưởng thành và mạnh mẽ. Còn xã hội thậm chí luôn đặt hai từ "vĩ đại" lên vai mỗi người mẹ.

Những lời khen này quả thực rất hay, bởi sự cống hiến của mẹ cho gia đình và xã hội là điều không thể phủ nhận.

Thế nhưng khi những từ "vĩ đại" hay "siêu nhân" trở thành thương hiệu của người mẹ thì những gì tiếp sau không phải là khẳng định sự cống hiến mà là "xiềng xích" đè nặng lên vai người phụ nữ.

Trở thành mẹ, nhiều phụ nữ thừa nhận rằng họ buộc trải qua những khó khăn chưa từng gặp phải.

Cách đây không lâu, trong chương trình "Mẹ là siêu nhân" của đài Hồ Nam, có một câu chuyện khiến tôi rất ấn tượng.

MC nổi tiếng Nhiễm Oánh Dĩnh tham gia chương trình khiến nhiều người ngưỡng mộ vì vừa bế con trai 5 tuổi, vừa nấu ăn bằng một tay. Cô cũng có thể vác hành lý cao đến ngang mắt mà không vấp ngã hay cần tới sự giúp đỡ của người khác.  

Một lần người mẹ này chuẩn bị bữa tiệc mừng nhà mới và nhắc chồng về sớm tiếp khách.

Cả ngày hôm đó, Nhiễm Oánh Dĩnh cùng hai con nướng bánh, làm món tráng miệng và gửi lời mời đến hàng xóm. Mọi thứ được chuẩn bị tươm tất thì chồng gọi điện thông báo không thể trở về nhà đúng giờ bởi có việc đột xuất.

Dù rất buồn nhưng Nhiễm vẫn cố tỏ ra vui vẻ, bảo chồng chú ý đến sức khỏe, ở nhà mọi việc đã có cô lo.

Bữa tiệc vẫn diễn ra như đã định và cô đối xử nồng nhiệt với mọi vị khách. Sau tiệc đêm muộn, Nhiễm bắt đầu dọn dẹp một mình và cô bật khóc..

"Khi trở thành mẹ, bạn phải làm những việc chưa từng làm và chịu đựng những ấm ức chưa từng trải qua trước đây", Nhiễm tâm sự.

Nữ MC này cho rằng, "siêu nhân mẹ" không phải người hùng để lúc nào cũng tỏ ra mạnh mẽ. "Sự mong manh của họ chỉ được thể hiện vào lúc mọi người đã ngủ say. Đó có thể là giọt nước mắt tủi thân hoặc chỉ là tiếng thở dài nhưng chứa đầy nỗi niềm khó nói".

Doãn Thanh Vân - người đạt danh hiệu "Người tranh luận hay nhất" trong Giải đấu hùng biện quốc tế diễn ra tại Trung Quốc - từng nói: "Mỗi cô gái chúng ta đều khác nhau. Một số người có năng lực, số khác lại không thể tự chăm sóc bản thân, có cô gái sợ ma và cô khác lại sợ bóng tối. Thời điểm chúng ta làm mẹ, tất cả đều giống nhau khi trở thành những siêu nhân. Câu này không ca ngợi bất cứ ai, nó chỉ đang thần thánh hóa bản năng của tình mẫu tử".

                        Doãn Thanh Vân rất nổi tiếng tại Trung Quốc là nhà hùng biện xuất sắc. Ảnh: sohu.

Sau khi trở thành mẹ, mọi phụ nữ đều nghe câu: "Bạn đã là mẹ". Câu nói đơn giản nhưng ẩn chứa đằng sau là trách nhiệm nặng nề: Bạn đã thay đổi từ một cô gái thành một người mẹ, từ người được chăm sóc thành người phải chăm sóc một đứa trẻ. Bạn phải trở nên mạnh mẽ, can đảm, kiên nhẫn và khoan dung để đủ điều kiện làm một người mẹ tốt...

Chịu sự kỳ vọng của người xung quanh và buộc hoàn thành tốt vai trò làm mẹ là những gì "siêu nhân mẹ" phải làm.

Lúc này "siêu nhân" không còn là lời khen mà là yêu cầu bắt buộc với mỗi phụ nữ được lên thiên chức.

Ngoài 9 tháng mang thai đầy mệt mỏi, sinh con và mất vài chục năm để một người phụ nữ nuôi nấng con trưởng thành.

Người mẹ nào không thận trọng ôm bụng khi mang thai, ăn uống phải thật khoa học vì sợ ảnh hưởng xấu đến con?

Người mẹ nào chẳng phải cố ăn, dù cơ thể có trở nên sồ sề, xấu xí để cố đủ sữa cho con bú?

Người mẹ nào chẳng trải qua cảm giác ngại ngùng xấu hổ bởi ánh mắt soi mói của người khác khi cho con bú ở nơi công cộng với tâm niệm: Phải nuôi con bằng sữa mẹ?

Từ khi trở thành mẹ, những người dường như bình thường nhất cũng tự nâng cấp mình thành những "siêu nhân". Quá trình nâng cấp này lại rất khổ cực, bởi phụ nữ luôn phải chịu đựng một mình khi mang thai, sinh con, giải quyết mâu thuẫn giữa công việc và con cái.

Khi nữ diễn viên nổi tiếng Hoắc Tư Yến mang bầu, chồng cô là Đỗ Giang hầu như không nhận đóng phim để toàn tâm toàn ý lo cho vợ.

Đỗ Giang mát xa, bôi kem chống rạn da cho vợ mỗi ngày bởi anh lo cô sẽ mất đi sự tự tin khi diện áo tắm sau này.

Khi Tư Yến sinh con, bố cô đến thăm con gái nhưng chỉ chăm chăm hỏi cháu ngoại, không màng đến con gái. Ấm ức, tủi thân, Tư Yến đã khóc rất to. Lúc này Đỗ Giang đến bên cạnh vợ an ủi "Em mới sinh con, tâm lý đang bất ổn, mọi thứ qua nhanh thôi bởi luôn có anh ở đây".

Không người phụ nữ nào muốn thành siêu nhân, điều họ muốn nhiều hơn là sự đồng hành và giúp đỡ của những người xung quanh, những người có thể chia sẻ gánh nặng về chăm sóc gia đình và con cái với mình.

Một người cha trên diễn đàn trên Weibo đã từng nói:

"Trong thế giới hiện đại như ngày nay, không ai cần một siêu nhân để gánh vác những trách nhiệm nặng nề. Mọi người chỉ cần trở thành một người bình thường hạnh phúc.

Dù không thể giải quyết mọi vấn đề liên quan đến đứa trẻ, nhưng là một người đàn ông, tôi không bao giờ muốn biến vợ mình thành một siêu nhân mẹ như nhiều người hay nói.

Cô ấy là người yêu, người bạn, là đồng đội, đóng nhiều vai trò quan trọng trong cuộc đời tôi. Bởi vậy việc giữ trẻ và việc nhà không thể để một mình cô ấy làm".

                                    Vợ chồng nữ diễn viên Hoắc Tư Yến và Đỗ Giang. Ảnh: sohu.

Xã hội này có nhiều định kiến và kỳ vọng tới các bà mẹ.

Đôi khi, những người mẹ vì dư luận mà quay lại nghi ngờ chính bản thân mình.

Đứa trẻ không đủ sữa bú, là lỗi của mẹ?

Làm việc nhà không để ý để con ngã, là lỗi của mẹ?

Quá mệt mỏi nên ngủ quên, con đạp chăn rồi bị cảm lạnh, là lỗi của mẹ?

Ngoài việc bị những người xung quanh đặt câu hỏi, lâu dần chính những người mẹ cũng nghi ngờ chính mình "Tôi có phải người mẹ tốt?"

Ngay từ khi trở thành mẹ, không chỉ những người khác yêu cầu chúng ta trở thành siêu nhân, mà ngay cả chính những người mẹ cũng đang đòi hỏi bản thân trở nên hoàn hảo.

"Tất cả điều này là không cần thiết, không hoàn hảo không phải là sai lầm", Doãn Thanh Vân nêu quan điểm.

Theo nhà hùng biện này, những người mẹ cũng chỉ là những người bình thường, không có ba đầu sáu tay, cũng có những lúc họ sẽ bất cẩn và sẽ có những việc họ không thể làm. Theo Doãn, là một người mẹ, không cần phải trở nên hoàn mỹ hay thành những siêu nhân, mà chỉ cần có sự chân thành và lòng yêu thương tới con trẻ.

"Là một người mẹ, sinh ra một đứa trẻ khỏe mạnh và nuôi chúng trưởng thành, đó là đủ hoàn hảo rồi", người phụ nữ này khẳng định.

Theo vnexpress

Theo vnexpress