Ảnh minh họa 

Thật tha thiết ước mong về một bức tranh du lịch Việt Namtương lai với gam màu tươi sáng, ấm áp về những người dân Việt Nam tự tin, vui vẻ chuyện trò bằng tiếng Anh với các du khách quốc tế. Những phút giây tương tác hiệu quả và đậm tính kết nối tình cảm khách và chủ nhà ấy chắc chắn sẽ góp phần ghi khắc hình ảnh Việt Nam đáng yêu, đáng mến trong lòng du khách.

Biến năng lực tiếng Anh thành điểm cộng

Sau những chuyến du lịch đến vài nước Châu Á, Châu Âu, tôi nhận ra thiện cảm và cảm giác thoải mái đối với điểm đến nào đó có liên quan đến khả năng nói tiếng Anh của người dân bản địa. Tại những nơi càng có nhiều người nói được tiếng Anh, hành trình du lịch của tôi càng thêm nhiều màu sắc nhờ những cuộc chuyện trò tình cờ, ngẫu hứng với người dân.

Và rồi, sau những ngày rong ruổi, hành trang ngày về của tôi thường có cả những gương mặt người bản địa dễ thương đã hào phóng tặng tôi những lời hướng dẫn nhiệt tình, những câu chuyện về đất, về người, về văn hóa,…

Cũng nhờ có “cây cầu tiếng Anh” mà tôi có thể kể về Việt Nam yêu dấu của tôi với những người bạn đến từ nhiều nơi trên thế giới. Có trái tim Việt Nam nào không khẽ đập những nhịp tự hào, xúc động khi kể về đất nước, quê hương mình với ai đó đến từ phương trời xa lạ, đang háo hức khám phá vẻ đẹp bất tận của Việt Nam?

Ảnh minh họa

Ấn tượng của du khách quốc tế về một vùng đất nào đó thường hàm chứa ấn tượng về những người dân địa phương mà họ đã gặp gỡ, chuyện trò hay tìm kiếm lời khuyên, sự giúp đỡ. Những pha tương tác ấy có thể dài hay ngắn, đơn giản hay phức tạp, song có một điều chắc chắn là việc thấu hiểu nhau sẽ thuận lợi hơn rất nhiều khi cả hai bên có thể cùng sử dụng một ngôn ngữ nào đó, ví dụ tiếng Anh.

Nếu ta muốn truyền đạt điều gì đến du khách nước ngoài nhưng năng lực tiếng Anh không đủ và ngôn ngữ cơ thể không giúp được mấy thì quả thật không khác gì ta rất muốn tưới cây mà không có nước!

Theo bảng xếp hạng năng lực tiếng Anh EF EPI (EF English Proficiency Index) năm 2017, Việt Nam xếp thứ 34 trên tổng 80 quốc gia mà tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ được khảo sát. Kết quả này phần nào giúp chúng ta nhận thấy năng lực tiếng Anh của người Việt cần được cải thiện bằng những giải pháp thật sự hiệu quả.

Rèn “cơ tiếng Anh” vì bản thân, vì đất nước

Bất cứ cơ nào trên cơ thể muốn khỏe mạnh, dẻo dai đều cần thường xuyên vận động, tập luyện. Năng lực tiếng Anh cũng thế. Nếu bạn không ngừng luyện “cơ tiếng Anh” thì cơ này sẽ yếu dần, đến khi gặp tình huống cần phải nói tiếng Anh thì bạn rất có thể sẽ ú ớ, lúng ta lúng túng, và phải dùng đến… cơ tay, cơ chân.

“Cơ tiếng Anh” càng khỏe mạnh, dẻo dai, bạn càng có nhiều cơ hội vươn đến sự phát triển của cá nhân, kết nối với thế giới, mang hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế, đóng góp vào sự phát triển của du lịch nước nhà, sự thịnh vượng của quốc gia.

Khi một phần đáng kể người dân Việt Nam, nhất là người dân tại các “thủ phủ du lịch”, như Sa Pa, Hà Nội, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc, TP.HCM…, có vốn liếng tiếng Anh để tương tác với du khách quốc tế sẽ là điểm cộng rất đẹp cho du lịch Việt Nam.

“Học tiếng Anh giao tiếp có khó không?”. Thay vì hỏi câu này, chúng ta hãy tự trả lời câu hỏi khác quan trọng hơn: “Mình có đủ quyết tâm để học tiếng Anh vì bản thân, vì đất nước không?”. Học tiếng Anh cũng như học hỏi nhiều kỹ năng khác, điều quan trọng không hẳn là kỹ năng đó khó hay dễ mà là lòng quyết tâm và độ kiên trì của ta cao hay thấp.

Điều này được chứng minh bởi những “đại sứ du lịch đường phố” nói tiếng Anh như gió mà YouTube đã lưu giữ hình ảnh họ. Đó là các phụ nữ Mông, Dao Đỏ trẻ già có cả ở Sa Pa tự tin dẫn tour, bán hàng lưu niệm cho khách nước ngoài; là cụ bà Trần Thị Diều, hơn 80 tuổi, nhiều năm qua giới thiệu với du khách về cây cầu ngói Thanh Toàn của xứ Huế; là cụ bà Lê Thị Hai ở TP.HCM gần 90 tuổi, ngày ngày bán vé số cho khách nước ngoài, là người đàn ông trung niên chạy xe ôm ở TP.HCM tự tin giới thiệu với du khách nước ngoài về những điểm tham quan nổi tiếng,…

Trong số họ, có người dùng tiếng Anh như phương tiện mưu sinh, có người đơn giản dùng tiếng Anh để kể về Việt Nam với các du khách, không cần trả công. Điểm chung của họ là phát âm tiếng Anh không hẳn chuẩn, ngữ pháp không hẳn vững, vốn từ vựng không hẳn phong phú, nhưng họ có đủ tự tin, thoải mái khi nói tiếng Anh và có thể làm du khách hiểu ý họ! Thế đã là tốt rồi!

Bên cạnh những ví dụ truyền cảm hứng học tiếng Anh trên, YouTube cũng có vài video khảo sát trình độ tiếng Anh của sinh viên Việt Nam tại Hà Nội, TP.HCM. Nhiều bạn trẻ đã lúng túng, ấp úng vì nghe chỉ hiểu chút chút hoặc thậm chí không hiểu, nói chỉ được chút chút hoặc thậm chí không nói được, dù đã học tiếng Anh 7-8 năm, thậm chí 11-12 năm.

Sự yếu kém về tiếng Anh có thể sẽ khiến những bạn trẻ ấy tự đánh mất những cơ hội học tập, công việc, lĩnh hội tri thức nhân loại, đánh mất cả những cơ hội đắp xây hình ảnh đẹp về đất nước mình khi tình cờ gặp gỡ người nước ngoài nào đó đang cần tìm hiểu về Việt Nam.

Thật mong, trong câu chuyện lớn quảng bá du lịch Việt Nam, chúng ta sẽ không quên kêu gọi cộng đồng, nhất là những người dân sinh sống tại các điểm đến du lịch nổi tiếng tích cực rèn luyện tiếng Anh giao tiếp, để vừa nâng cao tri thức bản thân, vừa góp phần tô điểm bức tranh du lịch Việt Nam tươi đẹp, hoàn mỹ hơn.

Các phương tiện truyền thông, đặc biệt là truyền hình, cần cung cấp nhiều hơn nữa những chương trình học tiếng Anh sinh động, hấp dẫn, có tính tương tác cao, phát sóng vào những khung giờ tốt. Đó có thể là game show, cuộc thi, chương trình giao lưu, dạy tiếng Anh giao tiếp,… Các chương trình này nên có sự tham gia của những nhân vật có tầm ảnh hưởng cộng đồng, của chính những nhân vật rất đời thường, rất giản dị nhưng có sức truyền cảm hứng học tiếng Anh mạnh mẽ, người nước ngoài đang sống tại Việt Nam, du khách quốc tế,…

Cần tận dụng mạng xã hội để kiến tạo những trào lưu khuyến khích học tiếng Anh thú vị, bổ ích, có sức sống dài lâu. Còn nhớ, trào lưu thử thách nói tiếng Anh trong thời gian một que diêm cháy từng được nhiều người hưởng ứng. Liệu giấc mơ các đại sứ du lịch Việt Nam gây ấn tượng với du khách quốc tế bằng khả năng nói tiếng Anh như gió có quá xa xôi? Tôi tin rằng giấc mơ ấy sẽ không xa một khi khát vọng cất cánh của mỗi cá nhân gắn với khát vọng cất cánh cùng đất nước!

Theo Lao động