leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Ông Trần Giai Nhĩ, Giáo sư từng công tác tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) cho rằng: Để con cái lớn lên thành công, cha mẹ không chỉ nêu gương tốt mà còn lưu ý 3 điều không nên.

1. Đừng nên bỏ cuộc giữa chừng

Theo quan điểm của Giáo sư, từ 5-10 tuổi, một số trẻ không kiên trì giải quyết vấn đề khó khăn mà tìm đến sự giúp đỡ từ cha mẹ; đi học rồi bỏ cuộc giữa chừng chỉ vì mất hứng thú... Tình trạng này xảy ra do trẻ không có khả năng đối mặt và giải quyết khó khăn, dẫn đến việc chỉ muốn ở vùng an toàn và thoát khỏi thực tế.

Các bậc cha mẹ phải nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên trì. Điều này không chỉ đảm bảo rằng con cái theo đuổi không mệt mỏi việc học tập, mà quan trọng hơn là có thể dũng cảm đối mặt với cuộc sống thay đổi trong tương lai và đạt được mục tiêu của mình.

Khi làm bất cứ điều gì, cha mẹ không nên bỏ dở giữa chừng, nên hoàn thành một cách nghiêm túc, kiên trì tìm cách giải quyết để làm gương cho con. Khi đối mặt với thất bại, cha mẹ không tức giận, nổi nóng mà kiên trì làm lại cho tới khi thành công. Phụ huynh cũng có thể để trẻ làm một số công việc nhà cùng mình để dạy con tính kiên trì. Những trò chơi khuyến khích tính kiên nhẫn, sự tập trung như giải câu đố, ghép hình cũng có thể giúp con không nản chí trước thử thách.

leftcenterrightdel
Ông Trần Giai Nhĩ 

2. Đừng nên làm việc không có kế hoạch

Điều khiến nhiều bậc phụ huynh trăn trở là trong việc học hành, đối với con cái, đây dường như là trách nhiệm, nhiệm vụ của cha mẹ. Trẻ không có kế hoạch của riêng mình, luôn trong tình trạng bị thôi thúc phải tiến lên một bước. Hãy để trẻ hình thành tinh thần trách nhiệm rõ ràng, đồng thời có thể xây dựng các mục tiêu, kế hoạch chi tiết trong hoạt động học tập và cuộc sống.

Không có kế hoạch cho cuộc đời là do thiếu ý thức trách nhiệm cơ bản. Một phần lớn nguyên nhân dẫn đến kết quả này là do cha mẹ quá kiểm soát cuộc sống của con cái. Việc buông bỏ có chọn lọc và thực hiện các hình thức thưởng, phạt phù hợp là yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển vững vàng.

Phụ huynh hãy giúp trẻ tạo lịch trình cá nhân theo từng ngày, bao gồm thời gian chơi, thời gian học tập hoặc các công việc khác. Sau đó, cần quan sát và nhắc nhở trẻ tuân theo lịch trình trong thời gian đầu để rèn luyện thành thói quen hữu ích.

3. Đừng nên nửa vời

Khi mục tiêu không đạt được, ngoài những vấn đề khách quan như năng lực, khó khăn thì nguyên nhân quan trọng hơn là trẻ không toàn tâm toàn ý. Nhiều học sinh khi đi học về làm bài tập, có thể dỏng tai lắng nghe những gì đang diễn ra xung quanh. Do thói quen nửa vời như vậy nên các em thường không hoàn thành mục tiêu.

Tập trung làm tốt một việc không chỉ là thói quen mà còn là một khả năng. Tuy nhiên, khả năng này của trẻ cần phải bắt đầu từ mọi điều nhỏ nhặt trong cuộc sống dưới sự giám sát, hướng dẫn của cha mẹ.

Khi con còn nhỏ, phụ huynh nên hướng dẫn con tập trung làm một việc trong khoảng thời gian nhất định để rèn luyện sự tập trung. Ví dụ, khi trẻ chơi đồ chơi sẽ không xem TV hoặc dọn nhà. Điều này giúp các em tập trung vào vấn đề trước mặt thay vì cố gắng nghĩ nhiều thứ khác cùng một lúc.

Trước khi học bài hay bắt đầu buổi học, cha mẹ có thể gợi ý con tạo danh sách mục tiêu cần làm. Ví dụ, khi trẻ làm bài tập về nhà, mục tiêu đặt ra là phải làm hết bài tập được giao, ghi nhớ công thức mới hoặc xem lại kiến thức chưa nắm rõ. Mỗi khi con bạn hoàn thiện mục tiêu, hãy để trẻ nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc trước khi thực hiện công việc khác.

Hiểu Đan