Mỹ: Nhiều sinh viên bỏ học vì có con
Cập nhật lúc 23:06, Thứ tư, 04/05/2022 (GMT+7)
Tại Mỹ, có khoảng 3,8 triệu sinh viên nuôi con khi học đại học. Nhiều người trong số này phải bỏ học giữa chừng sau khi có con.
|
|
Benitez chơi với con trai ở công viên |
Khi vợ chuyển dạ sinh con thứ ba trong bệnh viện, Joshua Castillo đang trong phòng chờ để hoàn thành bài thi cuối kỳ. Lúc đó, anh là sinh viên ngành Khoa học máy tính, trường Cao đẳng Cộng đồng Bắc Virginia (Mỹ). Castillo là 1 trong số 3,8 triệu sinh viên Mỹ nuôi con khi học đại học, khoảng 70% trong số này là phụ nữ, theo dữ liệu của Bộ Giáo dục do Viện Nghiên cứu Chính sách Phụ nữ Mỹ, công bố.
Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Phụ nữ, 61% nam sinh viên bỏ học đại học khi có con, tỷ lệ này ở sinh viên nữ là 48%. Theo Trung tâm nghiên cứu National Student Clearinghouse (chuyên nghiên cứu về lộ trình và xu hướng học tập của sinh viên Mỹ), tỷ lệ đăng ký học đại học ở nam giảm gần gấp đôi so với nữ từ khi đại dịch bắt đầu và hiện số nữ sinh trình độ đại học đang đông hơn nam sinh với tỷ lệ 59% so với 41%.
Nhà nghiên cứu Chaunté White, tại Viện Nghiên cứu Chính sách Phụ nữ, cho biết, cần phải nghiên cứu thêm để có thể xác định chính xác lý do tại sao quá nhiều nam giới có con bỏ học. Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể về vấn đề này nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, họ bị ảnh hưởng bởi nhiều thách thức tương tự như các nữ sinh làm mẹ, bao gồm tài chính và trông con, cũng như sắp xếp thời gian học tập trong ngày.
Khoảng một nửa sinh viên đã có con là người da màu, những người thường gặp nhiều rào cản hơn trong việc tốt nghiệp. Về vấn đề việc làm, nam giới không có bằng đại học có khả năng cao tiếp cận những công việc chỉ cần bằng cấp ba nhưng đòi hỏi sức khỏe như hàn và xây dựng so với phụ nữ.
Áp lực kinh tế, xã hội
Một số chuyên gia cho rằng, vấn đề về tốt nghiệp của sinh viên làm bố có liên quan đến văn hóa và cũng lý do tại sao từ đầu họ ít học đại học hơn phụ nữ. Theo Adrian Huerta, trợ lý giáo dục tại Đại học Nam California, nhà nghiên cứu về sinh viên của các trường trong bang, một trong những nguyên nhân chính là áp lực gia đình, áp lực xã hội khi trở thành người có con. Điều này khiến giáo dục trở thành ưu tiên thứ yếu so với những vấn đề khác.
Jesus Benitez là một trong những trường hợp tương tự. Áp lực xã hội là một trong những lý do khiến anh cảm thấy khó khăn để hoàn thành chương trình đại học. Benitez có con lúc 17 tuổi và đã bỏ học trung học phổ thông; năm 18 tuổi, anh làm bố đơn thân. Benitez lớn lên ở Bronx, New York và đảm nhận việc chăm sóc các em vì mẹ làm quá nhiều việc. Anh thấy điều tương tự xảy ra với chính mình khi có con.
Thông qua một chương trình của Đại học Thành phố New York cho các ông bố da đen và Latinh, Benitez lấy chứng chỉ GED, chứng chỉ tương đương với bằng trung học phổ thông tại Mỹ. Sau đó, các cố vấn khuyến khích Benitez lấy bằng liên kết tại trường Cao đẳng Cộng đồng LaGuardia ở Queens.
Benitez làm việc toàn thời gian khi theo học tại trường Cao đẳng Cộng đồng LaGuardia và sau đó là Cao đẳng Thành phố Manhattan. Đã có lúc, anh muốn bỏ học vì mặc cảm việc lớn lên trên đường phố nhưng thầy cô đã khuyến khích anh tiếp tục học. Benitez nói: "Họ đi tìm để đưa tôi trở lại trường học. Nếu họ không liên tục giúp đỡ tôi, tôi không nghĩ rằng mình có thể hoàn thành chương trình".
Chương trình mà Benitez học là "Học viện ông bố", một trong số rất ít chương trình trên cả nước dành cho các ông bố là sinh viên. Chương trình "Học viện ông bố" cung cấp các bài kiểm tra tương đương trung học và đại học cho nam giới có con thông qua các lớp học, dạy kèm, tư vấn, hội thảo về nuôi dạy con cái và trợ cấp hằng tuần.
Theo các chuyên gia, việc giúp những sinh viên làm bố tốt nghiệp đại học, cao đẳng không chỉ là giúp đỡ cho cá nhân họ. Khi đi học và tốt nghiệp, các ông bố này có khả năng cao kiếm đủ tiền để nuôi gia đình và con cái của họ cũng có nhiều cơ hội học đại học hơn. Điều này có thể thúc đẩy nền kinh tế.
Các chuyên gia cũng lưu ý nếu không thiết kế các chương trình như "Học viện ông bố", các trường có thể mở rộng dịch vụ trông trẻ trong khuôn viên trường, trợ cấp và cấp học bổng nhiều hơn cho sinh viên có con, hay xem xét lại các chính sách xung quanh việc cho phép đưa con đến lớp học.
Nguyễn Ngọc (Dịch)