leftcenterrightdel
Trẻ em tại dải Gaza không thể đến trường. 

Mỗi quốc gia phải tìm cách linh hoạt khắc phục trở ngại để học sinh đến trường trong điều kiện an toàn, đầy đủ nhất.

Khó khăn vì xung đột

Trẻ em Ukraine khai giảng năm học mới vào đầu tháng 9 trong những lớp học nằm sâu dưới lòng đất để tránh các cuộc không kích trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine. Dẫu còn nhiều nguy hiểm và việc học dưới lòng đất không thể thoải mái như các lớp truyền thống, nhưng mặt tích cực là học sinh được trở lại học tập chứ không bị gián đoạn như một năm trước đó.

Đã đến lúc phải vượt ra ngoài các giải pháp tạm thời như đổi lớp học, mượn không gian ngoài trường học. Giáo dục không thể đảm bảo chất lượng nếu tổ chức trong các lớp học tạm thời hoặc dưới tán cây. Học sinh và giáo viên xứng đáng được hưởng môi trường giáo dục tốt hơn. Bà VLADIMER QUETUA (Chủ tịch Liên minh Đạo đức Giáo viên)

Các em trở lại trường trong tâm trạng hào hứng, phấn khởi và khoác lên mình những bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất. Chị Tetiana Hubina, phụ huynh có con học lớp Một tại Kharkiv, cho biết: “Chúng tôi đưa các con đi học vì nơi đây an toàn. Các cháu sẽ không sợ tên lửa cũng như các cuộc không kích và sẽ được bảo vệ ở đây”.

Những học sinh theo gia đình di tản sang các quốc gia khác cũng nhận được sự quan tâm và chăm lo giáo dục. Năm học này, Chính phủ Ba Lan yêu cầu trẻ em tị nạn Ukraine phải đến trường, nếu không, gia đình sẽ không được nhận khoản trợ cấp 200 USD mỗi tháng dành cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Cậu bé Sava Trypolsky, 7 tuổi, háo hức không thể ngủ nổi vào đêm trước ngày khai giảng. Từ năm học 2024 - 2025, em sẽ vào lớp Một tại Ba Lan. Hai năm trước, Sava cùng mẹ và chị gái rời Ukraine ngay sau xung đột Nga - Ukraine đến Ba Lan nhưng chưa thể đi học trực tiếp do các quy định, chính sách.

Còn bây giờ, Sava đã nhanh chóng làm quen với những người bạn Ba Lan, đăng kí chơi thể thao tại câu lạc bộ ở ngôi trường mới trên một đất nước mới. “Cháu cảm thấy rất hạnh phúc”, Sava nói.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Ukraine, ông Andriy Vitrenko cho biết, Ukraine cần 14 tỷ USD trong 9 năm tới để khôi phục cơ sở hạ tầng giáo dục bị chiến tranh tàn phá. Theo thống kê, hơn 3,5 nghìn trường học tại Ukraine bị thiệt hại và gần 400 cơ sở bị phá huỷ hoàn toàn.

Ngược lại, tại Dải Gaza, hàng trăm nghìn học sinh bước vào năm học thứ 2 không thể khai giảng do xung đột Israel và lực lượng Hamas. Thay vì đến trường, em Ezz el-Din Qudeh, 14 tuổi, cố gắng nhặt nhạnh những gì còn sót lại tại một toà nhà bị phá huỷ ở phía Bắc Gaza. Cậu bé cùng gia đình đã đi di tản vì xung đột. Qudeh cho biết: “Những học sinh khác trên thế giới đã bắt đầu năm học mới nhưng chúng cháu phải làm những việc quá sức của mình để kiếm sống và không được học tập”.

Ở một khu vực khác tại Dải Gaza, trẻ em đi chân trần, xếp hàng ở những điểm cấp phát nước miễn phí dành cho người tị nạn. Những đứa khác ngồi đợi ở các bếp ăn từ thiện để mang thực phẩm về cho gia đình, vốn đã trắng tay sau những trận không kích “cuốn” đi nhà cửa.

leftcenterrightdel
 Một tiết học dưới hầm trú ẩn của học sinh Ukraine.

Khó khăn vì biến đổi khí hậu

Từ tháng 8, các bang tại Mỹ khai giảng năm học 2024 - 2025 trong tình trạng nắng nóng kéo dài. Nhiệt độ cực cao ảnh hưởng đến sức khoẻ, sự phát triển và hành vi của trẻ em, cũng như khả năng tập trung và học tập của học sinh. Một nghiên cứu dựa trên thành tích học tập của trẻ em cho thấy nếu năm học nóng hơn 1 độ C thì khả năng học tập có thể giảm 1%.

Trong bối cảnh trên, các trường học tại Mỹ thiếu hệ thống làm mát phù hợp. Một báo cáo năm 2020 của Văn phòng Trách nhiệm Giải trình của Chính phủ Mỹ chỉ ra khoảng một nửa số trường học tại 41% các khu học chánh công lập trên toàn quốc, tương đương 36 nghìn trường, cần thay thế hoặc bổ sung hệ thống làm mát.

Theo khảo sát năm 2024, trung bình các trường công lập của Mỹ được xây dựng cách đây gần nửa thế kỉ. Những cơ sở này không được thiết kế đáp ứng điều kiện khí hậu hiện nay nên cần trang bị thêm cửa sổ, vật liệu cách nhiệt, điều hoà, quạt thông gió...

Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có đủ ngân sách để cải thiện cơ sở vật chất. Thay vào đó, họ phải tìm nhiều cách khác nhau để duy trì môi trường học tập thoải mái và lành mạnh cho học sinh. Đơn cử, một số trường ở Austin điều chỉnh giờ ra chơi sớm hơn và hạn chế thời gian sinh hoạt ngoài trời của học sinh.

Còn tại Philippines, quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng từ bão lũ và biến đổi khí hậu, năm học mới sẽ bắt đầu sớm một tháng so với năm ngoái. Thời gian năm học sẽ bắt đầu từ tháng 6 năm nay đến tháng 3 năm sau nhằm tránh những tháng nắng nóng gay gắt. Bà Vladimer Quetua - Chủ tịch Liên minh Đạo đức Giáo viên (TDC) cho biết cần xây dựng các lớp học có khả năng chống chịu thảm họa và các trung tâm sơ tán chuyên dụng để ngăn chặn tình trạng gián đoạn học tập kéo dài.

Biến đổi khí hậu gây nên khủng hoảng học tập tại Philippines trong nhiều năm nay. Nhiều trẻ nhỏ bỏ lỡ việc học sớm như học mẫu giáo. Trẻ em tiểu học không đạt được trình độ thông thạo về đọc và toán.

Các kĩ năng cần cho cuộc sống như giải quyết vấn đề, hiểu biết thông tin, tư duy phản biện và sáng tạo của học sinh cũng tụt hậu so với bạn bè quốc tế. Những trẻ em yếu thế như trẻ khuyết tật, trẻ em nông thôn bị bỏ lại phía sau.

leftcenterrightdel
Số lượng du học sinh tại các quốc gia phương Tây giảm. 

Lớp học vắng điện thoại

Bước vào năm học 2024 - 2025, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp lệnh cấm sử dụng điện thoại trong lớp nhằm ngăn chặn tình trạng xao nhãng học tập. Động thái trên được xem là hành động ủng hộ sau khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) đề xuất các nước cấm điện thoại thông minh trong trường học.

Trong báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu năm 2023, UNESCO đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều làm giảm hiệu suất học tập, tăng cảm xúc tiêu cực của trẻ em. Tổng giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay, nhấn mạnh: “Kết nối trực tuyến không thể thay thế sự tương tác giữa người với người”.

Hôm 11/9, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis thông báo học sinh có thể mang điện thoại di động đến trường nhưng phải cất trong cặp sách trong cả ngày học. Học sinh nào không tuân thủ quy định sẽ bị đình chỉ học một ngày. Trong trường hợp tái phạm, các em có thể bị cho nghỉ học nhiều ngày. Đặc biệt, học sinh quay phim bạn bè hoặc giáo viên mà không được phép đều có thể bị đuổi học.

Những quy định của Hy Lạp không chỉ nhằm cải thiện khả năng học tập của học sinh mà còn bảo vệ các em khỏi bạo lực trên mạng. Tình trạng bắt nạt học đường đã mở rộng hình thức khi xuất hiện trên Internet do học sinh sử dụng thiết bị di động để mở rộng kết nối, tương tác.

Tương tự, từ năm học này, Pháp sẽ thử nghiệm cấm điện thoại tại 200 trường học trước khi mở rộng ra toàn quốc. Italy, Hà Lan, Phần Lan đều có những động thái tương tự để kiểm soát thiết bị di động.

Ngoài ra, các nhà giáo dục vẫn thảo luận về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lớp học. Họ đang tìm cách xác định vai trò của AI và phát triển các phương pháp giám sát việc sử dụng AI.

Theo các nghiên cứu, AI sẽ hỗ trợ hiệu quả cho những học sinh gặp khó khăn trong học tập như khó khăn tập trung, tiếp nhận kiến thức, ghi nhớ... Các em sử dụng AI để hoàn thành bài tập trên lớp và tự học, từ đó nâng cao trình độ của bản thân. Tuy nhiên, nhiều học sinh sẽ bị phụ thuộc quá nhiều vào AI, kìm hãm sự phát triển trong tương lai.

Du học “chuyển mình”

Với lĩnh vực giáo dục quốc tế, năm học 2024 - 2025 được đánh dấu từ học kì mùa Thu, thường diễn ra vào tháng 9, 10. Năm nay, xu hướng chung của nhiều quốc gia phương Tây như Anh, Australia, Canada là giảm số lượng sinh viên quốc tế.

Cụ thể, số lượng đơn xin cấp thị thực du học tại Vương quốc Anh đã giảm từ 38,9 nghìn đơn vào tháng 6/2023 xuống còn 28,2 nghìn đơn, tức giảm 28%. Ở chương trình đào tạo sau đại học, mức giảm là 55%. Xu hướng suy giảm này phù hợp với những động thái cứng rắn của Chính phủ Anh nhằm kiểm soát tình trạng nhập cư ồ ạt.

Hồi tháng 1/2024, Chính phủ Anh thông báo cấm sinh viên quốc tế mang theo người thân đến Anh học tập. Nước này cũng tăng yêu cầu chứng minh tài chính du học, giới hạn số lượng người nước ngoài được đến du học.

Canada ước tính số lượng sinh viên mới trong học kì mùa Thu năm nay sẽ giảm từ 45 - 55% sau khi nước này hạn chế số giờ làm thêm, tăng yêu cầu chứng minh tài chính và những điều kiện du học khác với sinh viên quốc tế. Còn Chính phủ Australia tăng yêu cầu chứng minh tài chính, giới hạn số đơn xin cấp thị thực du học được phê duyệt hàng năm, tăng điều kiện xin học đối với sinh viên nước ngoài.

Trong bối cảnh các trường đại học phụ thuộc nguồn thu từ học phí quốc tế và học phí trong nước giữ nguyên, những thay đổi trên sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn ngân sách của các cơ sở. Khi nguồn ngân sách suy giảm, chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất và nghiên cứu trong khuôn viên đại học cũng sẽ thay đổi.

Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia châu Á đang tích cực thu hút sinh viên nước ngoài bằng nhiều hình thức như giảm yêu cầu tài chính, nới lỏng điều kiện du học, tăng các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh... Các nước này cũng ghi nhận số lượng sinh viên quốc tế đến học tập tăng, nhất là sinh viên cùng châu lục. Nhóm này trước đây đã đóng góp lớn vào kinh tế của các quốc gia phương Tây qua du học.

Theo giaoducthoidai