Tiểu thuyết "Người gia sư" được Nhà Xuất bản Hà Nội và Công ty Limbooks ấn hành tháng 8/2017

“Agnes Grey” (Người gia sư) là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Anne Bronte, em của hai tiểu thuyết gia nổi tiếng: Emily Bronte (tác giả của Đồi gió hú) và Charlotte Bronte (tác giả của Jane Eyre). Tuy không nổi tiếng bằng Đồi gió hú và Jane Eyre nhưng “Agnes Grey” đã có đóng góp quý giá cho văn học Anh bởi giá trị nhân văn và những thông điệp hữu ích.

Được xuất bản lần đầu ở Anh vào năm 1847, 3 năm sau, Agnes Grey được tái bản và được giới thiệu rộng rãi trên thế giới. George Moor, người được coi là tiểu thuyết gia hiện đại đầu tiên của Ai-Len, ngợi khen Agnes Grey là “tác phẩm văn xuôi hoàn hảo của văn học Anh”.

Agnes Grey là câu chuyện kể về Agnes Grey, con gái của một mục sư nghèo sống ở miền Bắc nước Anh vào thế kỷ 19. Sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương với sự giáo dục tiến bộ, sáng suốt của cha mẹ, được truyền cảm hứng từ cuộc hôn nhân dựa trên tình yêu, sự tôn trọng lẫn nhau và lòng khát khao vun đắp hạnh phúc, Agnes quyết tâm bước ra thế giới, bắt đầu cuộc sống tự lập, hữu ích khi cô vừa bước qua tuổi 19 trong lúc gia đình lâm vào cảnh túng thiếu.

Cô thực sự thích công việc của một gia sư nhưng không thể lường hết được những khó khăn, cực nhọc mà mình phải đối mặt bởi những tiểu thư, công tử thuộc những gia đình giàu có mà cô đến phục vụ đều ngạo mạn, hống hách, ngang bướng, coi thường tri thức, khó giáo dục và thiếu tình người.

Chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình, cô không kêu ca, than vãn, mà cố gắng chịu đựng và vượt qua không chỉ những thử thách trong công việc của một gia sư mà cả sự phân biệt đối xử, sự bất công và cô đơn.

Cô cố gắng thu lượm từng chút thành công ít ỏi để động viên mình cũng như tích góp những bài học quý giá từ trải nghiệm thực tế để bản thân cũng “lớn lên” từ hành trình đầy gian nan.

Dù đã hết lời can ngăn, cô vẫn buộc phải chứng kiến cảnh học trò của mình, nàng tiểu thư xinh đẹp, kiêu ngạo Rosalie Murray, người chỉ quan tâm chăm chút vẻ bề ngoài và dễ siêu lòng trước những gì hào nhoáng, bước vào một cuộc hôn nhân không tình yêu để thỏa mãn tham vọng sở hữu một dinh thự đẹp và khu vườn cảnh bao quanh bất chấp việc phải sống chung với một người chồng tồi tệ.

Chỉ một thời gian ngắn sau đám cưới, cô tiểu thư phải thú nhận rằng nàng đang sống một cuộc đời phí hoài, bất hạnh và đầy thất vọng.

Agnes trái ngược hẳn với cô học trò đó. Không có vẻ ngoài nổi bật, nhưng có kho báu trong tâm hồn và trí tuệ mà cô không ngừng trau dồi và trân trọng. Agnes đã kiên nhẫn đợi trong niềm hy vọng và cuối cùng hạnh phúc đích thực đã đến với cô.

Sau khi cùng mẹ mở trường tư thục tại nơi ở mới, duyên lành đã khiến cô tình cờ gặp lại mục sư Weston, người đàn ông có nhân cách đáng kính trọng mà cô thầm yêu từ khi còn làm gia sư Horton. Tình yêu ấp ủ qua tháng ngày đã được thổ lộ và hạnh phúc đã mỉm cười với hai người.

Họ sống một cuộc sống hạnh phúc như cha mẹ họ trước kia, với những công trình quan trọng nhất để vun đắp là những đứa con được sinh ra trong tình yêu thương.

Được coi là tiểu thuyết giáo dục, sau hơn một thế kỷ, Agnes Grey với định nghĩa đầy tính thực tiễn về tình yêu và hạnh phúc vẫn còn nguyên giá trị đối với bạn đọc thời nay. Những người trẻ tuổi phải được trang bị vốn sống như thế nào để không bị những ảo tưởng và sai lầm đưa vào mê cung của sự phù phiếm, phù du để rồi phải sống trong bất hạnh và nuối tiếc?

Họ phải được nuôi dạy trong môi trường giáo dục ra sao để biết nhận dạng hạnh phúc đích thực và biết cách tiếp cận, tận hưởng, đồng thời mang lại hạnh phúc cho người khác? Bạn đọc sẽ tìm được câu trả lời qua những trang tiểu thuyết sinh động và chân thực như nhật ký của Anne Bronte để chiêm nghiệm và chia sẻ với những người có cùng mối quan tâm về chủ đề quan trọng này.

                                                                          Theo Phunuvietnam.vn