Các đại biểu cắt băng khai mạc Trưng bày
“Nhật ký hòa bình” được Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức nhân kỷ niệm 55 năm diễn ra Sự kiện Vịnh Bắc Bộ (5/8/1964 – 5/8/2019), 20 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999 – 16/7/2019).
Không bao giờ là quá muộn cho hòa bình
Qua 3 nội dung: Nấc thang cuộc chiến, Khát vọng hòa bình và Thông điệp cho ngày mai, trưng bày muốn gửi tới thông điệp: Không bao giờ là quá muộn cho hòa bình; Hà Nội - Thành phố vì hòa bình; Việt Nam - Điểm đến của sự hợp tác, hữu nghị và hòa bình.
Triển lãm là những câu chuyện về tình đoàn kết của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã vượt qua khoảng cách địa lý, ngôn ngữ, tôn giáo để lên tiếng phản đối cuộc chiến Mỹ tiến hành ở Việt Nam được kể lại thông qua các hoạt động phản chiến: mít tinh, biểu tình, tọa đàm, hội thảo, lập tòa án quốc tế, quyên góp tiền, hiến máu…
Thước phim về chiến tranh Việt Nam được trình chiếu tại buổi Trưng bày
Nếu như ở nội dung “Nấc thang cuộc chiến”, người xem nhìn lại nhiều hình ảnh khốc liệt về cuộc chiến tranh thì phần triển lãm “Khát vọng hòa bình”, một lần nữa khát vọng cháy bỏng và tinh thần yêu chuộng hòa bình của mỗi người dân Việt Nam được khắc họa rõ nét. Tinh thần ấy đã bùng cháy thành ngọn lửa, lan tỏa tới bạn bè khắp năm châu, tạo thành làn sóng phản chiến mạnh mẽ trên thế giới.Đặc biệt, làn sóng phản chiến đó ở ngay tại nước Mỹ, trong hàng ngũ binh lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam và cả những phi công sống trong trại giam Hỏa Lò. Bất chấp sự đàn áp của chế độ cầm quyền tại miền Nam và những trận bom đánh phá dữ dội miền Bắc, tiếng nói phản đối chiến tranh vang lên khắp mọi miền Tổ quốc. Lớp lớp thanh niên, sinh viên đã tình nguyện xếp bút nghiên lên đường vào Nam chiến đấu. Những thanh xuân ấy ra đi, xông pha với ý chí “Dùng cái chết ngăn ngừa cái chết”. Cuộc chiến dù có khốc liệt cũng không thể dập tắt nụ cười rạng rỡ của những chiến sĩ trẻ trên đường hành quân ra mặt trận.
Với “Thông điệp cho ngày mai”, lần đầu tiên những hiện vật gắn bó với các nhân chứng lịch sử, các cá nhân, tổ chức phản chiến giúp đỡ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ được giới thiệu đến đông đảo công chúng như huy hiệu, phụ nữ Mỹ đeo trong các cuộc mít tinh, biểu tình để phản đối cuộc chiến Mỹ tiến hành tại Việt Nam (1964 - 1973); thống kê thư của bà Cora Weiss - người đứng đầu phong trào Phụ nữ đấu tranh vì Hòa bình và các nhà hoạt động xã hội đã chuyển từ các phi công Mỹ ở các trại giam miền Bắc đến gia đình và ngược lại; Giấy ra vào Sân bay Gia Lâm, ông Hoàng Văn Quấn, quản giáo trại giam Hỏa Lò được Chính phủ Việt Nam cấp để sử dụng trong thời gian thực hiện công tác trao trả phi công Mỹ, năm 1973; Sưu tập báo phản chiến do binh sĩ Mỹ xuất bản và phát hành tại các doanh trại, tàu chiến Mỹ (1968 - 1972) do các tổ chức hòa bình tặng cán bộ quản giáo Trại giam Hỏa Lò; Báo The Veteran (Cựu chiến binh) số 2, tập 47 do các cựu chiến binh Mỹ chống chiến tranh Việt Nam quyên góp kinh phí để xuất bản tại New York, Hoa Kỳ mùa thu năm 2017...
Toàn cảnh Trưng bày "Nhật ký hoà bình"
Những câu chuyện từ quá khứ Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Tâm Chiến, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Chủ tịch Hội Việt – Mỹ cho biết: Cuộc trưng bày được tổ chức tại một địa danh linh thiêng, biểu tượng cho tinh thần anh dũng quật cường, sự hy sinh cao cả vô bờ bến của biết bao người Việt Nam yêu nước đã đấu tranh cho độc lập tự do và hòa bình.
“Trưng bày “Nhật ký Hoà bình” hôm nay giúp chúng ta nhớ lại biết bao nỗ lực của nhân dân hai nước phấn đấu vì một mối quan hệ hữu nghị. Sau chừng ấy năm, mối quan hệ Việt – Mỹ đã tiến xa từ cựu thù thành đối tác toàn diện và đang ngày càng phát triển”, ông Nguyễn Tâm Chiến nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tâm Chiến cho rằng, trong quá trình đó, vai trò của nhân dân và các tổ chức xã hội có ý nghĩa to lớn. Đó là lập nên được mặt trận quốc tế đoàn kết, ủng hộ nhân dân Việt Nam trong kháng chiến, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Việt Nam không bao giờ quên sự đóng góp của những người bạn Mỹ trong công cuộc đó. Trong 20 năm tiếp theo từ sau khi kết thúc cuộc chiến cho đến trước khi bình thường hóa quan hệ Việt –Mỹ (1975-1995), rất nhiều những nhà hoạt động xã hội, các cựu binh, nhà khoa học, nhân sĩ trí thức 2 nước đã tiếp xúc, giao lưu, giúp truyền tải những thông điệp hòa bình, hòa giải, và nhờ đó các quan hệ thực tế hai bên đã bắt đầu.
Ông Nguyễn Tâm Chiến xúc động chia sẻ tại buổi lễ
Cựu Đại sứ nhấn mạnh: Cuộc trưng bày hôm nay là một minh chứng nữa của khát vọng hòa bình, của người dân Việt Nam, cũng là thông điệp hãy chung tay viết tiếp trang sử hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân ta với nhân dân Mỹ và thế giới, được truyền đi từ một địa danh linh thiêng - Nhà tù Hoả Lò, Hà Nội. Chúng ta cùng quyết tâm hơn đóng góp cho công cuộc sự nghiệp, độc lập, tự do và phát triển hoà bình của đất nước, để xây dựng Đại sử ký hoà bình của dân tộc. Tại trưng bày, các đại biểu đã được gặp lại những vị khách từ nước Mỹ, Hạ sĩ Lục quân Mỹ Robert P. Chenoweth (người có thời gian sống tại “Khách sạn Hilton - Hà Nội”) và con trai; ông Thomas Eugene Wilber, con trai Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber (cựu phi công Mỹ bị giam tại Trại giam Hỏa Lò).
Hạ sĩ Lục quân Robert P.Chenoweth (áo xanh) gặp lại những người bạn cũ tại Trưng bày
Hạ sĩ Lục quân Robert P.Chenoweth tham chiến tại Việt Nam từ tháng 1/1967. Tháng 2/1968, khi tham chiến tại Quảng Trị, máy bay trực thăng của ông bị trúng đạn. Máy bay nổ, ông và các binh lính trên máy bay đều bị bắt. Trong thời gian sống ở nhà tù Hỏa Lò, ông đã bắt đầu hiểu về cuộc chiến mà mình tham gia. Người cựu binh Mỹ được chứng kiến sự quả cảm, kiên cường của dân và quân Việt Nam khi bảo vệ đất nước. Chenoweth đã ngộ nhiều điều về chiến tranh Việt Nam, về những điều mà những người lính Mỹ được giáo dục hoàn toàn khác với những gì họ được chứng kiến từ cuộc chiến. Từ đó, ông tích cực phản đối chiến tranh thông qua những bản tường trình, những buổi làm việc với thành viên các nhóm hòa bình đến thăm trại giam.
Trung tá Thomas Eugene Willber (con trai của Đại tá Hải quân Walter Eugene Wilber) đã từng nhiều lần trở lại Việt Nam để tìm hiểu lịch sử, con người Việt Nam nhờ vào những kỷ vật và câu chuyện kể của người cha khi trở về từ cuộc chiến tại Việt Nam. “Tôi rất xúc động khi trở lại Việt Nam, trở lại nhà tù Hoả Lò để tham dự trưng bày hôm nay. Những hình ảnh, những câu chuyện được trưng bày đã nhắc nhớ tôi lại những câu chuyện mà cha từng kể về khi tham chiến tại Việt Nam. Và trưng bày cũng khiến tôi mong muốn được hiểu hơn về lịch sử để từ đó nhân thêm những giá trị về lòng nhân ái, yêu thương và hòa bình”, Trung tá Thomas chia sẻ.
Một số hình ảnh tại Triển lãm:
Trưng bày thu hút sự quan tâm của nhiều du khách nước ngoài
Theo thoidai