Hành trình về nguồn cội Chúng tôi đến Côn Đảo bằng đường biển vào một ngày giữa tháng Tư. Chuyến tàu cao tốc Côn Đảo Express 36 cập cảng Bến Đầm đúng 12 giờ. Trên tàu chủ yếu là du khách nội địa từ nhiều tỉnh, thành cả nước như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh, TP.Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai… Chúng tôi cũng hòa vào dòng người hối hả, rồi bắt đầu hành trình về nguồn. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng chục ngàn chiến sĩ cách mạng. Đây cũng là “địa chỉ đỏ” mà tôi và rất nhiều du khách ghé khi đặt chân đến Côn Đảo bằng tấm lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Sau khi dâng hương ở lễ đài chính và thắp hương cho các phần mộ trong nghĩa trang, tôi có dịp trò chuyện với bà Nguyễn Thanh Hoa (đến từ Hà Nội). Bà Hoa cho biết, năm nào bà cũng đến Côn Đảo du lịch. Đặt chân đến Côn Đảo, bà luôn đến nghĩa trang Hàng Dương. Bà nói: “Trong tâm thức của tôi, những anh hùng liệt sĩ, nhà yêu nước, chiến sĩ cộng sản đang yên nghỉ tại đây chính là chủ nhân của vùng đất này. Dâng hương, lễ vật như một cách chào hỏi chủ nhà”. Nghĩa trang Hàng Dương trở thành điểm đến tâm linh ý nghĩa, tiếp thêm niềm tin, vượt qua những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống. “Tôi thấy tâm bình an, gặp may mắn trong công việc và cuộc sống mỗi khi đến Côn Đảo thăm viếng các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này”, chị Huỳnh Thanh Nhạn (du khách đến từ Bắc Giang) nói.
Tự hào truyền thống
Sau nghĩa trang Hàng Dương, một trong những địa điểm du khách thường ghé thăm khi đến Côn Đảo là hệ thống nhà tù. Hiện BQL Di tích Côn Đảo đang tổ chức tour cho khách tham quan các điểm: Trại Phú Hải, Trại Phú Tường (Chuồng Cọp Pháp), Trại Phú Bình (Chuồng Cọp Mỹ), Nhà Chúa Đảo, Cầu Tàu 914, Chuồng Bò, Cầu Ma Thiên Lãnh, An Sơn Miếu (Miếu Bà Phi Yến), Chùa Núi Một. Trong đó, 3 di tích nhà tù điển hình cho tội ác của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và ngụy quyền đối với những chiến sĩ cách mạng là: Trại Phú Hải, Trại Phú Tường và Trại Phú Bình.
Đến Côn Đảo, có tận mắt nhìn thấy những phòng biệt giam, những mô hình được dựng lại và lời kể đanh thép của thuyết minh viên, mới cảm nhận được cái gọi là “địa ngục trần gian”. Nhiều người không khỏi thốt lên, không cầm được nước mắt khi nghe về tội ác của địch đối với những chiến sĩ cách mạng yêu nước. Ông Trần Văn Kệ (thôn Hữu Ái, xã Thanh Sơn, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) cho biết: ông đến Côn Đảo lần đầu tiên. Qua sách báo, tivi, ông có nghe nói về các phòng biệt giam, phòng tra tấn và các “chuồng cọp” kiểu Pháp, kiểu Mỹ gây kinh hãi với những đòn tra tấn hiểm ác nhất như: lột trần, rắc vôi bột, phơi nắng, phơi sương cho đến chết… “Thế nhưng, khi tận mắt chứng kiến hệ thống nhà tù, trong không gian linh thiêng, nghe kể lại đủ mọi kiểu tra tấn tàn độc, khiến người tù đau đớn, chết dần, chết mòn, tôi càng cảm phục ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Côn Đảo là trường học lớn cho các thế hệ mai sau về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc”…
Côn Đảo từ địa ngục trần gian đến thiên đường Du lịch là một thực tế sau hơn 44 năm ngày giải phóng và 40 năm ngày Côn Đảo được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Côn Đảo hôm nay đã là tâm điểm du lịch của cả nước. Du lịch Côn Đảo không chỉ là du lịch tâm linh, mà còn là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hấp dẫn bởi các địa danh hào hùng và vô cùng tuyệt mỹ, được đông đảo du khách trong và ngoài nước ham thích…
Theo quehuongonline