leftcenterrightdel
 Nhiều quốc gia đề xuất loại bỏ tiếng Anh khỏi môn bắt buộc. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

 

Hàn Quốc

Tiếng Anh từ nhiều năm nay đã cố định trong chương trình giảng dạy ở bậc tiểu học và THCS ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, đến năm 2017, Sở Giáo dục thành phố Daegu đề nghị Bộ Giáo dục loại bỏ tiếng Anh khỏi danh sách các môn học bắt buộc.

Sở Giáo dục thành phố Daegu cho biết, nếu loại bỏ sẽ giúp học sinh, đặc biệt là từ các gia đình đa chủng tộc, học các ngôn ngữ khác ở trường dễ dàng hơn. Điều này sẽ giúp tăng cường sự đa dạng ngôn ngữ của quốc gia và khả năng cạnh tranh quốc tế.

Các nước Bắc Âu

Cơ quan giáo dục các nước Bắc Âu gồm Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy đang kêu gọi giảm thời lượng học tiếng Anh, trong khi khôi phục tính ưu việt ngôn ngữ bản địa tại các trường đại học. Trên thực tế, nhiều công dân các quốc gia này thông thạo tiếng Anh, tuy nhiên, điều này cũng đã gây ra tranh cãi trước nỗi lo mất gốc ngôn ngữ dân tộc.

Vào tháng 6.2023, Robbert Dijkgraaf - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hà Lan - thông báo rằng, ít nhất 2/3 nội dung giảng dạy trong các chương trình đại học sẽ phải bằng tiếng Hà Lan thay vì tiếng Anh.

Năm 2021, trong nỗ lực thúc đẩy tiếng Đan Mạch vào đại học, chính phủ nước này đã giới hạn số lượng khóa học dạy chỉ bằng tiếng Anh.

Đại học Oslo (Na Uy) đưa ra quy định về song ngữ giảng dạy, với tiếng Na Uy sẽ là ngôn ngữ giảng dạy chính và tiếng Anh được sử dụng khi thích hợp hoặc cần thiết. Các trường sẽ tổ chức các lớp học tiếng Na Uy và học sinh phải tham gia. Các ấn phẩm phải có tóm tắt bằng cả hai ngôn ngữ hay trường đại học nên ưu tiên phát triển thuật ngữ bằng tiếng Na Uy.

Pháp

Pháp đã thực thi các chính sách và luật ngôn ngữ, chẳng hạn như Luật Toubon, để thúc đẩy và bảo vệ việc sử dụng tiếng Pháp trong các khía cạnh của xã hội.

Gần đây, Pháp mới chú trọng đến việc giáo dục phổ cập tiếng Anh. Tiếng Anh không bắt buộc trước 11 tuổi. Đã có những cuộc tranh luận diễn ra về mức độ chú trọng vào giáo dục tiếng Anh trong các trường học ở Pháp. Một số người cho rằng, việc tập trung mạnh vào tiếng Anh là cần thiết cho giao tiếp quốc tế và khả năng cạnh tranh. Những người khác lo ngại, việc quá chú trọng vào tiếng Anh có thể gây tổn hại đến ngôn ngữ và văn hóa Pháp.

Cho đến trước 11 tuổi, các trường có thể quyết định ngôn ngữ giảng dạy theo nguồn lực sẵn có, tùy thuộc vào kỹ năng ngôn ngữ của giáo viên.

Theo laodong