Lớp học của giảng viên Hong Yafei. Ảnh: Bilibili.
Suốt thập kỷ qua, nhiều trường đại học Trung Quốc tăng cường đưa vào chương trình giảng dạy các lớp học "Love 101" - được gọi chung là "khóa học về mối quan hệ tình cảm". Đây là những lớp học tự chọn nhằm thúc đẩy "quan điểm lành mạnh về tình yêu" trong sinh viên, bằng cách hướng dẫn họ làm thế nào để xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp hơn.
Có một nhu cầu dễ thấy đối với nội dung này tại các trường học ở Trung Quốc, bằng chứng là theo một báo cáo xuất bản hồi tháng này trên China Youth Daily, gần 90% sinh viên được khảo sát rất ủng hộ việc xây dựng các khóa học tình yêu.
Tuy nhiên, có rất ít sự giám sát đối với các giáo viên về nội dung hay những điều mà họ truyền thụ cho học viên về tình yêu và giới tính. Trên thực tế, nhiều khóa học chứa đầy định kiến giới độc hại.
Tại một khóa học có tên Nghệ thuật của tình yêu và chiến tranh tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, Thượng Hải, giáo viên Hong Yafei tuyên bố rằng "sự khác biệt lớn nhất giữa nam và nữ là nữ giới thiên về cảm xúc, trong khi nam giới lý trí". Hong giải thích, phụ nữ thường sống cảm tính và cách nhìn nhận vấn đề ở hai giới thường cách xa nhau.
Không chỉ Hong, nhiều giảng viên khác cũng thường khuôn mẫu trong việc giải thích cách đàn ông và phụ nữ tiếp cận một mối quan hệ. Hu Deng, trong khóa học Tâm lý cảm xúc tại Đại học Nhân dân Trung Quốc - nói với sinh viên rằng, khi nói đến cách tương tác lãng mạn, sự khác biệt về giới là bẩm sinh.
"Các cô gái phàn nàn về việc bạn trai của họ ngoái nhìn những phụ nữ khác trên đường phố", ông nêu ví dụ. "Và đàn ông không hiểu tại sao phụ nữ lại muốn nghe những lời nói ngọt ngào, thực ra đó là vì các cô gái bẩm sinh yêu bằng tai và dễ rung động hơn bởi những thứ họ nghe", Hu nói.
Theo cách hiểu này, những vướng mắc trong mối quan hệ là kết quả của những hiểu lầm do không nhận thức được sự khác biệt khách quan giữa hai giới. Nếu những người trẻ tuổi nhận ra điều này và thực hiện đúng vai trò của mình, ắt mọi thứ tốt đẹp.
"Phụ nữ cũng có người chủ động. Nhưng nếu bạn là người ưa chủ động, bạn sẽ cần phải thay đổi để trở nên thụ động hơn trong mối quan hệ", Hong nói.
Trong khi đó, Hong cho rằng đàn ông không nên quá coi trọng những gì phụ nữ nói. "Khi một cô gái đề nghị chia tay, điều đó có thể chỉ là cảm xúc nhất thời bộc phát, một kiểu vòng vo để thể hiện tình yêu của cô ấy. Lúc ấy, điều họ muốn nghe từ bạn trai là 'anh không thể sống thiếu em'. Nếu cậu ta thêm một vài biểu cảm thể hiện sự buồn bã và đau lòng sẽ càng tốt hơn".
"Tôi không thể không tự hỏi cái giá phải trả của những lời khuyên đó là bao nhiêu", Cui Le - nghiên cứu sinh tại khoa Giáo dục và công tác xã hội của Đại học Auckland - nhận định. Chỉ hơn một năm trước, Bao Li (22 tuổi), sinh viên Đại học Bắc Kinh, đã tự sát khi bị bạn trai lạm dụng tâm lý kéo dài. Bạn trai, một sinh viên cùng lớp của Li, tên Mou Linhan, được cho đã nhiếc móc việc cô không còn trong trắng và đe dọa đăng ảnh khỏa thân của cô lên mạng. Trước sự đay nghiến hành hạ từ bạn trai, nữ sinh uống thuốc ngủ quá liều, rơi vào hôn mê. Bác sĩ cho biết cô chết não. Mou đã bị bắt hồi đầu năm nay vì nghi ngờ lạm dụng. Cái chết bi thảm của cô gái trẻ trở thành đề tài nóng trên mạng khi ấy.
Sinh viên đại học tại một phiên chợ ngoài trời tại đại học ở Vũ Hán, Hồ Bắc, ngày 10/6/2019. Ảnh: People Visual.
Theo Cui Le, những khuôn mẫu giới tính sáo rỗng được dạy trong các khóa học tình yêu thường dựa trên mối quan hệ thực tế xã hội của Trung Quốc hiện đại. Tuy nhiên, mục đích của giáo dục là phải đặt câu hỏi, suy nghĩ và biến đổi thực tế, chứ không phải hợp lý hóa nó.
Khi người dạy giải thích về ghen tuông, ngoại tình và ly hôn là kết quả của "sự khác biệt bẩm sinh giữa hai giới", họ đang củng cố tư tưởng rằng đạo đức trong tình dục và nhiều thứ hơn thế nữa, ở mỗi giới là khác nhau. Khi làm như vậy, họ đã bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi để cho sinh viên thấy vấn đề giới tồn tại trong xã hội và quan niệm truyền thống, cứng nhắc về giới tính đã dẫn tới những mối quan hệ chai lì về cảm xúc, dẫn tới bạo lực.
Thậm chí ngay cả khi họ nói rằng cần nhường nhịn phụ nữ, các khóa học như vậy vẫn là một trong những cách thức đẩy mạnh bất bình đẳng giới.
Hay như Hong đưa ra ví dụ, "Hãy nhớ rằng, có hai quy tắc trong hôn nhân. Quy tắc 1: Vợ luôn đúng; và Quy tắc 2: Nếu vợ bạn sai, hãy quay lại quy tắc 1". Hãy tưởng tượng bạn là một người phụ nữ mong muốn một mối quan hệ được xây dựng trên sự bình đẳng, bạn có cảm nghĩ gì về quy tắc "nhẹ nhàng" như vậy?
Đáp án của câu hỏi đó và nhiều câu hỏi khác trong các bài giảng của Hong cuối cùng đều "rơi vào thinh không", bởi suốt buổi học các sinh viên chủ yếu im lặng, không có thời gian dành cho thảo luận hay để học viên bày tỏ quan điểm của riêng mình.
Một số giáo viên thậm chí còn tận dụng lớp học để thử tài mai mối. Người tổ chức khóa học Nghiên cứu Mối quan hệ: Thực hành và Lý thuyết, do một hiệp hội sinh viên ở Đại học Thiên Tân sắp xếp, nói rằng những sinh viên "tìm được người yêu tốt" trong các khóa học có thể nhận được điểm cao hơn.
Vậy là thay vì hướng người trẻ tới mục tiêu xây dựng một mối quan hệ lành mạnh, giáo viên đặt mục đích giúp tìm kiếm bạn trai/bạn gái là mối ưu tiên chính. Điều này vô tình tạo nên sự phân cấp giữa những người độc thân và người có đôi có cặp. Độc thân bị cho là biểu hiện của sự thất bại. Hay việc lựa chọn độc thân hoặc có một mối quan hệ không kỳ vọng tiến tới hôn nhân cũng không được khuyến khích.
Một sự độc hại tiềm ẩn khác trong các khóa học này là đề cập tới khuynh hướng tình dục. Nội dung của lớp học khá kỳ dị và các học viên đều được giả định đang tìm kiếm một người khác giới.
Trong một khóa học về tình yêu tại Đại học Sư phạm Hà Nam, giáo viên họ Liu hỏi những nam sinh có mặt xem họ có bạn gái hay không. Khi họ trả lời "không", cô ấy khuyến khích họ add các cô gái trên ứng dụng nhắn tin WeChat. Thật khó tưởng tượng các sinh viên là người đồng tính nam và đồng tính nữ sẽ thu được điều gì từ những bài học như vậy.
Mối quan hệ đồng giới chỉ là một trong rất nhiều khía cạnh hiếm khi được đề cập trong các khóa học về quan hệ tình cảm. Tình yêu giữa những người khác chủng tộc, chênh lệch tuổi tác lớn, sự thiếu chung thủy hay rào cản trong quan hệ thân mật của những người thuộc nhóm yếu thế (như chuyển giới hay người khuyết tật) thường bị tránh nhắc tới.
Theo Cui Le, hiện nay, nhiều giảng viên giảng dạy các khóa học về quan hệ tình cảm hầu như không có cơ sở về nghiên cứu giới tính. Việc thiếu kiến thức, chuyên môn để khảo sát một cách nghiêm túc các chuẩn mực giới tính, không ngạc nhiên khi họ dành thời gian để lặp lại những định kiến hoặc nhồi vào đầu sinh viên những câu chuyện như Chicken Soup for the Soul (Súp gà cho tâm hồn).
"Tình yêu chỉ có thể tồn tại giữa một người nam và một người nữ? Tình dục có vai trò thế nào trong một mối quan hệ. Và một tình yêu lãng mạn là cách thân mật duy nhất và hàng đầu? Thật tốt khi biết rằng các trường đại học Trung Quốc đang cố gắng giúp sinh viên trả lời những câu hỏi về tình yêu và cuộc sống. Tôi chỉ ước họ làm những việc đó theo cách ủng hộ sự công bằng và đa dạng trong những mối quan hệ tình cảm, thay vì củng cố một hiện trạng vốn đã không lành mạnh", Cui Le viết.
Theo ione