leftcenterrightdel
Sự phá cách, cá tính cùng bộ hồ sơ đậm bản sắc cá nhân đã giúp Phùng Lê An Khuê (lớp 12A8 trường THPT Chuyên Ngoại ngữ -ĐHQGHN) trúng tuyển Parsons School of Design và Fashion Institute of Technology (Mỹ) - 2 trường đào tạo thời trang top 1 và 2 thế giới. 

Niềm đam mê đến đầy bất ngờ

Những thông báo trúng tuyển các trường đào tạo ngành thời trang hàng đầu thế giới liên tiếp khiến Phùng Lê An Khuê không chỉ bất ngờ mà cảm thấy nhẹ nhõm. Bởi trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, Khuê cũng gặp những khó khăn nhất định.

“Ứng tuyển ngành nghệ thuật, em luôn muốn  hồ sơ của mình có nhiều dấu ấn của bản thân nhất. Song cũng vì điều này, có những lúc lại làm bộ hồ sơ bị rời rạc và thiếu tính liên kết. Cuối cùng, em cũng đã khắc phục và hoàn thành được bộ hồ sơ một cách tốt nhất”. 

Khuê kể niềm đam mê thời trang đến với mình không quá hào nhoáng mà chỉ từ một khoảnh khắc bất ngờ sau một lần lấy máy tính làm việc của mẹ để xem những MV ca nhạc. “Lần đó, khoảng năm 2011, em đã dùng máy tính của mẹ để vào YouTube xem những MV ca nhạc của các nghệ sĩ nước ngoài.

Sau khi mày mò một lúc, trên gợi ý của YouTube xuất hiện video về cựu siêu mẫu Naomi Campbell lần đầu tiên ngã trên sàn catwalk, thấy vậy em tò mò click vào xem thử. Và rồi nó dẫn em say sưa xem trọn cả bộ sưu tập đó - bộ sưu tập Autumn/Winter năm 1993 mang tên “Anglomania" của Vivienne Westwood - thần tượng số 1 của em từ hồi đó đến bây giờ. 

Với em đó là một bộ sưu tập quá đẹp và còn là cả một sự bộc phá. Trong khi tất cả mọi người đi tìm cái đẹp ở trong sự thanh lịch và tao nhã, thứ mà bộ sưu tập đó khiến cho em ấn tượng lại là cái nổi loạn, sặc sỡ, và sự “hoang dại" trong thời trang. Nó thực sự khác biệt.

Chính bộ sưu tập ấy đã trở thành tiền đề cho niềm đam mê cũng như khuynh hướng thời trang em theo đuổi”, An Khuê kể.

Lớn hơn chút, An Khuê càng định hình việc chọn theo ngành thời trang để “thổi thêm vào ngọn lửa đam mê đã cháy sẵn” của bản thân và những người có cùng suy nghĩ với mình. 

Khuê chia sẻ, trong suốt quá trình chuẩn bị bộ hồ sơ du học, em đã gặp phải khá nhiều khó khăn bởi là người có xu hướng nghệ thuật, em cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cái tôi của bản thân và phải học cách tiết chế nó.

Nữ sinh cho rằng, hồ sơ của mình có thể đã gây ấn tượng với ban tuyển sinh nhà trường bởi chọn một hướng đi khác thay vì hướng mà mọi người thường chọn về một chủ đề nhất định như thời trang tái chế hay thời trang lấy cảm hứng từ văn hoá nước nhà. 

“Em đã lấy chính bộ sưu tập đầu tiên mà mình được xem để làm nguồn cảm hứng cho hồ sơ năng lực (portfolio) của mình. Em đặt nhiều tâm huyết vào việc sáng tạo ra bộ hồ sơ năng lực (các sản phẩm thể hiện năng khiếu nghệ thuật) với những bộ trang phục táo bạo, mang xu hướng nghệ thuật những năm 1990.

Có lẽ mọi người sẽ thắc mắc tại sao lại lấy một bộ sưu tập để làm một bộ sưu tập khác dựa theo nó và vẫn có thể trúng tuyển hay không bị coi là nhàm chán. Em đã thể hiện với nguồn cảm hứng của mình, chủ đề của một bộ sưu tập vẫn còn rất nhiều chỗ để có thể phát triển, có thể mở rộng và cả khuynh hướng em mong muốn theo đuổi có thể đạt được nếu có thể có được sự trợ giúp và giảng dạy từ những người có chuyên môn”, Khuê chia sẻ. 

Những dự án cá nhân cũng giúp em tô đậm thêm hồ sơ của mình. Để thỏa mãn niềm đam mê bất tận với nghệ thuật, An Khuê đã tham gia nhiều dự án, hoạt động ngoại khóa liên quan đến sở thích và tài năng của mình. Nổi bật là dự án sản xuất và kinh doanh trang sức, phụ kiện thời trang từ các chất liệu tái chế do chính em thành lập. Bên cạnh đó, Khuê còn đảm nhận vị trí chủ tịch, trưởng ban thiết kế của nhiều câu lạc bộ nghệ thuật với mong muốn lan toả nét đẹp văn hoá Việt Nam qua những bộ trang phục do mình thiết kế.  

Trong bài luận chính gửi tới trường, lấy cảm hứng từ hình ảnh “cái hộp”, An Khuê đã viết về hành trình đối mặt với những nỗi sợ và nỗ lực theo đuổi đam mê nghệ thuật của mình.

“Hồi nhỏ, vì có chứng sợ tiếng động lạ, hay những tiếng ồn mà bản thân coi là quá tải, em thường ở trong phòng. Một lần, vào ngày sinh nhật của chị gái, em hiểu rằng không thể lẩn tránh trên phòng bởi nếu không sẽ bị mắng. Cùng lúc đó, em thấy trong góc phòng có một cái hộp rất to đựng quà của chị, nên đã trốn vào trong đó. Không chỉ có cái hộp ấy, còn vô vàn những cái hộp khác đã cùng em lớn lên hay những lần chuyển nhà, những hộp quà sinh nhật đánh dấu thêm tuổi mới.

Nhưng cũng từ chiếc hộp giấy đó cũng cho ra cả những miếng khuôn cắt vải đầu tiên em tự làm để có thể thoả mãn niềm đam mê thiết kế thời trang của bản thân. Trong bài luận, em đã nói lên những miếng khuôn cắt vải làm từ bìa cũ của những chiếc hộp ấy nay không còn là nơi mình trốn đi mỗi khi không chịu đựng được tiếng ồn ở ngoài mà đã thành thứ giúp em đối mặt với những lời nhận xét và đánh giá của người ngoài khi chọn theo con đường thời trang”, Khuê chia sẻ. 

Nữ sinh cho rằng, có lẽ số người đi du học mà không có điểm SAT chỉ đếm trên đầu ngón tay và bản thân là một trong số đó. Nhưng ứng tuyển ngành nghệ thuật, xét thấy đó không phải là yếu tố bắt buộc, trong khi thời gian còn quá ít, Khuê xác định cũng không cần quá ôm đồm. Tuy vậy, cô bạn cũng đạt IELTS 8.0 ngay trong lần thi đầu tiên.

Chính sự phá cách cùng bộ hồ sơ mang đậm bản sắc cá nhân đã giúp An Khuê chinh phục thành công 6 ngôi trường, gồm: Parsons School of Design, Fashion Institute of Technology, LIM College, Berkeley College, Academy of Art University, Savannah College of Art and Design. 

Chị Lê Bích Phượng, mẹ của An Khuê, cho hay, từ bé con đã thể hiện có cá tính và năng khiếu về nghệ thuật. Đó là sự nhạy cảm với màu sắc và âm nhạc. Khuê có “gu” rất riêng và khả năng thẩm âm tốt để có thể tự học piano mà ít bị sai các nốt nhạc.

Tuy nhiên khi con còn nhỏ, chị không định hướng con theo đuổi nghệ thuật nên không thực sự khuyến khích học các ngành này. Tới khi con lớn và lựa chọn, chị tôn trọng đam mê của con và điều chị vui nhất là nỗ lực tự thân và bị thuyết phục về quá trình tự học vẽ thiết kế của con.

“Em không có nền tảng hay bất cứ kiến thức chuyên môn nào liên quan đến hội hoạ ngoại trừ sở thích vẽ và một vài lớp học ở nhà văn hoá hồi bé hay tham gia. Hồi nhỏ, mỗi khi chán học, em thường có thói quen vẽ những thứ linh tinh từ cái cây ngoài sân trường đến những nhân vật hoạt hình mình thích... Với em, không có một cột mốc nào đặc biệt xuyên suốt quá trình, mà khả năng vẽ của bản thân chỉ được bồi đắp và tốt lên theo thời gian”, An Khuê chia sẻ.

Trước nhiều cơ hội, An Khuê quyết định chọn Fashion Institute of Technology và dự định sẽ theo học ngành chính là Thiết kế thời trang và học thêm một ngành phụ liên quan đến Marketing hoặc Kinh doanh. Nữ sinh hy vọng môi trường mới sẽ giúp em có một nền tảng kiến thức, kỹ năng cần thiết, không gian để phát triển đam mê để tương lai có thể đóng góp phát triển nền thời trang thế giới.

“Em nhận thấy sau mỗi thời kì, thời trang đều có những “thử nghiệm” mới. Em cũng nghĩ rằng thời trang là lĩnh vực luôn có những điều không thể dự đoán được, kể cả việc tạo xu hướng mới hay khôi phục những xu hướng cũ”, nữ sinh nói về cơ hội rộng mở nếu bản thân thực sự sáng tạo. 

Khuê cho hay dự kiến khoảng tháng 8 em sẽ lên đường du học, nhưng hiện tại, em chưa đặt ra nhiều kế hoạch cho tương lai mà muốn dành sự ưu tiên, tập trung hoàn thành tốt chương trình phổ thông và đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Theo vietnamnet