leftcenterrightdel
Người trẻ Trung Quốc xếp hàng tham gia ngày hội việc làm. 

Một số buộc phải chấp nhận công việc lương thấp hoặc sống bằng lương hưu của bố mẹ, tạo ra một tầng lớp mới gọi là “những đứa trẻ hư hỏng”.

Cụm từ “những đứa trẻ hư hỏng” đã trở thành một thuật ngữ thông dụng trên mạng xã hội Trung Quốc vào năm nay, gợi liên tưởng đến những tòa nhà mục nát, chỉ hàng chục triệu ngôi nhà xây dở gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2021.


Năm nay, một số lượng kỷ lục sinh viên tốt nghiệp đại học tìm kiếm việc làm trong thị trường lao động đang suy giảm do sự gián đoạn do Covid-19 và các biện pháp siết chặt quản lý đối với các lĩnh vực tài chính, công nghê, giáo dục.

Tỷ lệ thất nghiệp của khoảng 100 triệu thanh thiếu niên Trung Quốc trong độ tuổi 16 – 24 đạt 20% vào tháng 4 năm ngoái. Kể từ đó, Chính phủ đã ngừng cập nhật số liệu.

Một năm sau, tình trạng thất nghiệp ở thanh niên vẫn là vấn đề đau đầu. Một số thanh niên thất nghiệp trở về quê hương, sống dựa vào tiền lương hưu và tiết kiệm của cha mẹ. Ngay cả những người có bằng đại học cũng không tránh khỏi tình trạng này.

Anh Zephyr Cao, 27 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ từ Đại học Ngoại giao Trung Quốc vào năm 2023. Anh đã trở về nhà tại tỉnh Hà Bắc và ngừng tìm việc làm vì mức lương thấp hơn mong đợi. “Nếu tôi làm việc 3 hoặc 4 năm sau khi tốt nghiệp đại học, mức lương của tôi có thể tương đương với mức lương hiện tại khi có bằng thạc sĩ”, anh Cao nói và cho hay nghi ngờ giá trị của việc học.

Còn chị Amanda Chen, sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Y khoa Hồ Bắc Trung Quốc, đã nghỉ làm nghề nhân viên bán hàng chỉ một tháng sau khi làm việc. Hiện cô ở nhà, sống dựa vào tiền lương hưu của cha mẹ.

Các chuyên gia cho biết tình trạng thất nghiệp ở nhóm sinh viên tốt nghiệp đại học không phải tình trạng mới tại Trung Quốc. Hồi năm 1999, nước này mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học nhằm tăng cường đào tạo lực lượng lao động có trình độ cao. Tuy nhiên nguồn cung vượt quá số lượng việc làm đã dẫn đến tình trạng thiếu việc làm nghiêm trọng vào năm 2007.

Từ đó đến nay, tình hình có được cải thiện chứ không được giải quyết hoàn toàn. Do đó, dịch Covid-19 lại giáng đòn mạnh vào thị trường việc làm vốn đã nhiều lỗ hổng. Không chỉ gây ảnh hưởng đến triển vọng công việc mà tình trạng trên còn khiến thanh thiếu niên mất niềm tin vào giáo dục và hệ thống việc làm quốc gia.

Về lâu dài, Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng như Mỹ đang gặp phải, đó là thanh thiếu niên không muốn học đại học. Họ có thể chuyển sang học nghề, đi làm và có lộ trình phát triển tốt hơn so với dành 4 năm học đại học.

Chen cho rằng môi trường làm việc của mình quá vất vả nhưng mức lương thấp. Trong 15 ngày đầu thử việc, Chen được trả 8,5 USD mỗi ngày dù làm việc liên tục 12 giờ. “Tôi đã khóc suốt một tuần liền sau khi tan làm”, Chen nói.

Theo giaoducthoidai