leftcenterrightdel
 Thư viện, vốn là nơi của tri thức và học tập, giờ đây trở thành nơi trú ẩn của những người thất nghiệp. Ảnh minh họa:Pudong Library.

Sau khi mất việc tại công ty đầu tư tư nhân, Qin Ran (36 tuổi) mất 2 năm sau đó lang thang trong vô định. Mỗi ngày cô đến thư viện công cộng ở Bắc Kinh (Trung Quốc), cố gắng tìm ra hướng đi mới cho cuộc đời mình.

Dù nỗ lực tìm kiếm cơ hội mới, gửi đi hơn trăm hồ sơ xin việc và làm tự do, cô chỉ nhận được 2 cuộc phỏng vấn và đều không như ý. Để tạm quên đi áp lực thất nghiệp, Qin Ran dành thời gian lướt mạng xã hội và ôn thi cao học.

Cô nhận ra mình không đơn độc, thư viện ngày càng đông những người trẻ "vô định" như cô. Dù ít khi nói về công việc, họ đều hiểu rằng mình là một phần của "đội quân thất nghiệp".

"Tôi còn 20 năm sự nghiệp phía trước, liệu còn cơ hội nào không?", Qin Ran tự hỏi. 

Đại dịch Covid-19 và sự suy thoái kinh tế đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Trung Quốc lên mức cao chưa từng có. Nhiều người lần đầu tiên trải qua cảm giác khó khăn trong việc tìm việc làm.

Thư viện, vốn là nơi yên tĩnh cho những ai cần tập trung hoặc ẩn mình, giờ đây trở thành điểm đến mới cho những người thất nghiệp.

Xu hướng này lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, nhiều người thất nghiệp chia sẻ những ngày tháng ở thư viện, thu hút thêm nhiều người tham gia, theo The Paper.

Người trẻ đi trốn

Howie Huang (33 tuổi) mất việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào mùa hè này. 2 lần bị sa thải trong 2 năm qua là một cú sốc lớn đối với sự nghiệp 10 năm từng rất thuận lợi của anh.

Huang dành nhiều tháng ở thư viện hiện đại tại Thượng Hải (Trung Quốc), gửi hàng trăm hồ sơ xin việc và ghi lại nỗi lo lắng của mình trong nhật ký trực tuyến. Để gia đình không phải lo lắng, anh giấu đi tình trạng thất nghiệp.

Huang so sánh tình cảnh của mình với nhân vật trong bộ phim Nhật Bản Tokyo Sonata, người lang thang trong công viên và thư viện sau khi mất việc.

"Người Nhật dành cả ngày trong công viên khi kinh tế suy thoái. Hiện tôi cũng vậy, đến thư viện đã trở thành thói quen", anh nói.

leftcenterrightdel
 Chu Yun quyết định đăng ký khóa học xăm 6 tháng sau khi nghỉ việc. Ảnh:Reuters

Zak Dychtwald, CEO của công ty tư vấn Young China Group, cho rằng "nằm yên" (tang ping) là một hình thức phản kháng thầm lặng đối với văn hóa làm việc quá sức.

Ông nhận định Gen Z ở cả Trung Quốc và Mỹ đang tìm cách định nghĩa lại công việc, đặt sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng như mức lương xứng đáng lên hàng đầu. Tuy nhiên, thị trường việc làm và nền kinh tế hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu của họ.

Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Pew, Gen Z là thế hệ có trình độ học vấn cao nhất. Tuy nhiên, khi rời ghế nhà trường, họ phải đối mặt với một nền kinh tế khó khăn, không có những công việc như mong đợi.

Thà lương thấp còn hơn áp lực

Chu Yun (23 tuổi) từng làm việc cho công ty thời trang, hiện đã nghỉ việc cách đây 2 năm vì phải thường xuyên làm thêm giờ và không hài lòng với sếp. Cô gái sống tại Thượng Hải giờ chỉ làm việc 1 ngày/tuần tại công ty du lịch, dành phần lớn thời gian còn lại để học nghề xăm trong chương trình học việc kéo dài 6 tháng.

Số liệu cụ thể về số lượng người trẻ Trung Quốc từ bỏ công việc truyền thống chưa được thống kê, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã tăng lên mức kỷ lục 21,3% vào tháng 6/2023.

"Công việc không có quá nhiều ý nghĩa với tôi. Chủ yếu tôi hoàn thành nhiệm vụ của quản lý và làm hài lòng họ. Vì vậy, tôi quyết định không làm việc nữa", Chu Yun chia sẻ.

leftcenterrightdel
Giới trẻ Trung Quốc phải đối mặt với những bất bình đẳng xã hội cứng nhắc và triển vọng kinh tế ảm đạm. Ảnh minh họa:@jerrythepopper/IG.  

Trung Quốc có khoảng 280 triệu người trẻ như Chu Yun, sinh năm 1995-2010.

Zhou Yun, trợ lý xã hội học tại ĐH Michigan, cho biết mặc dù một số người trẻ đang chọn cách rút lui khỏi cuộc cạnh tranh trong công việc, nhưng họ không thể bỏ qua sự bi quan về tương lai. Trước bối cảnh thị trường lao động đang căng thẳng, việc đối mặt với triển vọng kinh tế ảm đạm là "cực kỳ khó khăn" đối với giới trẻ.

Tất cả những yếu tố này khiến những người trẻ như Chu Yun coi trọng hạnh phúc và sở thích cá nhân hơn là những gì cô gọi là "áp lực vô tận" của công việc.

Chu Yun cho biết cô hiện tại hạnh phúc hơn và tin rằng lựa chọn của mình là "đáng giá".

"Lương của tôi không cao, nhưng đủ để trang trải chi phí hàng ngày. Thời gian rảnh rỗi có giá trị hơn vài nghìn nhân dân tệ", cô nói.

Theo lifestyle.znews