“Mưa” giải thưởng quốc tế

Mùa hè năm 2023 thật đáng nhớ với 5 cô trò Trường tiểu học - THCS Cun Pheo (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình). Dự án “Trang trại thông minh” của Vì Đinh Bảo An (lớp Năm), Lường Bảo Trâm (lớp Bảy), Hà Đinh Hải Đăng (lớp Tám), Vì Thị Kim Chi (lớp Chín) - dưới sự hướng dẫn của cô giáo Bùi Thị Hiểm (Chủ nhiệm câu lạc bộ lập trình của trường) - đã giành giải Đặc biệt - giải thưởng Coding With Commitment 2023 (Dự án của năm) tại cuộc thi Coolest Projects 2023 (tổ chức tại Malaysia).

leftcenterrightdel
Đội tuyển học sinh tham dự giải vô địch quốc gia VEX Robotics 2024 của Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS - THPT huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang - ảNH: ANH THƯ 

Khi công bố kết quả qua hình thức livestream, phát sóng trên toàn thế giới, đại diện ban tổ chức nói: “ở độ tuổi 11-14, các bạn trẻ đã tạo nên một dự án thú vị, tuyệt vời, đáng kinh ngạc… Xin chúc mừng Đăng, Chi, An, Trâm đến từ Việt Nam”. Không chỉ 5 cô trò - đều đến từ cộng đồng thiểu số - mà cả huyện Mai Châu xa xôi, cả tỉnh miền núi Hòa Bình đã vỡ òa niềm vui.

Cũng mùa hè qua, tại cuộc thi STEM Olympiad quốc tế năm 2023, học trò người Tày Ma Đức Trung (Trường THCS Phan Thiết, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đã giành giải Khuyến khích môn lập trình. Tại cuộc thi Olympic STEM quốc tế 2023 (do ban tổ chức STEM quốc tế phối hợp với Đại học Goethe Frankfurt, Đức thực hiện), Lào Cai có 56 học sinh tham gia, trong đó 29 em giành giải (14 Huy chương Vàng, 9 Huy chương Bạc, 3 Huy chương Đồng và 3 giải Khuyến khích). Riêng 4 học sinh lớp Năm giành vé tham dự vòng chung kết tại Paris (Pháp), 1 học sinh lớp Một đã lọt tốp 3.

Tháng 5/2023, đội tuyển Robotics 11 Cao Bằng đã đứng thứ 183 khi thi đấu tại giải vô địch thế giới robot VEX (VEX Robotics World Championship 2023, tổ chức tại Mỹ), hạng mục giải robot VEX IQ dành cho học sinh trung học. Giải đấu này có hơn 3.000 đội, đến từ 70 nước tham dự. Trước giải đấu, đội Robotics 11 Cao Bằng xếp hạng 1.187. Đặc biệt, người hướng dẫn đội là cô giáo dạy sinh học, trong 4 học sinh lớp Mười thi đấu trên đất Mỹ, có 3 em là người dân tộc Tày. Tại đây, các em đã dùng tiếng Anh để giới thiệu về Việt Nam và Cao Bằng.

Ông Đỗ Hoàng Sơn (Hiệp hội Liên minh STEM Việt Nam) nhận định: các tỉnh miền núi có nhiều thuận lợi trong việc thúc đẩy giáo dục STEM vì đã có sẵn 5 “người thầy” tuyệt vời để học sinh có thể học thông qua trải nghiệm: “giáo sư” thiên nhiên, “phó giáo sư” khó khăn, “gia sư” lao động trong mỗi gia đình, “nhà giáo nhân dân” về STEM chính là văn hóa cộng đồng các dân tộc, “người thầy thời đại” là internet và chuyển đổi số. Nhiều huyện, nhiều tỉnh đã tạo điều kiện để giáo viên STEM được đào tạo bài bản, được giao nhiệm vụ dạy học STEM, được chia sẻ kinh nghiệm với nhau thông qua Hiệp hội Liên minh STEM Việt Nam và hệ sinh thái giáo dục STEM cả nước.

Biến khó khăn thành động lực

Lường Bảo Trâm người Thái, gia đình em thuộc diện hộ nghèo, xã Cun Pheo thuộc vùng 135 - vùng đặc biệt khó khăn, cách huyện lỵ Mai Châu hơn 30km đường núi. Năm nay lớp Tám, Trâm thấp, nhỏ chỉ bằng học sinh lớp Bốn - Năm ở phố thị. Ngoài giờ học, Trâm phụ cha mẹ làm vườn, bào khoai mì, băm thân chuối nuôi heo. Nhà Trâm không có các thiết bị thông minh, càng không có máy tính để học.

Trước khi sang Malaysia thi đấu, cậu đã đến nhà cô Hiệu trưởng Hà Thị Thủy ở 2 tháng để học tiếng Anh online nhờ máy tính của cô. Không chỉ Trâm mà đa số thành viên trong Câu lạc bộ STEM của Trường tiểu học - THCS Cun Pheo đều không có máy tính ở nhà. Mỗi tháng, các em được tiếp xúc với máy tính 1-2 lần ở trường. Song chính những thiếu thốn ấy đã trở thành khát khao, động lực khiến các em rất ham mê với khoa học, kiến thức mới - kể từ khi huyện Mai Châu triển khai giáo dục STEM hơn 2 năm nay.

Đội tuyển Robotics 11 Cao Bằng cũng đã vượt qua không ít thiếu thốn, khó khăn. Cô giáo Đỗ Thị Hương Trà (Trường THPT chuyên Cao Bằng) dạy môn sinh học, không có nhiều kiến thức về robot, lập trình. Song từ năm 2021, khi nhận nhiệm vụ phụ trách Câu lạc bộ STEM của trường, cô đã tự tìm đọc tài liệu trên mạng, tìm sự chia sẻ kiến thức từ các chuyên gia, các khóa tập huấn, và học hỏi từ chính học trò. Những robot thô sơ mà cô và trò có được đều là quà tặng của Liên minh STEM và Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhà trường không có sân thi đấu, các em mua bạt trải xuống nền, tự kẻ vẽ, tự thiết kế thành sân thi đấu và luyện tập với nhau. 

Khó khăn đến độ, dù đã vận động xã hội hóa, cùng sự hỗ trợ của tỉnh, đội tuyển Robotics 11 Cao Bằng cũng chỉ đủ chi phí cho 4/7 thành viên trong đội sang Mỹ thi đấu. Em Nguyễn Tuấn Khang - thành viên của đội - nhớ lại: “Hội trường rất đông, các đội có lực lượng cổ vũ hùng hậu, còn chúng em chỉ có cô Trà”. Cô Trà thì nhớ: “Cô và trò đi thẳng từ sân bay đến địa điểm thi đấu. ở sân bay, khi kiểm tra thiết bị thì phát hiện robot VEX IQ bị bung rời từng chi tiết do vận chuyển. Tôi rất hoảng vì phải lắp lại và chạy thử xem robot hoạt động ra sao, nhưng các em đã rất bản lĩnh, bình tĩnh xử lý sự cố”. 

 Ông Đỗ Hoàng Sơn nhận định: các địa phương vùng cao đã biết phát huy thế mạnh của mình để thúc đẩy giáo dục STEM. ở những huyện nghèo nhất nước như Si Ma Cai (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Bảo Lâm (Cao Bằng), Na Hang (Tuyên Quang), Bình Gia và Văn Quan (Lạng Sơn), Lang Chánh (Thanh Hóa) 100% trường học đã được tập huấn giáo viên về robotics, dùng robot ảo; hàng ngàn giáo viên đã biết dùng AI (trí tuệ nhân tạo) để soạn bài giảng STEM, phòng thí nghiệm ảo để tiết kiệm chi phí. Huyện Si Ma Cai đã 3 lần tổ chức thành công ngày hội STEM và thi đấu lập trình robot toàn huyện. Huyện Mù Cang Chải 2 lần, huyện Bình Gia và Văn Quan đã tổ chức thành công ngày hội STEM cấp huyện, sau đó đưa xuống từng cụm trường và từng trường.

Theo phụ nữ TPHCM