Trích đăng bài nói chuyện của sư thầy Thích Minh Niệm về  cách cha mẹ nên bao dung, đồng hành cùng con cái trong cuộc sống.

Thầy Thích Minh Niệm - người có những bài thuyết giảng sâu sắc, ý nghĩa về cuộc sống

Nếu chúng ta nhìn lại và xét kỹ thì sẽ thấy có những thứ chúng ta thích nhưng nó không mang lại nhiều giá trị tốt đẹp, thậm chí là phải trả những cái giá rất đắt. Có những thứ chúng ta tuy không thích ban đầu nhưng từ từ rồi chúng ta cũng thấy hay, thấy quý. 

Phản ứng chống trả lại những gì chúng ta cho là không thích thường xảy ra khi năng lượng của chúng ta đang bị cạn kiệt. Chúng ta đang không thực sự ổn lắm, không đang ở một kênh mà chúng ta hài lòng nhất. Trong đó có thể có rất nhiều phiền não, nhiều sự vận động. 

Khi cha mẹ nói với con rằng cha mẹ không thể chấp nhận con thì điều đó có nghĩa là con quá hư, quá tệ, quá yếu kém nhưng làm cha mẹ thì không thể nói thế được. Vì nếu như một đứa con sinh ra đời mà không được ai chấp nhận, kể cả cha mẹ mình chỉ vì chúng có những yếu kém, những khó khăn, hay là những khuyết tật gì đó thì chúng còn ai là người thân thiết, tin tưởng, yêu thương một cách vô điều kiện trong cuộc đời này kia chứ? Chúng sẽ biết tin tưởng vào đâu để nương tựa, để học hỏi, để được nương náu mỗi khi đứng trước những giông bão của cuộc đời, để ươm mầm cho những hạt giống yêu thương trong tâm hồn của chúng.

Một đấng sinh thành mà có quá nhiều sự lựa chọn - lúc nào cũng dành những quyền ưu tiên về phía mình, mình chỉ chấp nhận con mình hay, con mình giỏi, con mình đẹp thôi thì đó không hẳn là một đấng sinh thành đích thực. Ai cũng có thể làm được như thế kia mà. 

Khi mình đã trở thành cha mẹ là trời đất đã cho mình luôn khả năng chịu đựng và chấp nhận con cái, hy sinh cho con đến mức không cùng tận, không điều kiện. Có rất nhiều bậc cha mẹ trong cuộc đời này đã làm được như thế. “Có dung kẻ dưới mới là nước trên” - thật là xúc động khi nghe câu nói đó của cụ Nguyễn Du. 

Không phải vì mình là cha mẹ, là người có vai vế lớn, có tuổi tác lớn, có kinh nghiệm sống thì mình trở thành một bậc trên trước đâu. Bậc trên trước, theo cụ Nguyễn Du, là người phải có khả năng bao dung - tức là ôm hết những khó khăn, lầm lỡ, yếu kém của người dưới mà không có loại trừ, tránh né, xua đuổi, ghét bỏ. 

Khi con phạm sai lầm hoặc có quá nhiều khó khăn mà bản thân con không xử lý được thì con đã rất đau khổ rồi. Con vừa phải chiến đấu với chính bản thân mình vừa phải chiến đấu với cả cha mẹ để cha mẹ đừng có phê bình, lên án, buộc tội mình, đừng có đau khổ, tổn thương về mình, đừng có xấu hổ, mặc cảm vì mình. 

Con trẻ cũng giống như chúng ta vậy. Chúng ta từng khó khăn, từng đau khổ nhưng còn phải đối phó với bề trên, với cha mẹ của chúng ta. Có thêm một liên hệ thì phải có sức mạnh chứ. Đã là một liên hệ tình cảm quý giá thiêng liêng thì phải luôn ủng hộ ta luôn đứng về phía ta để sẵn sàng ôm lấy những khuyết điểm của ta và nâng đỡ ta giúp ta vượt qua những khó khăn trở ngại.

Tại sao phải hy sinh nhiều như vậy bởi vì ta cũng đã hiến tặng cho các đối tượng thương yêu những giá trị tốt đẹp nhất của ta. Cha mẹ ta đã từng thừa hưởng rất nhiều giá trị từ nơi ta, cũng như ta đã từng thừa hưởng rất nhiều giá trị từ con cái. 

Con cái đã dâng cả tuổi thanh xuân cho ta kia mà, ta được hưởng nhiều nhất thì tại sao ta không dám hy sinh cho con cái theo đúng nghĩa của một bậc sinh thành. 

Dĩ nhiên là để chấp nhận một điều quá sức khó khăn hay tệ hại thì đòi hỏi chúng ta phải thực tập nhiều lắm. Chúng ta phải thay đổi bản thân rất nhiều nhưng chúng ta phải có một nhận thức đúng đắn, một chính kiến rằng bằng cách nào đó dù con mình có tệ hại như thế nào đi chăng nữa thì con của mình vẫn là con của mình. Mình sẽ tìm mọi cách để chấp nhận đứa con.

Có thể bây giờ mình chưa chấp nhận được, mình còn khó khăn, việc này quá lớn, quá bất ngờ với mình thì mình nói với con rằng “con ơi, cha mẹ nhất thời chưa thể chấp nhận con được. Con có thể cho cha mẹ xin một ít thời gian vài ngày hoặc vài tuần để cho mẹ học cách chấp nhận. Và cha mẹ tin rằng mình sẽ làm được bởi vì cha mẹ rất yêu thương con”.

Cha mẹ muốn dành mọi sự tốt đẹp nhất cho con, theo đó mẹ sẽ sẵn sàng thay đổi bản thân bằng cách nào đó. Cha mẹ sẽ nới rộng dung lượng trái tim ra để không ngại ngùng, không xấu hổ, không ngại người khác cười chê.

Cuối cùng, cha mẹ chỉ mong muốn con bình an và hạnh phúc, con bước đi vững chãi trong cuộc đời này. Nếu như khó khăn của con có thể đo lường được bằng một gang tay thì bắt buộc dung lượng trái tim của cha mẹ phải là một gang rưỡi hoặc hai gang. 

Câu hỏi đặt ra là chúng ta rất muốn để mở rộng dung lượng trái tim ra nhưng làm sao để cha mẹ có thể làm được điều đó?

Mình phải tin vào tính chất của vô thường.

Ở Melbourne nước Úc có một câu nói mà tôi rất thích, đó là “nếu bạn không thích thời tiết tại thời điểm này thì hãy chờ một chút nữa”, vì thời tiết ở Melbourne thay đổi liên tục. 

Cho nên, chúng ta cũng tin rằng hoàn cảnh rồi cũng sẽ thay đổi, con người rồi cũng sẽ thay đổi. Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi và tin rằng bản thân mình cũng sẽ thay đổi về nhận thức, cảm xúc. Hay sự không chấp nhận này rồi cũng sẽ suy yếu và tan biến để nhường chỗ cho sự hiểu biết, tình thương. Cha mẹ hãy ý thức rằng con mình gây ra những lầm lỡ, vụng về, đáng tiếc nhưng đồng thời con mình cũng mang lại cho mình những điều tuyệt vời, hạnh phúc. Khi mình nhìn vào con, mình thấy một tổng thể rộng lớn như thế thì sẽ không còn tập trung vào những khó khăn của con nữa, để rồi bớt oán trách, bớt đòi hỏi, bớt gây áp lực cho con.

Cha mẹ nhiều khi không cần phải làm gì cả, cứ im lặng quan sát, gửi tình yêu thương, niềm tin đến rồi con sẽ tự giải quyết lấy. Sự im lặng lùi lại với ánh mắt đầy yêu thương sẽ là niềm cảm hứng rất lớn cho những đứa trẻ.

Sự chấp nhận không điều kiện của cha mẹ dành cho con cái chính là một trong những món quà lớn nhất mà cha mẹ có thể hiến tặng cho con vào bất cứ lúc nào. Nhất là những lúc con cái gặp khó khăn, khốn đốn, vấp ngã trên đường đời. 

Xin các bậc cha mẹ hãy trở về với đúng vai trò thiên chức của bậc sinh thành mà đất trời đã trao tặng.

Theo vietnamnet