Mới đây, cộng đồng mạng dậy sóng vì clip “ném tiền trong quán ăn”, nhưng sau đó dư luận có chút bất ngờ khi đọc bản tường trình của người trong clip. Viên chức có hành vi thiếu chuẩn mực trên đã trình bày hoàn cảnh của mình, với tư cách là một phụ huynh có con bị chậm nói, không giữ được bình tĩnh khi con bị cư xử thiếu tôn trọng.
Câu chuyện có lẽ còn nhiều chi tiết phải bàn, nhưng nổi lên ở đó có mối liên hệ đan chéo phức tạp khiến người ta ngập ngừng: là viên chức nhà nước, hành vi đó khiến người ta phê phán; nhưng là cha của một đứa trẻ tự kỷ, hành vi đó có thể được thông cảm một phần. Từ đó mới thấy: trong tâm thức cộng đồng, tình cảm cha con, gia đình có sức mạnh đáng kể. Tuy nhiên, không phải bậc làm cha làm mẹ nào cũng hiểu hết tình cảm đó.
Những đứa con đương nhiên không phải là chúng ta, nhưng chúng cũng chính là chúng ta ở hình hài thu nhỏ, ở vị thế dễ tổn thương hơn, ở tuổi đời non nớt hơn.
Khi con bị xúc phạm, cha mẹ thấy mình cũng bị xúc phạm - đó là chuyện bình thường. Nhưng có khi, và trong đa phần những tình huống dở khóc dở cười - là khi con trẻ không cảm thấy bị xúc phạm, không bị tổn thương, nhưng cha mẹ thì có.
Cha mẹ thấy mình bị xúc phạm nặng nề vì chuyện xảy ra với con mình, cha mẹ phản ứng theo kiểu của cha mẹ, phản ứng đó kèm theo quyền lực của cha mẹ, tiền bạc, sức ảnh hưởng… nhưng cốt lõi vẫn chỉ là chuyện của trẻ con. Để rồi sau đó, khi chuyện vỡ ra rồi, ví như khi bị đình chỉ công việc, ngẫm nghĩ lại chuyện xảy ra, người làm cha làm mẹ thấy mình sơ suất, mình không làm chủ được cảm xúc của mình. Nói cách khác, những người cha người mẹ đó yếu đuối hơn tình cảm mà họ có.
Chấp nhận, bình tĩnh cư xử với sự khiếm khuyết của bản thân là một bản lĩnh phải rèn luyện đường dài. Máu chảy ruột mềm - con là mình, tật bệnh của con cũng là của mình. Có ai làm cha mẹ có một đứa con ốm yếu, bệnh tật mới thấy, nhiều khi mình muốn xả thân cho con, gánh hết những thiệt thòi cho con, nhưng không được. Rồi một cách tự nhiên, người cha người mẹ ấy sẽ có xu hướng bảo bọc, bênh vực con, che chắn con trước những sự bức hiếp mà người ta nhìn thấy ở mọi nơi mọi lúc.
Nếu một đứa trẻ khác làm con mình đau, mình sẽ quát nạt đứa trẻ ấy. Nếu con kể chuyện bị giáo viên nào xử ép, la mắng, mình sẽ phản ứng, trả đũa thích đáng với giáo viên ấy. Nếu người ta trả lại tiền thừa cho con mình bằng tiền lẻ như một cách đối xử tệ, mình sẽ…
Những tổn thương, lúc bình thường, cha mẹ có thể cố giấu và giấu được, nhưng rồi lúc nào đó nó sẽ bộc lộ. Vậy có nên giấu những tổn thương ấy đi?
Nếu biết rằng chính sự giấu giếm này sẽ làm mình thêm nhạy cảm, dễ bức xúc, dễ nóng giận, người ta chắc sẽ không giấu. Vấn đề là cha mẹ chưa hoàn toàn cởi bỏ được những mặc cảm về lỗi của mình trong chuyện này, cha mẹ vẫn bị ám ảnh có thể do mình nên con mình mới yếu thế, mới thua sút, mới đau yếu như vầy…
Giáo dục trẻ phải bắt đầu từ giáo dục người lớn. Cho dù hơi xa, hơi rối, hơi phức tạp, chuyện bản tường trình kia cũng gợi ra nhiều suy nghĩ về cha mẹ và con cái, nhất là khi cha mẹ phải viện đến con (hay bệnh tật của con) để biện minh cho logic hành xử của mình. Tất nhiên ở đây có cái sai của việc hành xử không phù hợp nơi công cộng, trong tư cách của một viên chức và những thứ khác nữa.
Song, nhìn xa hơn bề mặt, sẽ thấy câu chuyện này cũng là một trong số chuỗi những hành xử của cha mẹ ở nơi công cộng như trường học, quán ăn, siêu thị… đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận hết lần này đến lần khác. Những câu chuyện có thể chỉ là một phần của tảng băng đang dần nổi lên, cho thấy sự cần thiết phải nhìn nhận lại cách làm cha mẹ theo kiểu “trời sinh voi sinh cỏ”, “có con khắc biết cách làm cha mẹ”.
|
Nhiều người mẹ quá nhạy cảm do chính họ chất chứa những nỗi niềm (Ảnh minh họa) |
Chúng ta đang thấy những người cha người mẹ hung hăng mắng chửi giáo viên, đòi hành hung người quản lý nhà trường, trừng phạt những đứa trẻ khác cũng trong tầm tuổi còn ấu thơ non nớt, hay quăng ném thứ này thứ kia cho hả cơn giận…
Có một góc nhìn khác, cho thấy đó là những người cha người mẹ yếu đuối, dễ bị tổn thương, mắc kẹt trong tình cảm của chính mình. Có thể, từ góc độ này, chúng ta sẽ tìm ra cách để giúp các cha mẹ xử lý được hành vi sai lệch của mình, hay là cứ lên tiếng phê bình và lên án chung chung?
Theo phụ nữ TPHCM