Dân Nam Kỳ nói về chưng bông thì phải nhắc đầu tiên là bông vạn thọ

Tết của chúng ta bắt đầu từ lúc nào? Nhớ câu vọng cổ này hôn?

"…Là mỗi lần thấy bông ô môi nở hồng trong gió chướng, mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang, mỗi lần có dịp về Vĩnh Long đi ngang Tân Ngãi thấy nhà chợ Trường An…" (Tuyệt tình ca).

Mèn ơi! Tết tới mau dữ bây?

Là gió chướng, là bông ô môi, là tiếng quết bánh phồng, là pháo nổ rộn ràng, là tâm trạng nôn tới Tết. Dân lục tỉnh xưa bước qua mùng 10 tháng Chạp là rần rần nôn Tết, tay chưn quíu hết trơn hết trọi, cập rập càng ràng vì hơi hám Tết ngày càng rộ.

Mấy dì, mấy thím ngồi cắt kiệu, lột tôm phơi khô còn giả đò làm bộ "Mèn ơi! Tết tới mau dữ bây?".

Tháng Chạp là tháng chuẩn bị cho Tết, là tháng bận rộn, chộn rộn và rất nôn nao. Tháng Chạp bắt đầu bằng ngày rằm tháng Chạp, nhà nhà sẽ đi tuốt lá mai đặng cho bông mai bung cánh đúng vào ngày mùng 1 Tết.

Lóng chừng 20 tháng Chạp là học trò líu quíu chưn giò rồi, lòng dạ hết muốn ôm cặp táp đi học, đường làng xưa đến lớp hay đi qua những cái chợ, thấy hàng hóa bày ra tràn lề đường, dưa hấu chất cao như núi là con mắt học trò dòm lom lom, chưn không muốn vô trường, cô giáo thầy giáo dạy cũng hờ hững lắm. Ai cũng nôn cho Tết về sớm sớm.

Mùa gần Tết là mùa lúa cuối năm, nhà nhà hối hả gặt lúa phơi cho ráo. Về nhà phụ hái trái cây đặng bán cho thương lái, dư chút đỉnh thì mần mứt Tết, mứt chùm ruột, mứt me, mứt dừa, mứt bí….

Sợ nhất là mần mứt me, lựa trái me bự nhất nhì, ngâm muối hột rồi lột vỏ muốn còng lưng, xâm cho hết nước chua, rồi sên bằng than củi liu riu, phơi ba nắng cho trái me căng tròn bóng lưỡng, khô... thì bọc giấy kiếng.

Khách vô nhà ăn trái me muốn hò he vì… bự mà quá ngon, khen um sùm, chủ nhà sướng rơn trong bụng. Rồi chùi nhà, chùi cửa, lau bàn ghế, dọn bàn thờ, treo màn mới. Tết vuông tròn phận sự với người sống và cả người chết.

Ngày 25 lo tảo mộ. Bàn thờ ông bà được dọn dẹp cho sạch, kỹ càng, gọn gàng vào dịp Tết. Bộ lư chùi hết teng, đánh lên nước đồng rực rỡ vàng bóng đặt trên bàn thờ. Chưng đồ theo nguyên tắc "đông bình, tây quả". Bình bông bên tay mặt, cái chò đỡ dĩa trái cây bên trái.

Miền Nam là đất mới, thành ra dân rất tâm linh. Tết mà nhìn cái bàn thờ ông bà ở giữa nhà tươm tất, nhang khói ấm cúng khiến lòng dạ người lục tỉnh thêm vững tin trong năm mới.

Tết ngoài cúng tổ tiên ông bà, người ta cũng cúng những người khuất mặt khuất mày trong quá trình khai hoang, đó là sự "viên trạch", cúng đất đai.

Bàn thờ nhà nào cũng thích chưng dưa hấu trong dịp Tết. Dưa hấu Long Trì, dưa hấu Cổ Cò, dưa hấu Gò Công nổi tiếng ngọt, mát luôn được chưng trên bàn thờ.

Mai vàng là loại bông nở rộ trong những ngày Tết ở khắp Miền Nam

Nói về bông nè

Dân Nam Kỳ nói về chưng bông thì phải nhắc đầu tiên là bông vạn thọ, vạn thọ là một loại cúc. Vạn thọ là sống lâu muôn tuổi, vạn thọ vô cương. Ba đời rồi, năm nào cũng vạn thọ, từ bà cố tới ông nội và nay là ba má mình, bàn thờ toàn vạn thọ.

Bông vạn thọ màu vàng rực rỡ sẽ giúp cho không gian ngày Tết bừng sáng. Bông còn mang ý nghĩa cầu mong sức khỏe, sự trường thọ và may mắn, mùi thơm hăng hắc dân dã rất gần với người bình dân, quan trọng là chưng rất lâu.

Mai vàng là loại bông nở rộ trong những ngày Tết ở khắp Miền Nam. Mai là thứ bông đứng đầu "tứ quý". Không sợ gió, chẳng sợ mưa, đứng vững trong nắng gắt, phong ba, vì thế nó tượng trưng cho người quân tử.

Bông mai, bông vạn thọ, dưa hấu, bánh tét, củ kiệu, lạp xưởng, nồi khổ qua hầm, nồi thịt kho hột vịt, lì xì là những đặc trưng của Tết quê mình. Mình lớn lên trong những năm 80 của thế kỷ trước và sẽ không bao giờ quên những cái Tết thời đó.

Tết "bao cấp" nghèo lắm, không mua thịt heo được ở hợp tác xã thì về nhà rủ xóm mần heo xí bính, rốt cuộc cũng được nồi thịt kho hột vịt vàng ươm. Năm đó điện có rồi tắt, thường xài cái đèn dầu nhìn cứ chập choạng, nhưng đêm 30 thiêng liêng hết biết.

Đêm 30 tháng Chạp thì trời tối thui, tối nhất trong năm, đêm không trăng không sao. Chiều chạng vạng bà nội đi ra thềm réo cháu về sớm, nhớ cái áo bà ba sờn cũ, cái khăn rằn vắt hờ trên cổ: "Thằng Tí, con Tèo, thằng Tẻo, con Đẹt... đâu về bây ơi!". Về tắm rửa để chuẩn bị cúng giao thừa.

Đêm giao thừa, ràn rụa nước mắt khi thời khắc sang. Mùi pháo, mùi nhang thơm tràn vô nhà, ngước lên cao ta thấy cả hồn dân tộc đang quay về.

Ai có hỏi, Tết nào vui nhất? Xin trả lời đó là Tết ngày xưa. Cái ngày đó có thể không hiện đại như bây giờ nhưng mình có đủ ông bà, cô chú, dì cậu trong những ngày Tết, nhớ những nụ cười, những khoảnh khắc ấm áp đầu năm.

Bây giờ thì rơi rụng dần, muốn như xưa không được, Tết buồn ơi là buồn, nhiều khi nhớ lại tủi thân muốn khóc. Mình già rồi phải không ta?

Theo tuoitre