Bộ sưu tập do gia đình nữ bá tước Simone Damiens de Ranchicourt (thường gọi là bà Bellaigue) - nguyên là cận thần của hoàng hậu Nam Phương - hiến tặng năm 1994 gồm một số triều phục, vật lưu niệm, hình ảnh sinh hoạt triều đình Huế và hoàng hậu Nam Phương vào thập niên 1930.

leftcenterrightdel
 Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy

Đây là 1 ngoại lệ mà ban giám đốc viện bảo tàng dành cho các tác giả bởi bộ sưu tập Bellaigue đến nay vẫn được giữ kỹ trong kho của viện bảo tàng, không trưng bày cho công chúng.

Cũng trong tháng 9/2024 sẽ diễn ra sự kiện ra mắt sách Theo dấu hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại kết hợp trình diễn Áo dài giữa đời thường do Hội quán Các bà mẹ phối hợp Trung tâm Liên Văn hóa Việt Nam - Thái Bình Dương tại Bỉ (IVB) và Hội Phong trào của những công dân Pháp gốc Việt tại Pháp (MCFV) tổ chức tại Pháp và Bỉ.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, tuy quyển sách được thực hiện với hành trình 3 năm tâm huyết đã ra mắt độc giả nhưng hành trình theo dấu lụa là muôn thuở (như ý định ban đầu của bà khi bắt đầu tìm hiểu về tà áo dài Việt Nam) vẫn còn dài phía trước.

Báo Phụ nữ TPHCM có cuộc trò chuyện cùng người phụ nữ nhỏ bé này ở những phiên Chợ quê giữa phố (được tổ chức mỗi cuối tuần) trong suốt những ngày bà bắt đầu ra mắt sách.

“Tôi thương áo dài lắm!”

Phóng viên: Thưa bà, vì sao là theo dấu hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại chứ không còn là theo dấu lụa là?

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy: Tôi thật sự không theo dấu hoàng hậu Nam Phương mà ban đầu tôi theo dấu… tà áo dài Việt Nam. Hành trình này như một cơ duyên mà tôi may mắn có được trong đời. Tôi thương áo dài lắm! Thương từ thời đi học, thời áo dài trắng nữ sinh những năm 1989 trên dải đất bazan Dran - Lâm Đồng quê tôi. Tới khi lớn lên, đi làm, được mặc đồng phục áo dài trong khách sạn Sofitel Dalat Palace, Vietnam Golf & Country Club, thấy du khách thích thú và thường hỏi về áo dài, tôi càng quý tà áo này.

Khi không còn làm việc ở những nơi đó, tôi cũng dần lãng quên áo dài. Cho đến một ngày, Hội quán Các bà mẹ cùng giáo sư Trần Văn Khê tổ chức chuyên đề Thai giáo - Hát ru. Trước ngày diễn ra chương trình, tôi đến trao đổi nội dung với thầy. Nhìn thấy ngôi nhà có nhiều nhạc cụ âm nhạc truyền thống, tôi nghĩ ngay tới chuyện phải mặc áo dài để dẫn chương trình đó. Thật may, một người bạn đã cho tôi mượn chiếc áo dài lụa in hoa.

Buổi giao lưu kết thúc, tôi hỏi: “Thưa thầy, con lùn mà mặc áo dài này coi được không thầy?”. Thầy nói: “Người phụ nữ Việt Nam mình ai mặc áo dài cũng đẹp, mặc ở đâu cũng hợp. Con “đồng thân, đồng thủ chớ đâu có lùn, nhìn được nghen con”.

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ Nguyễn Phước Vĩnh Đào và bà Nguyễn Thị Thanh Thúy trong buổi giao lưu ra mắt sách Theo dấu hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại

* Có phải từ câu nói của giáo sư Trần Văn Khê mà chương trình Lụa là muôn thuở của hội quán được khai sinh?

- Ồ, không phải vậy. Lụa là muôn thuở là tên gọi sau này. Nhưng cũng nhờ câu nói động viên của thầy Khê, tôi không còn thấy tự ti với suy nghĩ phải có vóc dáng cao ráo mặc áo dài mới đẹp. Sau chuỗi chương trình Thai giáo - Hát ru, chúng tôi có buổi tổng kết và báo cáo bằng một quyển sách.

Ngày ra mắt sách, chị em chúng tôi rủ nhau mặc áo dài. Sự kiện này đánh dấu việc mặc áo dài trở lại với Hội quán Các bà mẹ - đầu năm 2011. Sau đó, nhìn thấy nhiều trường trung học không còn chọn áo dài làm đồng phục cho nữ sinh, chúng tôi trao đổi với thầy Khê để cùng thực hiện một chương trình “Văn hóa ứng xử học đường” để kết hợp giao lưu về ứng xử, âm nhạc truyền thống và trình diễn vẻ đẹp của áo dài. Những năm tiếp sau, chương trình trao tặng áo dài nữ sinh vẫn luôn được duy trì, cho tới hôm nay.

Càng làm những chương trình liên quan áo dài, tôi càng thương tà áo Việt, thương người thợ may, thêu, vẽ và đặc biệt là những người thợ dệt đã làm nên tấm vải. Qua tìm hiểu, tôi mới biết về những làng dệt lụa đang dần mai một vì thiếu đầu ra, mới hay có những vùng nghề truyền thống may áo dài trong Nam, ngoài Bắc, miền Tây, Lâm Đồng và miền Trung vẫn còn dệt nhưng khách Việt không nhiều.

Đầu năm 2018, tôi về lại Đà Lạt, trao đổi cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Tranh về áo dài. Được chỉ đến dinh 3 để xem những tấm hình hoàng hậu Nam Phương trong trang phục áo dài, tôi thấy hình ảnh của bà đẹp quá và những kiểu áo dài bà mặc không khác gì những kiểu áo dài tôi từng thấy. Trong mắt tôi, người phụ nữ Việt Nam này đẹp quá, vừa cao quý, vừa gần gũi, vừa sang trọng, vừa bình dị. Bà mặc áo dài mọi lúc mọi nơi: khi làm cô dâu, lúc cùng vua đi công cán, lúc mang thai, khi thân hình thanh mảnh và cả lúc đẫy đà…

Hình ảnh hoàng hậu gắn liền với lụa nhưng sao bà vắn số quá. Tôi bật ra ý tưởng làm chương trình Lụa là một thuở. Thế là ngày 20/10/2018, Lụa là một thuở lần đầu tiên ra đời. Hành trình theo dấu hoàng hậu Nam Phương đã có bước chân đầu tiên: là một buổi trò chuyện về hoàng hậu Nam Phương với những câu chuyện kể về vị hoàng hậu học ở Tây nhưng luôn xuất hiện với chiếc áo dài. Áo dài gắn với đời thường vị hoàng hậu cuối cùng của chế độ quân chủ tại Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Nhiều bạn trẻ quốc tế đã tìm đến Hội quán Các bà mẹ để tham gia các chương trình thiện nguyện, cùng mặc và tuyên truyền về tà áo dài Việt Nam

Duyên gặp gỡ rất nhiều người cùng yêu và muốn gìn giữ tà áo dài như di sản văn hóa việt

* Dường như bà đã gặp nhiều người cùng chí hướng nên tà áo Việt lụa là không còn là của một thuở xa xôi nào đó?

- Duyên cho tôi gặp rất nhiều người cùng yêu và muốn gìn giữ tà áo dài như di sản văn hóa Việt Nam. Là thầy Trần Văn Khê, là anh Sỹ Hoàng, là tiến sĩ Thái Kim Lan, là bác sĩ Nguyễn Lan Hải, là nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh, là nhà giáo Đoàn Liệp, là bác Minh Tân - người đàn ông hơn 80 tuổi vẫn còn may áo dài ở Đà Nẵng, là cô thợ may Hoa Phượng và má tôi - người từng là thợ may áo dài, áo bà ba.

Ngay tại chương trình Lụa là một thuở năm 2018, chúng tôi đã thấy sự “giới hạn” của “một thuở” là vô cùng phi lý cho nên tên gọi Lụa là muôn thuở về tà áo dài Việt Nam trong cuộc sống hằng ngày ra đời ngay sau đó với tâm huyết của biết bao người. Chúng tôi tổ chức liên tục các năm sau đó (trừ giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát) và nhận được sự ưu ái, quan tâm, cổ vũ của rất nhiều người.

* Bà có rất nhiều ý tưởng để tà áo dài hiện diện trong cuộc sống. Ý tưởng “Áo dài chuyền tay” đã ra đời từ lúc nào?

- Trong những chuyến công tác trợ giúp an sinh xã hội hay truyền thông về thai giáo, hát ru và sinh hoạt văn hóa, giáo dục… của Hội quán Các bà mẹ, tôi phát hiện nhiều chị chưa lần nào được mặc áo dài không phải vì không có dịp mà bởi không có tiền mua sắm áo hoặc những cô giáo trẻ chỉ có 1-2 bộ áo dài mặc miết. Vậy là Áo dài chuyền tay cho các cô giáo, nữ công nhân, viên chức… ra đời tháng 9/2015, tiếp đó là Gửi tà áo yêu thương dành cho nữ sinh.

Cứ vậy mà tiếp tục từ những năm 2011, khi hội quán vừa vận hành 1, 2 năm đầu tiên đến nay. Nhiều giáo viên, công chức đã tham gia các chương trình này cùng hội quán, hàng ngàn bộ áo dài đã được trao đến người cần. Chỉ mùa hè này, cả trăm bộ áo dài đã được trao tặng các em.

leftcenterrightdel
 

* Trở lại câu chuyện về hành trình theo dấu hoàng hậu Nam Phương, phải chăng chỉ vì áo dài mà bà quyết tâm làm cuốn sách này?

- Như tôi nói, áo dài chỉ là một cái duyên. Cuộc đời đầy bí ẩn của hoàng hậu chính là lý do và tôi lại còn may mắn được đến những nơi từng lưu dấu hoàng hậu Nam Phương tại Đà Lạt. Việc gặp gỡ tiến sĩ Nguyễn Phước Vĩnh Đào - tiến sĩ văn học Pháp, cũng là con cháu hoàng tộc triều Nguyễn - lại là một duyên may khác. Khi đọc quyển sách Thư ngỏ gửi bạn trẻ Việt Nam của thầy, tôi thật sự xúc động và mong muốn được biết rõ hơn về chân dung và cuộc đời hoàng hậu Nam Phương - một phụ nữ tiên tiến, tri thức và là một hoàng hậu của thời đại mới.

Theo tôi, hoàng hậu là một mẫu hình về người phụ nữ Việt Nam hiện đại. Kinh nghiệm viết sách của thầy là động lực khiến tôi mạnh dạn đề nghị thầy viết thêm sách về hoàng hậu Nam Phương. Thầy trò chúng tôi quyết tâm theo cuộc hành trình này. Bây giờ, sách đã in xong, phát hành và tái bản. Tôi giật mình nhận ra kỳ diệu thay, hình như chính hoàng hậu cùng tà áo lụa của bà dẫn lối cho tôi. Hành trình đó như được sắp đặt sẵn, có khi theo trực giác, tôi cứ theo đó mà đi.

leftcenterrightdel
 

* Cuốn sách là một công trình lịch sử?

- Đây là công trình lớn của thầy trò tôi, những người nghiên cứu độc lập nhưng rất nghiêm túc. Việc tìm tài liệu rất kỳ công; chưa kể đến việc đối chiếu, tra soát với lượng thông tin rất nhiều để có thể viết nên những trang sách bằng tư duy khách quan, để người đọc tự nhận xét. Khó nhất là viết nên những trang sách, phần khó này thầy tôi đã giành hết (cười). Quyển sách trước hết là trả lời cho chính tôi những câu hỏi nghi vấn về cuộc đời hoàng hậu Nam Phương. Thầy trò tôi cùng quan điểm rằng cuộc đời của vị hoàng hậu cần được nghiên cứu kỹ vì đây là một hình mẫu lý tưởng cho các phu nhân của giới chính khách có thể học hỏi trong công tác thiện nguyện hay xuất hiện trước truyền thông; đặc biệt trong cách giáo dục con cái.

Nội dung của cuốn sách có các tài liệu mới phát hiện, các tư liệu bạn từng đọc hay nghe qua về một số thông tin như ngày sinh thật, quê quán đúng; những phẩm cách của hoàng hậu Nam Phương, quan hệ của bà với giới thượng lưu, quý tộc Pháp; những công việc triều chính của vua Bảo Đại; những câu chuyện tình cảm của vua Bảo Đại và đặc biệt là quãng thời gian 16 năm ở Pháp của gia đình hoàng hậu Nam Phương…

Cuốn sáchTheo dấu hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đạido Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành năm 2024, gồm 4 phần chính:Thiếu nữ Nam Kỳ và hoàng thái tử triều Nguyễn, Hoàng hậu và hoàng đế Đại Nam, Những ngày bất an, Từ lâu đài Thorenc đến gia trang Chabrignac, Những năm buồn tẻ của cựu hoàng.

Chúng tôi lược bỏ những giai thoại, những chuyện truyền miệng hay chép lại mà không được kiểm chứng. Theo thầy Vĩnh Đào, với nhân vật tầm cỡ như vậy mà những tác phẩm liên quan về cuộc đời bà chỉ toàn giai thoại thì không ổn. Vì thế, ở quyển sách này, chúng tôi tái hiện chân dung hoàng hậu từ cách tiếp cận của người viết sử chứ không phải kể lại những giai thoại không có cơ sở.

Tuy nhiên, để sách đến được rộng rãi công chúng, chúng tôi chọn lối viết giản dị, dễ đọc nhất, tránh những câu, từ mang tính học thuật, với hy vọng ai cũng có thể đọc một cách thuận lợi nhất.

leftcenterrightdel
 

* Bà có thể chia sẻ thêm về việc tiếp cận tư liệu để làm quyển sách này?

- Thầy Vĩnh Đào là người rất cẩn trọng nên có thông tin nào mâu thuẫn hay không trùng với các cứ liệu là thầy tìm cho ra. Thực tế việc tìm tư liệu không hề dễ dàng, ví dụ như để xác định ngày sinh chính xác của hoàng hậu Nam Phương (là 14/11/1913, trong khi các tư liệu ta có hiện nay đều là ngày 4/12/1914), thầy trò tôi phải đối chiếu cả ngày ghi trên mộ cùng bản khai sinh lưu trữ tại Trung tâm quốc gia Văn khố hải ngoại Pháp và bản trích lục sổ Rửa tội tại Thánh đường Sài Gòn năm 1913, giấy khai tử tại tòa thị xã.

Suốt 3 năm, chúng tôi tìm đến những nơi lưu dấu của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương ở Việt Nam, từ Sài Gòn về Tiền Giang, rồi từ Tiền Giang về Thủ Đức, Chợ Lớn, Biên Hòa, lên Đà Lạt, Kon Tum, ra Quy Nhơn, Huế, Hà Nội… Cùng với đó còn là những chuyến đi ở Pháp, đến những nơi nhà vua, hoàng hậu đã đi qua, sinh sống để tìm tư liệu, gặp nhân chứng và hậu duệ của những người cùng thời họ, phỏng vấn nhiều nhân chứng trong và ngoài nước, trong đó có cựu thị trưởng làng Chabrignac để tìm hiểu, đối chứng.

“Tôi yêu tà áo dài, ngưỡng vọng người đàn bà từ gần 100 năm trước đã mang biểu tượng áo dài Việt sang tận trời Tây nên cứ vậy mà hành trình theo người ấy”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ

 

 

Các sân chơi cho con trẻ cũng là cơ hội để người lớn cùng học, cùng chơi

* Hành trình của 2 thầy trò bà chưa dừng lại?

- Chính xác là chúng tôi đang tiếp nối. Sách phát hành được 1 tháng đã có các dịch giả chọn dịch sang tiếng Hàn Quốc và Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam có kế hoạch tái bản ngay. Được sự hưởng ứng của độc giả, những cơ duyên mới theo dấu chân hoàng hậu và vua lại bất ngờ đến tiếp. Thế là chúng tôi quyết định bước đi. Như ở chuyến đi Pháp, Bỉ sắp tới nhằm giới thiệu sách cùng bộ sưu tập các kiểu áo dài, từ trang phục thường ngày của hoàng hậu Nam Phương đến áo dài trong đời sống người Việt hôm nay.

Không phải viết lại sách mà chúng tôi tiếp tục viết một quyển sách mới và tôi cùng các anh chị em trong hội quán tiếp tục với dự án sách để tà áo dài Việt Nam - lụa là muôn thuở được cất tiếng nói.

leftcenterrightdel
 Một góc phiên Chợ quê giữa phố sáng 11/8

* Dường như bà còn ấp ủ nhiều dự định cho việc bảo tồn tà áo dài Việt Nam trong cuộc sống này?

- Phải nhấn mạnh lần nữa, tôi yêu và tự hào về tà áo dài Việt Nam lắm. Vì vậy, dù khó khăn và gian nan nhưng tôi và các chị em hội quán cứ duy trì Chợ quê giữa phố, để được cuối tuần cùng nhau… mặc áo dài đi chợ và mặc áo dài trong những dịp đám cưới, đám hỏi, lễ chùa, nhà thờ, ra phố…; nhất là tham dự các buổi sinh hoạt, giao lưu văn hóa, giáo dục. Trăm năm trước, vua, hoàng hậu đã mặc nó cho bao chuyến công du, ngoại giao… Tôi rất vui vì những năm gần đây, thành phố mình cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã và đang thành lập, duy trì những câu lạc bộ di sản áo dài. Bên cạnh đó là những chương trình áo dài của các đoàn thể; Hội LHPN các cấp phát động tuần lễ áo dài, tháng áo dài để lan tỏa.

* Trên trang Facebook của bà hẳn có rất nhiều hình ảnh cả chồng và con trai bà mặc áo dài dạo phố…

- Không, chỉ là mặc áo dài chụp vài tấm ảnh trong những dịp đặc biệt. Không có chồng và 2 con làm chỗ dựa, tôi khó mà thực hiện được những giấc mơ của mình. Còn nhớ hồi tôi làm luận văn tốt nghiệp đại học về đề tài Xu hướng mua sắm ở siêu thị của giới trẻ với hy vọng neo giữ một góc ký ức bằng chợ quê giữa phố là lúc bụng bầu đến gần ngày vượt cạn. Ngày tôi bảo vệ, do anh hỗ trợ hết mình nên luận văn tôi mới nhận được điểm 10 của hội đồng giám khảo. Tôi biết ơn anh vì đã chịu cho tôi thực hiện nhiều việc khi nhìn thấy những đứa trẻ dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, những thai phụ gần sinh không có tiền vượt cạn… Tôi không đành lòng buông tay hay quay lưng ngó lơ. Vậy là tôi phải tiếp tục gồng gánh thôi.

leftcenterrightdel
 Những hoạt động thú vị tại Chợ quê giữa phố luôn thu hút đông đảo các em nhỏ

* Bà phải gồng gánh vì lỡ khai sinh hội quán?

- Năm 2010, cùng Lê Quế Phương, tôi đã gầy dựng hội quán. Lúc đó, Quế Phương làm hội trưởng, trụ sở đặt tại nhà Quế Phương. Các chuyên đề lẫn chuyên gia báo cáo ở các chương trình hoàn toàn do chúng tôi tự lên kế hoạch thực hiện theo nhu cầu. Khán giả tham dự cũng toàn các chị, các mẹ thân quen; đặc biệt là các nhà báo. Chúng tôi tạo sân chơi chung. Từng làm mẹ, nên cứ thấy kiến thức, kỹ năng gì cần cho bà mẹ trẻ là chúng tôi bàn nhau tổ chức. So với hiện nay, thời đó khó khăn hơn nhiều. Bây giờ, hội quán có cơ ngơi (trụ sở đặt tại số 7 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TPHCM) rộng mở; các chuyên gia, tiến sĩ, thạc sĩ tên tuổi trên nhiều lĩnh vực sẵn sàng hỗ trợ; nhân viên, cộng tác viên cũng chuyên nghiệp, trình độ cao hơn. Tôi không phải gồng gánh mà chỉ đồng hành để giúp những ý tưởng, chương trình của các bạn được thực hiện.

Xưa, chúng tôi chỉ tổ chức báo cáo chuyên đề. Sau này, chúng tôi còn tổ chức cho các bà mẹ trẻ nhiều chương trình như dã ngoại kèm dạy kỹ năng sống, du lịch cùng con. Các sân chơi cho con trẻ cũng là cơ hội để người lớn cùng học, cùng chơi. Người dự khán các chương trình không chỉ đông hơn mà còn đa dạng, phong phú về thành phần, trình độ. Tôi vui vì công việc được sẻ chia, có cả lớp kế thừa, như con gái Uyên Thư hằng tuần cần mẫn giúp mẹ bán hàng ở chợ quê, cùng gom từng chút tiền nuôi giấc mơ được đi học của những em bé nghèo… Vậy đó, tôi góp phần khai sinh và nuôi dưỡng hội quán cũng thật đáng công sức.

* Cảm ơn bà đã chia sẻ.

Theo phụ nữ TPHCM