Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới, có 44/1.000 trẻ được sinh ra từ các bà mẹ tuổi vị thành niên (15-19 tuổi). Trên thực tế, độ tuổi mang thai đang ngày càng trẻ hóa, đa phần là mang thai ngoài ý muốn. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất, tinh thần, học tập, tương lai và cuộc sống của trẻ.

Số liệu từ Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho thấy, mỗi năm cả nước có gần 300.000 ca nạo phá thai, chủ yếu ở độ tuổi 15-19. Trong đó, 60 - 70% “bà mẹ trẻ” là học sinh, sinh viên. Các biến chứng trong quá trình mang thai và sinh đẻ là nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với các trẻ gái tuổi vị thành niên.

Thạc sĩ Lê Minh Huân trong một buổi dạy về giới tính tại Trung tâm Giáo dục đặc biệt An Nhiên. Đối tượng học từ 7-15 tuổi
Thạc sĩ Lê Minh Huân trong một buổi dạy về giới tính tại Trung tâm Giáo dục đặc biệt An Nhiên. Đối tượng học từ 7-15 tuổi.


Cha mẹ không biết gì

Lẽ thường, thật khó để chấp nhận sự thật “cha mẹ không biết gì” về tình trạng mang thai gần chục tháng của con, trong khi con trẻ vẫn học tập và sinh sống cùng gia đình như trường hợp của nữ sinh lớp Bảy ở Bắc Giang. Tuy nhiên, đáng buồn thay, đây không phải trường hợp cá biệt.

Cách đây không lâu, dư luận từng xôn xao về việc nữ sinh lớp Bảy tại Bà Rịa - Vũng Tàu tự sinh em bé trong nhà tắm mà không ai hay biết, cho đến khi nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc, mẹ và ông bà ngoại mới phát hiện. Trường hợp khác diễn ra tại Quảng Bình, nữ sinh lớp Mười một sinh con trong ký túc xá, sau đó đặt đứa bé vào sọt rác trong nhà vệ sinh, giáo viên phát hiện vì nghe tiếng khóc và kịp thời chuyển em bé 1,9kg đi cấp cứu.

Không thể lý giải được, tại sao người nhà, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên đứng lớp và cả bạn bè của các nữ sinh lại không phát giác khi học sinh mang bầu trong suốt hơn 9 tháng, trong điều kiện vẫn sinh hoạt, học tập bình thường. Dù che giấu tốt thế nào thì cũng khó duy trì lâu như vậy. Lẽ nào người xung quanh đã thờ ơ trước những thay đổi bất thường của con cái, học trò, bạn bè hay vì họ biết mà không muốn quan tâm?

Việc mang thai ngoài ý muốn, không quý trọng sinh mạng trẻ sơ sinh, không có trách nhiệm với bản thân hay thiếu ý thức bảo vệ thân thể người khác, ứng xử sai lầm vì thiếu kiến thức giới tính, tình dục và sinh sản giữa rừng thông tin… đều là biểu hiện của sự bất ổn trong giáo dục nói chung và thất bại về giáo dục giới tính nói riêng.

Trẻ sợ hỏi người lớn về “chuyện người lớn”

Né tránh dạy con về giới tính, về tình yêu tuổi mới lớn, về tình dục là điểm chung của hầu hết phụ huynh. “Ai đã có người yêu? Ai đã từng quan hệ tình dục?”  là 2 câu hỏi tôi đặt ra cho học sinh khối lớp Sáu tại một trường học ở quận 7, TPHCM. Kết quả đủ khiến giáo viên và phụ huynh của lớp chỉ biết “đập tay lên trán” vì hoang mang, lo lắng và bối rối với sự thật mà họ không dám nghĩ tới. Khoảng 30% học sinh đã/đang có người yêu. Đáng nói khoảng 15-16% em thừa nhận đã từng quan hệ tình dục.

Vài phụ huynh bất ngờ, cảm thán: “Tôi không dám tin thầy ạ. Cứ nghĩ con mình ngoan hiền như vậy, lớp Sáu cũng chỉ là những đứa trẻ, ai ngờ…”. Một vài học sinh bày tỏ: Ba mẹ em toàn cấm đoán, nghe em nói thích bạn này, bạn kia là làm dữ, nên dù có “crush” ai đó em cũng giấu; khi em có vấn đề nhạy cảm cần hỏi, em chọn hỏi bạn bè thay vì ba mẹ hoặc giáo viên… bởi ngại “cái nhìn” của người lớn, sợ bị la.

Trẻ rất quan tâm và chăm chú theo dõi các kiến thức giáo dục giới tính
Trẻ rất quan tâm và chăm chú theo dõi các kiến thức giáo dục giới tính

 

Những chiếc bẫy ngọt ngào

Nhận thức chưa đầy đủ, chưa có kỹ năng từ chối hoặc không đủ sức chống trả trước “mật ngọt” của kẻ xấu, cộng với việc khó bày tỏ thắc mắc, giãi bày tâm sự với cha mẹ, thầy cô, đặc biệt là chuyện nhạy cảm như vậy nên nhiều trẻ tự giải quyết vấn đề của mình hoặc rơi vào bẫy của kẻ xấu, để lại những hậu quả đáng tiếc về sức khỏe, tâm lý…

Trẻ không tìm được tiếng nói chung với phụ huynh, đôi khi cả với giáo viên ở trường, vì không ít giáo viên còn suy nghĩ lạc hậu. Khi gặp những va vấp đầu đời, khi thắc mắc về chuyện giới tính, tình dục… trẻ e dè trước biểu hiện thờ ơ, lảng tránh, bài xích, chỉ trích hoặc trách phạt của người lớn. Một số tự tìm kiếm thông tin bằng cách khác như từ mạng internet, bạn bè và người khác… và “sập bẫy” kẻ xấu khá dễ dàng.

Chị V. sinh sống tại quận Phú Nhuận, TPHCM tá hỏa khi kiểm tra điện thoại và phát hiện con gái đang học lớp Bảy của mình “chat sex” với bạn trai học lớp trên, kèm những lời đường mật, dụ dỗ con gái mình gửi ảnh khỏa thân và video gợi dục qua mạng xã hội.

Chị và ông xã “chết đứng”, tự trách mình lo làm ăn bên ngoài mà không quán xuyến con, không chú ý rằng con đã bước vào tuổi dậy thì và muốn khám phá “thế giới người lớn”. Cả ba lẫn mẹ đều nhận ra, mình đã không làm tốt vai trò “hậu phương” cho con.

Học sinh của tôi trong các lớp kỹ năng sống tâm sự: Con đã xem các web sex khi chơi game online, con bị người lớn tuổi hơn dụ dỗ xem phim và làm “chuyện người lớn”. 

Dễ dàng bắt gặp những phần quảng cáo phim/game nhạy cảm như nhân vật hoạt hình khỏa thân/bán khỏa thân nhan nhản trên màn hình khi trẻ vào internet để “cày game”. Với bản tính tò mò, nhiều lần trẻ nhấp vào liên kết để xem hoặc rủ người khác xem cùng. 

Ngoài ra, trên một số diễn đàn hoặc mục chat ở màn hình hiển thị của các game, học sinh thỉnh thoảng nhận được những hình ảnh khỏa thân, khiêu gợi, kèm những lời chèo kéo “làm chuyện người lớn”. Nếu không tỉnh táo, trẻ rất dễ sập bẫy vì một số đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của trẻ nhỏ để bắt chuyện, làm quen; khi đủ thân thiết thì đề nghị gặp mặt, tặng quà, cho tiền… để đạt được mục đích của mình. 

Đừng phó thác cho trường học, không đùn đẩy cho gia đình

Giáo dục giới tính nói dễ không dễ, khó quá không thể làm được lại càng không đúng. Khi giáo dục giới tính cho trẻ cần lưu ý một số yếu tố:

Thứ nhất, thực hiện càng sớm càng tốt. Đừng chờ trẻ bắt đầu đến trường mới dạy về giới tính. Đừng phó thác cho trường học, không đùn đẩy cho gia đình, xã hội. Cần phối hợp với nhau và hãy bắt đầu từ lúc trẻ biết nói, hiểu chuyện…

Thứ hai, thực hiện thường xuyên. Không thể hình thành nhận thức đúng đắn về giới tính chỉ với vài giờ dạy sơ sài, khái quát, chung chung hay chỉ với chút ít hiểu biết về hoạt động/kiến thức giáo dục giới tính. Không thể làm chiếu lệ mà quên rằng, kiến thức và kỹ năng trẻ học được là “tấm khiên” quan trọng để bảo vệ trẻ, thể hiện trách nhiệm với thân thể người khác, ứng xử đúng đắn trong tình bạn, tình yêu, tình dục, tình thân, tình đồng nghiệp, tình làng, nghĩa xóm… Việc nhắc lại kiến thức, ngày một mở rộng, đào sâu hơn tạo ra hiệu quả trong việc duy trì kết quả của hoạt động giáo dục giới tính.

Thứ ba, không giáo dục phiến diện. Không nên chỉ nói “chuyện con gái” cho con gái biết, còn con trai bị cấm nghe/cấm biết “chuyện con gái” và ngược lại. Một người hoặc một nhóm người được giáo dục giới tính đầy đủ, không thể khiến cả cộng đồng trở nên an toàn, vì vẫn còn nhiều đối tượng bị bỏ sót, không có kiến thức và hành xử phản giáo dục/thiếu khéo léo liên quan đến câu chuyện giới tính.

Thứ tư, cập nhật và cởi mở. Kiến thức về giáo dục giới tính cần được cập nhật liên tục. Chúng ta có thể học từ sách vở, báo đài, internet, đặc biệt là từ “kho tàng tri thức” của các bác sĩ, chuyên gia tâm lý, giáo dục, xã hội học…

Thứ năm, mỗi người cần nhận thức đúng đắn về việc giáo dục giới tính. Những tư tưởng lạc hậu, cách giáo dục con cái xưa cũ, cấm đoán, né tránh đã không còn phù hợp. Chúng ta cần một cộng đồng tiến bộ, cởi mở và nhìn nhận thẳng thắn nhưng đủ khéo léo trong vấn đề giới tính để cả trẻ và người lớn không còn ái ngại, xấu hổ khi nhắc tới giáo dục giới tính, hành xử có hiểu biết, văn minh và lành mạnh hơn.


Theo phụ nữ TPHCM