Thời sinh viên, tôi từng được học bổng, dự hội thảo quốc tế, vì vậy muốn chia sẻ cùng các bạn một số kinh nghiệm.

1. Học tiếng Anh càng sớm càng tốt

Năm đầu tiên là thời gian tốt nhất để sinh viên rèn tiếng Anh, vì sẽ có nhiều cơ hội hấp dẫn, mở mang đầu óc. Tuy nhiên, bạn đừng nghĩ tiếng Anh là gắn với các chứng chỉ như TOEIC, IELTS, TOEFL. Nền tảng và khả năng giao tiếp đóng vai trò quan trọng để các bạn trẻ thoải mái thể hiện được thế mạnh của bản thân. Tiếng Anh chỉ là công cụ, cái người ta quan tâm hơn là tố chất, năng lực, và sự thú vị của con người các em (sẽ được thể hiện như thế nào khi sử dụng công cụ đó).

Cựu du học sinh Thùy Trang.

2. Theo dõi và cập nhật các kênh tìm kiếm cơ hội cho mình

Trong số các kênh thông tin để các bạn tham khảo tìm kiếm cơ hội cho bản thân, có website của các đại sứ quán, luôn liên tục cập nhật các cơ hội hay hấp dẫn. Bản thân tôi đã được học bổng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ do luôn cập nhật các hoạt động ở website của Đại sứ quán Mỹ.

3. Tự chịu trách nhiệm với sự học của mình

Nếu thấy kiến thức trong sách hoặc thầy cô giảng chưa đủ hấp dẫn thì phải biết tự tìm tài liệu thú vị bên ngoài để nâng cao tri thức. Không đổ lỗi cho thầy cô hay trường lớp vì chuyện học của mình. Cuộc sống của mình thì phải tự chịu trách nhiệm.

Đừng bỏ phí 4-5 năm học đại học vì đây là thời điểm quan trọng để các em tích luỹ tri thức cho bản thân. Không thiếu gì sách hay, cũng như nguồn học online hữu ích như các trang Coursera, Udacity, Edx… Tri thức, kỹ năng có rất nhiều cách để rèn luyện. Chỉ những ai lười biếng mới đổ lỗi cho hệ thống khi thấy mình kém cỏi.

4. Học tốt các môn xã hội học, tâm lý học, lịch sử thế giới

Vì đó là những nền tảng về cuộc sống rất hữu ích khi ra trường. Đừng chỉ bo bo tập trung các môn chuyên ngành mà quên đi sự quan trọng của các môn học nền tảng.

Ngoài ra, bạn cũng nên liên tục đọc sách, báo, xem thời sự để cập nhật và suy nghĩ về các vấn đề xã hội diễn ra xung quanh mình. Khi các bạn đi phỏng vấn hay giao tiếp với người ngoài, những điều này sẽ rất hữu ích.

5. Đi làm sớm và hết mình với mọi công việc được giao để quan sát và tích lũy kinh nghiệm thực tế

Những công việc mình làm có thể rất vụn vặt nhưng việc quan sát cách làm việc của những người khác giúp mình học được rất nhiều. Đừng vội vàng từ bỏ khi thấy khó khăn. Công việc nào cũng sẽ có những cái khó, thử thách riêng để học hỏi. Kinh nghiệm nào cũng sẽ có ích với mình sau này.

Nếu các bạn không đi làm sớm, sau này ra trường sẽ rất vất vả tìm việc. Tôi cũng từng đi làm khi là sinh viên và giờ đang làm quản lý doanh nghiệp.

6. Tham gia các CLB hoặc các dự án cộng đồng

Dự án cộng đồng không chỉ giúp mình có những trải nghiệm đầy ý nghĩa mà còn giúp kết nối với những con người tuyệt vời, có trái tim rộng mở. Bản thân tôi đã tìm được công việc và rất nhiều những người anh, chị, bạn bè thú vị từ các hoạt động này. Việc tìm được tiền bối, những người nhiều kinh nghiệm hữu ích làm thầy sẽ giúp mình đi nhanh hơn rất nhiều và tránh được những cú ngã không cần thiết.

7. Ý thức sớm về chữ tín cá nhân để không bị gắn mác “thiếu chuyên nghiệp” và “không đáng tin cậy” khi là sinh viên

Biết trân trọng mọi lời hứa dù là nhỏ nhất. Chỉ cần thất hứa một lần thôi là uy tín cá nhân của mình sẽ bị giảm rất nhiều trong mắt người khác. Các bạn có thể đọc thêm bài viết này của chị để hiểu rõ hơn về chữ tín cá nhân.

8. Quan trọng nhất: Hãy “cháy” hết mình

Vì còn “non” nên các bạn sẽ liên tiếp gặp thất bại này đến thất bại khác. Đừng vì 1-2 thất bại cỏn con mà bị nhụt chí, không muốn phấn đấu nữa. Các bạn càng thất bại sẽ càng rắn giỏi. Điều quan trọng là luôn phải biết vươn lên và không mắc lại lỗi mình đã phạm phải từ trước.

Đây là khoảng thời gian tuyệt vời nhất, sau này khi ra trường muốn được vấp ngã và phạm sai lầm sẽ không còn được thoải mái như khi là sinh viên. Vậy nên, bạn hãy “cháy” hết mình khi còn có thể.

Chúc mừng các bạn đã bước sang một nấc thang mới trong cuộc đời. Những chia sẻ trên đây của tôi chỉ mang tính chất tham khảo, mỗi người dần dần sẽ tự đúc kết ra những kinh nghiệm riêng của bản thân. Chúc các bạn sẽ có được những năm học đại học với nhiều trải nghiệm hấp dẫn, thú vị.

Trần Thị Thùy Trang (sinh năm 1990) đạt học bổng Chương trình trao đổi sinh viên toàn cầu, được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao Mỹ; Giải thưởng danh dự cuộc thi 2011 Maxi Collegiate Competition, được tài trợ bởi DMAWEF và Quỹ giáo dục tiếp thị trực tiếp của Washington, Mỹ;

Trang đoạt giải nhì cuộc thi viết do Đại Sứ quán Hoa Kỳ tổ chức; được chọn là một trong tám cựu sinh viên nổi bật bà gặp Hillary Clinton (8/2012) ;

Tiếng Anh: TOEFL iBT 110/120;

Làm MC cho nhiều chương trình tiếng Anh do Đại sứ quán Hoa Kỳ, Đại sứ quán Australia tổ chức...

Cô là một trong 2 đại diện của Việt Nam dự Hội nghị Doanh nhân toàn cầu tại Ma-rốc năm 2014.

Theo zing.vn