Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị sinh viên cần biết cách chọn lọc thông tin.
Năm 2023, Mỹ phê duyệt hơn 600 nghìn thị thực dành cho sinh viên quốc tế, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, tỷ lệ từ chối thị thực vẫn cao ở một số khu vực như châu Phi cận Sahara. Vì vậy, ứng viên quốc tế vẫn lo lắng khi làm hồ sơ du học và quyết định tìm kiếm thông tin từ các trang mạng xã hội.
Trong một nhóm du học Mỹ với hơn 200 nghìn thành viên, một người dùng đặt câu hỏi: “Chị gái tôi đang sống ở Mỹ và có thẻ xanh. Khi phỏng vấn xin thị thực, tôi nên giải thích thế nào để họ hiểu tôi không có ý định ở lại Mỹ?”.
Bên dưới bài đăng, các người dùng khác tranh luận về việc có nên nói với người phỏng vấn rằng mình có anh hoặc chị đang sống tại Mỹ hay không. Một số người cảnh báo nếu nói dối, người làm hồ sơ xin thị thực sẽ bị đưa vào “danh sách đen” vĩnh viễn. Số khác bày tỏ lo ngại như chủ nhân của bài viết trên.
Một người dùng đưa ra gợi ý được nhiều người tán đồng: “Bạn cần thể hiện tình yêu, mối liên hệ chặt chẽ với quê hương như bạn đã có sẵn công việc, thu nhập, tài sản đáng kể hoặc tình yêu gia đình, vợ con nên bạn chắc chắn sẽ trở về nước sau khi hoàn tất việc học”.
Trong bài đăng khác, người dùng chia sẻ cụ thể về trải nghiệm phỏng vấn xin thị thực như ăn mặc ra sao, các câu hỏi, câu trả lời... và hỏi ý kiến mọi người lý do tại sao họ bị từ chối. Những người chưa xin thị thực thường rất quan tâm đến những bài đăng tương tự vì họ cần trau dồi kinh nghiệm.
Sinh viên thường tìm đến các tổ chức tuyển sinh, tổ chức hỗ trợ du học và hỏi chuyên gia kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ xin thị thực, phỏng vấn. Họ sẽ được tư vấn từ việc trình bày hồ sơ, những thông tin cần khai báo, tác phong, trang phục khi phỏng vấn, một số câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn... Điều này góp phần tăng tỷ lệ đậu.
Vì số lượng nhân viên tư vấn hạn chế, các tổ chức không thể giải đáp mọi thắc mắc của ứng viên. Ngược lại, ứng viên khao khát được hiểu rõ nhất, chi tiết nhất về quá trình làm thị thực. Vì vậy, bên cạnh việc tìm đến các tổ chức, ứng viên còn tìm hiểu trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube, Facebook...
Tuy nhiên, do thông tin từ các nguồn này chưa được xác thực nên ứng viên dễ gặp phải những lời khuyên rởm, ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình chuẩn bị hồ sơ. Trước tình hình trên, các chuyên gia khuyên ứng viên nên tìm đến các tổ chức du học tin cậy, tham khảo thông tin từ các nguồn đã được kiểm chứng...
Ngoài ra, phía Mỹ thường không nêu lý do đánh trượt hồ sơ xin thị thực khiến nhiều ứng viên hoang mang, khó hiểu. Các chuyên gia cũng kêu gọi Chính phủ Mỹ minh bạch hơn về lý do từ chối cấp thị thực.
Dù nhu cầu du học Mỹ đang tăng trở lại sau dịch Covid-19, việc xin thị thực lại khó khăn hơn so với trước đây. Theo phân tích của tổ chức giáo dục Shorelight, tỷ lệ sinh viên bị từ chối cấp thị thực F1 đã tăng từ năm 2015 đến 2022, trong đó, sinh viên châu Phi bị từ chối cao nhất.
|
Theo GD&TĐ