"Bạn bè tôi phần lớn ngoan hiền, vâng lời, đã học hành, thi cử đỗ đạt, đã cố gắng hết sức. Sau 20 năm nhìn lại, người khờ kẻ dại, người thất bại vì khủng hoảng, kẻ thành công lại lủng nhiều lỗ trong tâm hồn, kẻ cũng chẳng xuất chúng mấy", Lâm Vân An chia sẻ.
Gần đây, để đối lập lại xu hướng thả lỏng trong phương pháp giáo dục con cái, giao con cho các thiết bị điện tử, trên mạng xã hội lại tràn ngập những bài viết ca ngợi cách dạy dỗ rèn luyện theo hướng ép con từ bé, từ 2-3 tuổi đã phải xác định đường hướng để luyện con để vào các trường đại học hàng đầu thế giới: Oxford, Yale, Havard, Princeton, Standford...
Cha mẹ, nhân danh tình yêu con, chọn lựa đường đi nước bước cho con, như thể đời con là một ván cờ. Đi nước cờ này đúng thì sẽ dẫn đến nước cờ kế tiếp cũng đúng, và nước cờ nào cũng đúng thì đời con sẽ là một ván cờ toàn thắng.
Bạn nào đã đọc quyển Bài ca chiến đấu của bà mẹ cọp (The battle hymn of tiger mother) do Amy Chua viết sẽ cảm nhận được cách dạy con của các cha mẹ cọp (tiger mom/tiger dad): họ đòi hỏi con họ xuất sắc toàn diện, hướng con đến đỉnh cao của mọi đỉnh cao, ép luyện tập không ngừng nghỉ, không cho chơi bời, không có tuổi thơ. Họ không chấp nhận con cái thất bại, sáng tạo, nổi loạn.
Tác giả Amy Chua, một giáo sư luật gốc Trung Quốc tại Yale, cho rằng cách bà dạy dỗ con là cách làm mẹ đúng đắn nhất trong hàng triệu cách làm mẹ khác, cho đến khi hai cô con gái thiên tài âm nhạc của bà trưởng thành, ra đời, một cô hoàn thành tâm nguyện của mẹ, còn cô kia thì nổi loạn, sống trái lại hết những gì mẹ cô cố tạo ra.
Đời không phải là một ván cờ đã định, không ai đoán trước được điều gì. Nhiều trường hợp bạn bè tôi cũng là con của các cha mẹ cọp Việt Nam, những phụ huynh rất thành đạt nhưng lo sợ "cây ngọt sinh quả đắng", ép con đến hết mức có thể.
Như những người trưởng thành khác, tôi biết cái gì cũng có giá. Ngày nhỏ tôi bị ép học, bị luyện như luyện gà đi thi đấu, hết trường chuyên đến lớp chọn, top 5, top 3 rồi top của top, nhất lớp, nhất truờng, nhất thành phố, nhất tỉnh, giật luôn các thứ hạng cao quốc gia.
Rồi tôi tự ép mình thi vào đại học mém thủ khoa, top 5 đầu ra, tự ghi danh đi thi hàng trăm cuộc lớn bé, kể chuyện sách, kể chuyện phim, thi hùng biện tiếng Anh, thi Sinh viên sáng tạo, thi học kỳ, thì học sinh giỏi, thi đại học, thi viết văn, thi cái gì cũng phải ráng đoạt giải cao nhất. Để làm gì? Y chang các bạn bè cùng thế hệ: chủ yếu để ba mẹ hài lòng, để không phụ lòng mong mỏi của thầy cô, ông bà .
"Tôi lựa chọn tặng con tuổi thơ" - Ảnh minh họa: Autoglass
Nói thật là nhiều khi mình khóc nấc lên vì mình quá mệt, quá stress, đống bài vở cao hơn núi, stress vì bạn bè, vì thầy cô, vì ganh đua - bao nhiêu năm đằng đẵng chỉ uớc ao đến lúc nào đó được chút thảnh thơi, được thôi học, sẽ có thời gian theo đuổi một nhạc cụ mình thích, sẽ được coi một bộ phim truyền hình cực sến nào đó, để rồi lúc hiếm hoi được nghỉ thì đầu óc lại quá mệt - thậm chí tệ hại hơn là sau này khi tuổi teen, chơi gì cũng nghĩ đến học, vì vụ học và học làm sao đạt thành tích cao cho cha mẹ vui lờng đã ăn vào máu, đã thành lẽ sống cuộc đời.
Tôi là mẹ của hai con đang lớn, tôi không là "tiger mom" trong phong trào luyện con thành thần đồng này. Tôi sẽ không vì câu chuyện thành công của bất cứ ai mà ép con mình phải học nhanh, học nhảy lớp, ra trường sớm, hay ép con vào trường tốt.
Tôi không khuyến khích con ăn chơi lêu lỏng, trác táng, truỵ lạc, nhưng không ép con cày quá sức. Sau này con chọn nghề theo sức của con và con tự chọn mục tiêu để phấn đấu.
Tôi chọn TẶNG con tuổi thơ, vì đời một con người vốn ngắn ngủi, thời gian người ta làm trẻ thơ cũng chả đuợc bao năm và hơn cả, vì lý do chính đáng nhưng đau buồn hơn là tôi chẳng có tuổi thơ.
Người Mỹ hay nói bạn không thể cho người khác cái mà bạn không có. Tuy tôi không có tuổi thơ, tôi có tình thương dành cho con. Tôi trao trọn tình thương cho chúng. Tôi nhìn hai đứa con mình như những con người thật sự.
Tôi không muốn uốn ép chúng, đến một ngày chúng sẽ như tôi ngày hôm nay, tặc lưỡi "ước gì ngày xưa mình có biết chơi nhiều hơn một tí".
Ước gì tôi đã đọc được mẩu truyện nhỏ này từ John Lennon khi tôi mười mấy tuổi. "Khi John mới được 5 tuổi, mẹ anh đã dạy anh rằng mưu cầu hạnh phúc chính là chìa khóa quan trọng nhất của cuộc đời. Khi đến trường người ta hỏi anh bạn muốn làm gì khi bạn lớn? John trả lời tôi muốn được hạnh phúc. Họ nói anh không hiểu câu hỏi, còn John thì nghĩ họ chẳng hiểu gì về cuộc đời."
Ai lên án phê phán cách dạy con của tôi, tôi chỉ mỉm cười.
Sau năm 22 tuổi, lọt vào một chương trình huấn luyện đặc biệt của một công ty đa quốc gia, đi làm và trải nghiệm khắp năm châu bốn biển, tôi mới tìm ra mình, mới biết là cuộc đời này còn bao điều tươi đẹp, còn bao nhiêu niềm vui, mới hiểu đời người sinh ra từ lúc 2 tuổi không nhất thiết chỉ có tranh chấp, rèn luyện, chiến đấu. Lâm Vân An |
Theo
tuoitre.vn