Cùng nhau nghiên cứu các trường
Để bắt đầu hành trình du học, mỗi gia đình cần chọn điểm đến phù hợp. Ngoài dựa theo sở thích của con, cha mẹ cũng nên đóng vai trò cố vấn, hoặc chí ít là cùng con tìm hiểu ưu, nhược điểm của các đại học. Nếu thực hiện sớm, bước này có thể giúp các gia đình có kế hoạch chuẩn bị du học dài hơi, bài bản.
Eric Nichols, Phó chủ tịch phụ trách quản lý tuyển sinh của Đại học Loyola, cho rằng những cuộc trò chuyện về chọn trường nên được xuất hiện từ năm hai trung học. Việc sớm lựa chọn được đại học phù hợp sẽ giúp các gia đình bớt căng thẳng hơn là quyết định vội vàng trong phút chót. Nếu có điều kiện, phụ huynh có thể cùng con trải nghiệm trực tiếp tại trường hoặc tham dự các khóa tham quan ảo để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.
Để con chủ động
Chuẩn bị hồ sơ du học không phải là quá trình cha mẹ hồi tưởng lại những năm tháng vinh quang của mình hay áp đặt sở thích cá nhân lên con. Các chuyên gia khẳng định, quá trình này cần xoay quanh đứa trẻ. Mọi quyết định đưa ra phải dựa trên năng lực, thiên hướng và sở thích của chúng, vì chỉ khi thấy phù hợp, chúng mới nỗ lực ở mức cao nhất.
Nichols cho rằng kỳ vọng của phụ huynh là dễ hiểu, nhưng việc đó không có nghĩa là cha mẹ sẽ thay con cái lựa chọn, phát ngôn. "Bạn có thể khuyến khích con rằng nên làm điều này, nhưng mọi thứ chỉ nên dừng ở mức tư vấn, hỗ trợ chứ phụ huynh không nên tự làm", Nichols nói.
Lập kế hoạch tài chính
Không phải học sinh nào cũng xin được học bổng với mức hỗ trợ cao, do đó tiềm lực tài chính của gia đình là một trong những yếu tố quyết định việc hồ sơ được nhận hay không. Phụ huynh nên nói chuyện với con về khả năng tài chính của mình, cùng con tìm hiểu những khoản vay, hỗ trợ của trường và các tổ chức, doanh nghiệp.
Collin Palmer, Giám đốc tuyển sinh của Đại học Toledo, khẳng định kế hoạch này cần được thực hiện ngay sau khi gia đình đã chọn được trường phù hợp, sớm hơn càng tốt. "Tôi nghĩ bạn nên nói với con về những gì gia đình có thể và sẵn sàng chi trả, thậm chí cả những khoản nợ mà các con phải chịu khi tốt nghiệp đại học", ông nói.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần động viên con tìm hiểu về các chương trình học bổng dựa trên thành tích học tập từng năm. Những khoản này có thể hỗ trợ, tiết kiệm đáng kể cho gia đình trong thời gian con du học.
Nhắc nhở thời hạn (deadlines)
Khi có nhiều việc phải làm, đứa trẻ có thể quên mất các mốc thời gian. Do đó, ngoài vai trò cố vấn, phụ huynh cần nhắc con về những việc cần làm. Việc bỏ lỡ các mốc thời gian này có thể khiến con lỡ nhiều cơ hội lớn hơn. Dù là ngày nộp hồ sơ hay hạn cuối ứng tuyển một chương trình trợ cấp, cha mẹ nên đảm bảo rằng con không quên mốc thời gian nào.
Nói về sự an toàn
Khi lên đại học, lần đầu tiên thanh thiếu niên sẽ được sống với tất cả trách nhiệm và sự tự do, quyền và nghĩa vụ đầy đủ của một công dân. Cha mẹ nên nói với con về lợi ích và cả những nguy hiểm tiềm ẩn về cuộc sống sinh viên, nhất là khi đứa trẻ sẽ sống rất xa gia đình, ở một đất nước hoàn toàn xa lạ. Các thành viên trong gia đình nên nói chuyện với nhau về những sự việc không hay trong ngôi trường và cách giải quyết nếu không may gặp phải.
Đặt các nguyên tắc giao tiếp
Khi vào đại học, thanh thiếu niên thường bị hấp dẫn bởi nhiều hoạt động và trải nghiệm mới mẻ nên tập trung xây dựng cuộc sống cá nhân mà giảm bớt sự tương tác với cha mẹ. Phụ huynh nên lường trước điều này và cần đặt ra một số quy tắc giao tiếp, giúp các thành viên trong gia đình giữ liên lạc đều đặn, thường xuyên với nhau.
Ngoài việc giao tiếp với con cái, phụ huynh cũng có thể mở rộng vòng kết nối bằng cách giữ liên lạc với các gia đình có con du học để trao đổi kinh nghiệm, đồng thời tạo thành cộng đồng cha mẹ luôn sẵn sàng hỗ trợ du học sinh từ xa.
Theo vnexpress