Khi mới đến sống ở Thụy Sĩ, biết rằng việc học đại học ở đây được miễn phí toàn bộ, các trường đại học đều thuộc loại cực tốt với đẳng cấp toàn cầu, tôi đã tin chắc rằng như thế thì hầu hết trẻ em ở Thụy Sĩ đi học sẽ đều vào đại học. Hóa ra đó là một trong những nhận định sai lầm lớn nhất của tôi ở đây.
Khoảng 20% học sinh học đại học
Trên thực tế, tỉ lệ học sinh ở Thụy Sĩ vào đại học chỉ chiếm… khoảng 20% số học sinh tốt nghiệp phổ thông mà thôi!
Tại sao một đất nước có nền giáo dục tầm cỡ toàn cầu như vậy mà chỉ có một tỉ lệ thấp học sinh theo đuổi con đường học vấn cao, ở mức đại học như thế? Và làm thế nào mà một đất nước có ít người học hành cao lại thành công, giàu có trong tốp đầu thế giới vậy?
Năm 2015, con gái tôi khoảng 10 tuổi, tôi có vài lựa chọn cho việc học của cháu; cháu có thể học ở Anh, ở Thụy Sĩ hoặc ở Canada. Nếu học ở Anh thì cháu sẽ phải học nội trú, mà lúc đó cháu còn quá nhỏ để thích nghi nội trú một mình. Nếu cháu ở với gia đình thì sẽ học ở Toronto (Canada) hoặc ở Thụy Sĩ.
Lúc đó, một người quen đã tư vấn rằng nếu tôi có đủ khả năng cho cháu học trường quốc tế (International school) ở Thụy Sĩ liên tiếp trong 8 năm học thì có thể học ở Thụy Sĩ cũng được, còn nếu cháu vào trường công lập ở Thụy Sĩ thì khả năng vào được đại học sẽ rất thấp.
Có thể thấy việc lựa chọn con đường học vấn của học sinh ở Thụy Sĩ đã được hệ thống giáo dục nhà nước định hướng từ những năm bắt đầu vào trung học! Tôi đã từng nghe kể nhiều phụ huynh khi nhận kết quả bài kiểm tra của con đã phải đến trường… tranh cãi với thầy cô giáo về điểm số của chúng; bởi với điểm số đó, con của họ hầu như không có khả năng được chọn vào nhánh theo học lên đại học. Tôi có những người bạn, cũng là dân expat (người của quốc gia khác) như tôi, đã quyết định mỗi năm bỏ ra một số tiền (khoảng vài chục ngàn USD) cho vào một tài khoản tiết kiệm đặc biệt, bởi đó là số tiền mà họ dự định sẽ cho con ra nước ngoài học đại học (chủ yếu là Mỹ hoặc Canada) vì họ đã biết trước rằng khả năng con mình được chọn vào nhánh học tiếp lên bậc đại học ở Thụy Sĩ là rất mỏng manh.
|
|
Sinh viên đại học ở Thụy Sĩ. Ảnh: TƯ LIỆU |
230 loại hình công việc cho học nghề
Như vậy, số 70%-80% học sinh ở Thụy Sĩ không vào đại học sẽ làm gì sau khi ra trường? Câu trả lời là họ có vô vàn lựa chọn! Có tổng cộng tới hơn 230 loại hình công việc mà một học sinh sau khi học nghề có thể làm ở Thụy Sĩ. Và đó không phải chỉ là những công việc lao động chân tay như chúng ta lầm tưởng khi nói về "học nghề". Ví dụ như họ có thể làm việc trong các công ty kiểm toán với tư cách là kiểm toán viên. Các công ty kiểm toán chính là một ngôi trường đào tạo khác của các em. Trên thực tế, rất nhiều nhân sự cấp cao của các công ty tài chính ở Thụy Sĩ đã đi con đường này. Thụy Sĩ cũng là nước nổi tiếng nhất thế giới về đào tạo nhân sự cho ngành khách sạn du lịch, đây cũng là một trong những hướng đi không qua bậc đại học.
Hôm cuối tuần vừa rồi, vợ chồng tôi đi đạp xe ở một khu vực đồng quê rất đẹp. Tôi nói với chồng rằng một vùng non xanh nước biếc đẹp như tranh họa đồ thế này sao không nổi tiếng với khách du lịch. Anh bảo rằng bởi vùng này đã rất giàu có nên không cần khách du lịch, không mặn mà với việc làm du lịch. Đây là khu vực có những nhà máy sản xuất đồng hồ với những thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới "Made in Swiss". Nếu không có tên biển hiệu nhà máy ở bên ngoài, tôi dám nghĩ đó là những khu nghỉ mát đẳng cấp 5, 6 sao. Những nghệ nhân chế tác đồng hồ ở đây là những người nằm trong số 70%-80% học sinh không theo đuổi chương trình học tập "hàn lâm" nhưng vẫn tạo dựng một cuộc sống sung túc cho bản thân và đất nước.
Chỉ 10% sinh viên ra trường không có việc
Chồng tôi là người Anh, nhưng khi sang định cư và làm việc ở Thụy Sĩ từ hơn 20 năm qua, đã phải công nhận rằng nền giáo dục của Thụy Sĩ xứng đáng được xem là nền giáo dục hữu ích nhất cho con người và xã hội. Anh ấy nói như nền giáo dục của Anh, vốn chú trọng mở rộng khả năng vào đại học cho mọi người, dẫn đến việc nhiều người bỏ thời gian và tiền ra học, để cầm một tấm bằng mà sau này khi đi làm họ không dùng tới. Thực tế là một báo cáo của Viện Nhân sự và Phát triển con người (CIPD) có trụ sở ở Anh đã làm thống kê và đưa ra con số rằng có 59% sinh viên tốt nghiệp đại học ở Anh ra làm nhân viên phục vụ hoặc pha chế ở các quán cà phê, nhà hàng hoặc quán bar! Trong khi tỉ lệ này ở Thụy Sĩ là khoảng 10%, thấp nhất trên thế giới, khiến cho nước này trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về sự tương quan giữa chất lượng của lực lượng lao động và hiệu quả kinh tế vô cùng thuyết phục.
Tôi nhớ một lần, một anh bạn của tôi kể lại rằng anh trai anh ấy vừa đến tuổi nghỉ hưu đã quyết định tặng cho bản thân chiếc xe Porsche mui trần màu xanh da trời mong ước nhiều năm! Tôi liền hỏi: "Anh cậu làm gì mà nhiều tiền thế?’’. Anh bạn ấy trả lời: "À, anh ấy làm bưu tá. Bây giờ về hưu, có lương hưu đủ sống sung túc thoải mái nên quyết định dùng một ít tiền để dành những năm qua tự thưởng cho bản thân đó mà!".
Sau này, mỗi khi đi đường gặp một chiếc Porsche, tôi liếc sang để vừa kịp thấy một khuôn mặt rám nắng, một mái tóc tung bay trong gió và cặp kính mát đen thẫm lạnh lùng, tôi lại thấy rằng thật khó mà tìm ra nhược điểm ở sự sắp xếp của hệ thống giáo dục này, khi mà kết quả là quá rõ ràng.
Từ những năm đầu bậc trung học (11-12 tuổi), các học sinh ở Thụy Sĩ sẽ được đánh giá, làm những bài kiểm tra rất khắt khe, để từ đó con đường học vấn của các em sẽ rẽ sang 2 nhánh (thực ra là 3). Một nhánh là những em có khả năng để theo tiếp con đường học vấn hàn lâm, tức là sẽ vào đại học, nhánh này chỉ chọn ra khoảng 15%-30% trong tổng số học sinh. Phần còn lại, các em sẽ tiếp tục học chương trình giáo dục phổ thông bình thường tới năm 15 tuổi; sau đó vào trường nghề học tiếp 3 năm nữa là có thể bắt đầu làm việc. Sau 3 năm học nghề, nếu em nào vẫn muốn vào đại học thì cũng có những lựa chọn khác, ví dụ đăng ký học thêm một năm nâng cao theo một chương trình đặc biệt để lấy được bằng tốt nghiệp phổ thông, từ đó có thể nộp hồ sơ xin học đại học ở Thụy Sĩ hoặc một nước khác ở châu Âu. Nhưng nói chung, con đường học đại học của 70%-80% học sinh ở Thụy Sĩ không hề đơn giản và dễ dàng như rất nhiều nước khác ở phương Tây. |
Theo nld