Thạc sĩ Vĩnh Huy từng hai lần giành học bổng AAS của Chính phủ Australia và học bổng Fulbright của Chính phủ Mỹ. Năm 2016, thạc sĩ Huy được chương trình Fulbright mời làm thành viên hội đồng tuyển chọn.
Tham dự buổi hội thảo cung cấp và chia sẻ thông tin về học bổng Fulbright năm học 2022-2023 của Chính phủ Mỹ tại TP HCM, thầy Huy cho biết năm nay các ngành học của chương trình học bổng Fulbright không thay đổi và vẫn dành ưu tiên cho khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, nếu làm quản lý các ngành STEM, bạn vẫn có khả thể tham gia ứng tuyển.
Theo thống kê của chương trình Fulbright tại Việt Nam, hàng năm số hồ sơ ứng tuyển dao động 300-500. Đến vòng sàng lọc, số hồ sơ còn khoảng 150 để hội đồng tuyển chọn xem xét. Số hồ sơ được xét vào vòng trong tùy theo chất lượng. Mỗi năm chương trình chọn 30-50 hồ sơ vào vòng phỏng vấn.
Về tiêu chí tuyển chọn: Fulbright đánh giá cao mục tiêu học tập, không quan trọng ứng viên công tác ở đơn vị nào, không phân biệt cơ quan nhà nước hay tư nhân, cũng như không có sự ưu tiên cho tôn giáo hay vùng miền.
Fulbright là một trong ít học bổng không yêu cầu ứng viên tốt nghiệp đại học đạt loại gì hay quy định GPA cụ thể bao nhiêu. Mục đích là mở rộng cánh cửa cho mọi người. Đối tượng mà Fulbright tìm kiếm chính là các ứng viên có tiềm năng đóng góp cho cộng đồng và xã hội trong tương lai.
Hai bài luận PS (Personal Statement) và SO (Study Objectives): Quy định của Fulbright cho bài luận cá nhân PS và bài luận mục tiêu, kế hoạch học tập SO tối đa 1.000 từ cho mỗi bài. Các finalist (ứng viên đã qua vòng phỏng vấn, đang chờ được trường bên Mỹ chính thức nhận sang học) năm nay cũng chia sẻ một số điểm đáng chú ý khi trình bày các bài luận.
Các bài luận cần:
- Nhấn mạnh và thể hiện được sự đóng góp cụ thể của bản thân cho cộng đồng và xã hội sau khi học về.
- Phải nghiên cứu thật kỹ 7 tiêu chí của Fulbright để đáp ứng một cách tốt nhất.
- Viết và thể hiện sao cho người ngoài ngành và không có chuyên môn vẫn có thể hiểu được, cụ thể ở đây là các thành viên của hội đồng tuyển chọn.
- Áp dụng kỹ thuật viết "Show, don’t tell" bằng cách sử dụng câu chuyện cụ thể hay kinh nghiệm thực tế của bản thân trong cuộc sống, học tập, và công việc để minh họa cho bài luận.
- Đoạn mở bài và kết luận của bài luận PS rất quan trọng, có thể mở đầu bằng một đoạn hội thoại, hoặc minh họa bằng hình ảnh để mở và kết cho ấn tượng.
- Hai bài luận PS và SO là hai câu chuyện bổ sung cho nhau để thể hiện đầy đủ về bản thân cho hội đồng.
- Mạnh dạn khoe về bản thân trong hai bài luận.
Theo thạc sĩ Huy, đa số finalist tham gia hội thảo năm nay ít nhiều nhận thức tầm quan trọng của mentor (người hướng dẫn và tư vấn) và tìm sự giúp đỡ từ họ khi viết hồ sơ săn học bổng Fulbright. Một finalist thậm chí còn phân loại các mentor cụ thể thành các nhóm:
- Cùng ngành học khi xin học bổng Fulbright.
- Khác ngành học khi xin học bổng Fulbright.
- Đã có bằng thạc sĩ và IELTS.
- Hiểu ứng viên rõ nhất.
- Người bản xứ.
Thư giới thiệu LOR (Letter of Recommendation): Fulbright yêu cầu nộp 3 LOR thể hiện các khía cạnh, góc nhìn, hay câu chuyện về ứng viên. Ba LOR này giúp hội đồng có cái nhìn khách quan về ứng viên bên cạnh hai bài luận PS và SO.
Các LOR chính là ba mảnh ghép để hoàn tất câu chuyện hay bức tranh về bản thân ứng viên. Theo kinh nghiệm của finalist, khi tìm người viết LOR, nên chủ động liên hệ, cung cấp thông tin về bản thân và các tiêu chí đánh giá của Fulbright cho người giới thiệu.
Vòng phỏng vấn: Mục đích chính của buổi phỏng vấn là cơ hội để hội đồng có dịp tiếp xúc biết rõ hơn về con người thật của ứng viên bên cạnh bộ hồ sơ. Vì vậy, các thành viên hội đồng sẽ hỏi thêm về các khía cạnh mà họ vẫn còn thắc mắc khi đọc hồ sơ. Do đó, để chuẩn bị tốt cho vòng phỏng vấn, việc cơ bản và quan trọng phải làm là ứng viên phải nắm chắc thông tin về bộ hồ sơ của mình.
Một finalist cũng chia sẻ kinh nghiệm nếu ứng viên có năng khiếu đặc biệt nào đó có thể đem ra biểu diễn trước hội đồng. Bạn finalist này trình bày một ca khúc trước hội đồng và gây được ấn tượng đặc biệt.
Theo vnexpress