Các chuyên gia tham gia chương trình tư vấn tại Báo Thanh Niên chiều 31.7
Buổi tư vấn trực tuyến truyền hình của Báo
Thanh Niên với chủ đề Các chương trình đặc biệt tại thanhnien.vn, YouTube
Thanh Niên và Facebook/thanhnien.com đã giải đáp băn khoăn trên của người học.
Nhiều chương trình quốc tế
Theo tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt - Đức, chương trình quốc tế tại VN hiện có 3 nhóm: trường ĐH nước ngoài có chi nhánh tại VN; chương trình liên kết giữa trường ĐH VN và trường nước ngoài để cấp song bằng hoặc bằng do đối tác nước ngoài cấp; nhóm ĐH quốc tế của Chính phủ VN. Theo ông Viên, vấn đề quan trọng là hiện có nhiều chương trình quốc tế nhưng để chọn lựa người học cần xem xét yếu tố chương trình được kiểm định và được phía VN công nhận văn bằng.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế NIIE, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, lưu ý thí sinh nên đặc biệt chú ý đến giấy phép của các chương trình liên kết quốc tế. “Đa số chương trình liên kết hiện nay của VN là uy tín nhưng thỉnh thoảng vẫn lọt vài đối tác thiếu uy tín, dẫn đến tình trạng học xong bằng cấp không được công nhận. Thí sinh có thể kiểm tra danh sách này trên website của Bộ GD-ĐT”, ông Tuấn Anh nói.
Tiến sĩ Ngô Quang Trung, Giám đốc Viện Đào tạo quốc tế Trường ĐH Hoa Sen, thì cho rằng người học còn cần tính tới khả năng ứng dụng sau khi học, học để làm gì.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho rằng mỗi chương trình đào tạo đều có sự phù hợp với lựa chọn riêng của người học cả về tài chính, môi trường học tập...
“Lợi ích lớn nhất khi học trong nước là sự quen thuộc văn hóa, tiết kiệm chi phí hơn. Trong khi đó, chương trình liên kết trong nước cũng chính là chương trình của trường đối tác, giảng viên nước ngoài và bằng cấp được công nhận. Còn khó khăn đi du học là phải tự lập, hòa nhập văn hóa, có khả năng về tiếng Anh và phải tự kiến tạo các mối quan hệ. Đơn giản nếu chỉ sinh hoạt ở một đất nước quá lạnh thì sẽ khó khăn để làm quen”, thạc sĩ Nguyên phân tích.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh nói: “Đi du học sẽ là trải nghiệm với nền văn hóa khác nhưng học phí rất cao, đó cũng là cách tốt nhất để rèn giũa ngoại ngữ. Nhưng nếu không muốn cho con đi xa, phải bỡ ngỡ với môi trường lạ hoặc khả năng tài chính eo hẹp thì có thể chọn học trong nước”.
Còn tiến sĩ Ngô Quang Trung chia sẻ: “Du học rất tốt nhưng tốn kém. Người học phải tự thân vận động để thích nghi với môi trường, hòa nhập với cộng đồng. Có những người sau một thời gian đã nhận ra nơi đã chọn không phù hợp với mình nên phải quay về. Có những người hiểu được sự khác biệt văn hóa đang đóng góp như thế nào cho bản thân thì sự ra đi là đúng”.
Cần những điều kiện gì ?Các chương trình đặc biệt luôn có những yêu cầu đặc biệt với người học. Tiến sĩ Hà Thúc Viên cho rằng yêu cầu đầu tiên khi theo học các chương trình quốc tế là khả năng tài chính vì học phí thường cao hơn chương trình bình thường. Bên cạnh đó là yêu cầu về tiếng Anh, cấp độ tùy theo trường và chương trình đào tạo. Ví dụ với Trường ĐH Việt - Đức phải có IELTS 5.0 trở lên hoặc tương đương, nếu không, phải tham gia kỳ kiểm tra sát hạch để xem xét. Với các trường này, những thí sinh tiếng Anh không tốt lắm thì cần xem xét các chương trình đầu vào tiếng Anh vừa phải để không mất cơ hội.
Tại Trường ĐH Hoa Sen, ứng viên muốn theo học chương trình quốc tế cần có khả năng tiếng Anh. Bên cạnh đó phải tham gia kỳ kiểm tra sát hạch về các chỉ số cảm xúc, chỉ số thông minh. Nhưng tiêu chí bắt buộc là đạt yêu cầu phỏng vấn để cảm nhận mình có thực sự phù hợp với ngành học này không.
Còn thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên thông tin, sinh viên theo học các chương trình này cần tư duy hướng ngoại để thích hợp với môi trường học tập quốc tế, khả năng hội nhập văn hóa của sinh viên và đủ sức khỏe để thích nghi môi trường sống mới.
Ông Bùi Đức Anh, Trưởng các chương trình tài năng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), cho biết trường này có nhiều chương trình liên kết nước ngoài. Trong đó, trường phân trình độ tiếng Anh 5 mức khác nhau. Khi vào, sinh viên thi xếp lớp và sau 1 năm có thể đạt tối thiểu IELTS 5.5 để du học.
Có được chuyển đổi ?
Sinh viên có được chuyển đổi sang chương trình đại trà khi theo học các chương trình đặc biệt cũng là một băn khoăn của người học.
Giải đáp câu hỏi này, tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh cho biết sinh viên có thể chuyển đổi từ chương trình song ngữ sang đại trà nếu có các phát sinh đột xuất trong quá trình học. Bởi lẽ 2 chương trình đều có sự tương đồng về chương trình đầu vào và chuẩn đầu ra. Đặc biệt, cùng xét trên kết quả thi và học bạ nhưng chương trình song ngữ thường có đầu vào cao hơn đại trà. Trường ĐH Hoa Sen cũng cho phép người học được chuyển đổi giữa 2 chương trình.
Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cho biết Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM sẽ xem xét tùy theo các trường hợp. Nếu sinh viên có mức điểm thi đầu vào tương ứng với chương trình chính quy thì có thể chuyển đổi. Tuy nhiên theo ông Nguyên, thực tế người học đã có sự lựa chọn rất kỹ nên tỷ lệ chuyển qua rất thấp.
Lựa chọn học nghề Tham gia chương trình, bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó tổng giám đốc Hướng Nghiệp Á Âu, cho biết Hướng Nghiệp Á Âu có 2 hệ đào tạo là sơ cấp và trung cấp với 6 ngành đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực nhà hàng - khách sạn. Cụ thể là hơn 50 chương trình khác nhau, phù hợp với từng đối tượng như bếp nóng (nghiệp vụ bếp trưởng, bếp Á, bếp Âu, bếp Nhật, học mở quán kinh doanh…); bếp bánh (bếp trưởng bếp bánh, bánh Âu, bánh kem, bánh hiện đại…); pha chế (bartender, barista, pha chế tổng hợp…), quản trị nhà hàng - khách sạn, làm kem, bếp gia đình... |
Theo
Thanh Niên