Được đánh giá là một trong những nhà văn tài năng của thế hệ mới, Nicolas Mathieu đã giành được giải Goncourt chỉ bằng tiểu thuyết thứ hai. Trong các tác phẩm, ông được đánh giá là đã kế thừa một cách thành công nghệ thuật phản ánh hiện thực của Balzac, Victor Hugo… và kết hợp nó với những cải tiến trong phong cách viết.

Con cháu của họ cũng thế thôi ra mắt vào năm 2018 và nhanh chóng đạt được thành công ấn tượng, khi được chuyển ngữ sang tiếng Anh còn bộ phim chuyển thể đang trong quá trình thực hiện. Trích từ một câu trong sách Huấn ca, nhan đề cuốn tiểu thuyết cho thấy một sự tiếp nhận về mặt thế hệ, rằng cả cha mẹ cũng như con cái hay rộng hơn là tất cả chúng ta rồi sẽ trải qua quãng đời y hệt như nhau, trong một đời sống thiếu sự đồng cảm.

leftcenterrightdel
 

Tiểu thuyết xoay quanh 3 nhân vật chính. Anthony - cậu trai 14 tuổi, xuất thân từ một gia đình trung lưu. Vào mùa hè năm 1992, cậu cùng người anh họ tình cờ gặp Stephanie - cô con gái 16 tuổi của một chính trị gia địa phương giàu có và say nắng nàng từ đó. Bổ sung cho câu chuyện này là Hacine - cậu trai nhập cư đến từ Maroc, chìm đắm trong lêu lỏng, bạo lực, chất kích thích.

Qua bộ ba này, Nicolas Mathieu đã cho thấy sự phân cấp của một nước Pháp thập niên 1990. Ở đó có sự cách ngăn về mặt giai cấp, trong mối tương quan giữa Anthony và Stephanie. Tương tự như thế là Hacine - người vốn bị coi như một “con rệp” chỉ vì nguồn gốc xuất thân và bị đẩy ra bên rìa xã hội…

Họ tuy là những nhân vật hoàn toàn độc lập nhưng đều có điểm chung: muốn thoát khỏi hiện thực cuộc sống ở một thị trấn phía bắc nước Pháp uể oải và đầy chán chường. Những thanh niên ấy cảm thấy xa lạ với chính gia đình mình. Họ thấy cuộc sống của vị thân sinh chỉ là vòng lặp nhàm chán giữa công việc và các sinh hoạt thường ngày. 

Tác giả Nicolas Mathieu đã họa ra một thế hệ những thanh thiếu niên đang đứng ở ngã ba đường. Họ sợ lặp lại con đường của cha mẹ mình nhưng cũng không biết tương lai sẽ đi về đâu.

Xuyên suốt cuốn sách, độc giả như thấy lại được một giai đoạn cuộc đời mình. Đồng hành cùng các nhân vật, Mathieu cũng phản ánh nước Pháp đang bị giằng xé trong một thời đại phi công nghiệp hóa. Ở đó có những con người đã cống hiến cả đời mình cho các xí nghiệp nhưng rồi khi nơi này giải thể, họ thấy mình bị lạc lõng giữa thời đại máy móc và hiện đại hóa. Đó cũng là làn sóng rời quê ra phố, bỏ lại thị trấn Heillange để đến làm việc ở Luxembourg hoặc Bắc Phi… Tất cả tạo thành một nơi và một lớp người đang dần rã rời, không tìm được lẽ sống.

Bám theo câu chuyện của một lớp thanh thiếu niên nhưng bằng việc khơi lên những mâu thuẫn hay cơn sóng ngầm về các xung động xã hội vẫn còn âm ỉ, Nicolas Mathieu đã đưa câu chuyện vượt xa thập niên 1990, biến nó phổ quát và hợp thời hơn bởi những hạn chế và mâu thuẫn ấy thời nào cũng có. Chính sự ích kỷ và thiếu tính chia sẻ đã làm con người ngày càng thui chột và chui vào trong cái kén của mình.

Là một vòng lặp không ngừng, sự thất bại của thế hệ trước rồi sẽ vận vào thế hệ sau. Những bậc cha mẹ mơ ước con mình sẽ có một cuộc đời khác, mới hơn, tiên tiến hơn và đáng sống hơn cuộc đời của họ. Thế nhưng, chính một đất nước với sự phân chia giai cấp, sắc tộc và các định kiến kiểu cũ vẫn còn tồn tại… đã làm tan biến giấc mơ này. Mệt mỏi giữa ngã ba đường, họ chọn con đường gần với mình nhất, từ đó hiểu rằng “Con cháu của họ cũng thế thôi”.

Bằng sự thấu hiểu tâm tính của lứa tuổi thanh thiếu niên và đan cài vào đó những vấn đề hiện thực mà đất nước mình vẫn đang gặp phải, tiểu thuyết gia Nicolas Mathieu đã viết nên một áng văn thật đẹp và buồn. Nhưng, qua những đớn đau ấy, thông điệp kêu gọi một sự thay đổi cũng được nhen nhóm. 

Theo phụ nữ TPHCM