Những chiếc máy bay cất giữ tâm sự của những nạn nhân bị bạo hành - Ảnh: MAI THỤY

Những câu chuyện về nạn bạo lực giới được giấu kín trong các tác phẩm nghệ thuật cũng giống như sự tồn tại âm ỉ của chúng bao nhiêu năm qua.

Diễn ra đến ngày 14-12 tại số 6B Nguyễn Cảnh Chân (Q.1, TP.HCM), You can talk to me là một phần quan trọng của dự án "Vì bạn được tin" với mục đích nâng cao nhận thức của công chúng về nạn bạo lực giới. Chương trình do Viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường (iSEE) tổ chức.

Triển lãm giới thiệu 10 tác phẩm đương đại của 7 nhóm nghệ sĩ. Theo anh Hoàng Giang Sơn - đại diện iSEE, triển lãm là dịp để giới nghệ sĩ đưa ra cái nhìn về tình trạng bạo lực giới ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh những báo cáo chuyên đề của các cơ quan nghiên cứu. Trong tháng 1-2020, You can talk to me sẽ được trưng bày ở Hà Nội.

Triển lãm thu hút sự chú ý của nhiều bạn học sinh, sinh viên - Ảnh: MAI THỤY

Mặc dù khuyến khích sự có mặt của công chúng, triển lãm cũng nhấn mạnh tính riêng tư bởi chủ đề nhạy cảm của triển lãm. Trong tác phẩm tương tác Bạn có thể kể tôi nghe bí mật của bạn của nghệ sĩ Lê Phương Nhi, người tham dự được mời ngồi bên cạnh nghệ sĩ và kể những điều thầm kín, nghệ sĩ sẽ giữ bí mật ấy đến suốt đời.

Hay trong sắp đặt Rừng máy bay, tác phẩm trưng bày hàng trăm lá thư ẩn danh của các bạn trẻ gửi cho Tổ chức Share Our Stories. Các lá thư được gấp thành chiếc máy bay, bên trong là những trải nghiệm của họ khi phải chịu đựng sự bắt nạt từ gia đình, bạn bè. Người xem có thể lấy một chiếc máy bay và mang theo bên mình câu chuyện ấy như một cách đồng cảm với người kể.

Một số tác phẩm có định dạng thực tế ảo, thực tế tăng cường để người xem trải nghiệm sâu sắc hơn nỗi đau của các nạn nhân - Ảnh: MAI THỤY

Ngoài các nghệ sĩ Việt Nam, triển lãm cũng thu hút sự tham gia của một số nghệ sĩ quốc tế. Hai bức tranh của họa sĩ Luis Bernardio là sự phản ứng gay gắt đối với những kẻ bạo hành đang ẩn mình dưới lớp vỏ bọc đạo mạo, lịch lãm.

Trong khi đó, tác phẩm Sau sự trống rỗng của nghệ sĩ Lucy Alexandra Howson lại kể câu chuyện của chính cô, một người đã từng trải qua cơn sang chấn tuổi thiếu niên, bị kích động bởi những vấn đề hôn nhân. Lucy chia sẻ một bài thơ cô đã sáng tác để tự vực dậy chính mình trong nỗi đau tột bậc với hi vọng sẽ chữa lành tâm hồn người xem.

Thế nhưng, không chỉ đứng về phía nạn nhân của tình trạng bạo lực giới, các nghệ sĩ còn nhắc nhở người xem về những sự "vô tình" của họ đã khoét sâu tình trạng này.

Với sắp đặt Đồng phạm thơ ngây, hai tác giả Hoàng Vũ, Xuân Thi đã lật lại những bài báo có chi tiết ngụ ý nạn nhân cũng góp phần vào vụ việc. Các bài viết này đã vô tình định hướng công chúng phán xét, đổ lỗi cho người bị hại.

You can talk to me là một hồi chuông mạnh mẽ với tiếng chuông thứ nhất là để cảnh tỉnh những bạo hành chúng ta đã gây ra cho người khác và tiếng chuông thứ hai để xoa dịu vết thương của những nạn nhân.

Người xem đến với triển lãm có thể lắng nghe tâm sự nhưng cũng có thể để lại câu chuyện của mình. Một khi cuốn sổ lưu bút vẫn còn nằm trên bàn và được lấp đầy bởi những câu chuyện đáng quên, chừng ấy chúng ta vẫn còn phải đối mặt với nạn bạo lực giới cùng hậu quả của chúng.

Theo tuoitre