Khoảng 10 năm trước, với mong muốn lưu giữ hồn cốt của làng quê Việt Nam, nhà giáo Ngô Thị Khiếu cùng chồng là thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đã sáng lập Bảo tàng Đồng quê (xã Giao Thịnh, H.Giao Thủy, tỉnh Nam Định). Cũng từ đó, Bảo tàng Đồng quê được xem như là thiết chế văn hóa, có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa của cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ.

leftcenterrightdel
 Báo tàng Đồng quê được xem như một thiết chế văn hóa

Bảo tàng Đồng quê có diện tích gần 6.000 m2, gồm 4 tầng để trưng bày. Mỗi tầng trưng bày hiện vật theo các chủ đề khác nhau.

Tầng 1 trưng bày, lưu giữ kỷ vật chiến trường của thiếu tướng Hoàng Kiền và nhiều tư liệu quý về Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tầng 2 trưng bày chính của Bảo tàng Đồng quê với chủ đề "Cây lúa với đời sống sinh hoạt của cư dân đồng bằng Bắc bộ". Các hiện vật trưng bày là nông cụ canh tác lúa từ khâu làm đất (cày, cuốc…), chăm sóc (guồng, gầu tát nước…), thu hoạch (liềm cắt lúa…), chế biến lúa gạo (cối xay, cối giã thóc, dần, sàng, ria, mẹt…) và nơi lưu trữ thóc (cót, bồ…).

leftcenterrightdel
 Những vật dụng được người Việt xưa dùng trong sinh hoạt hàng ngày

Đáng chú ý, khu vực này cũng trưng bày thêm một số hiện vật khác thể hiện công việc, ngành nghề đặc thù của cư dân vùng đất Giao Thủy như dụng cụ đánh bắt cá, dụng cụ làm muối, dụng cụ dệt chiếu cói… Đây là những hiện vật đã qua sử dụng và gắn bó với đời sống người Giao Thủy từ rất lâu đời.

Tại tầng 3, nhiều hiện vật được trưng bày, giới thiệu dưới dạng kho mở và sắp xếp theo từng nhóm chủ đề. Các hiện vật là nhóm đồ đồng (mâm đồng, thau đồng, nồi đồng…), tiền xưa (tiền xu, tiền giấy ở các thời kỳ khác nhau), đồ gốm sứ (bát, đĩa…) bộ sưu tập công cụ sản xuất và vũ khí đồng, văn hóa Đông Sơn... Đây là những công cụ vũ khí mà người Việt xưa sử dụng trong việc săn bắt.

leftcenterrightdel
 Dụng cụ người dân dùng để tăng gia, sản xuất

Ở đây cũng giới thiệu gần 10.000 hiện vật, được chia thành các bộ sưu tập khác nhau như bộ sưu tập đồ đồng với khoảng 200 mâm đồng, gần 200 nồi đồng, hơn 60 chậu thau đồng, hơn 100 sanh đồng; bộ sưu tập tiền xưa có tiền xu (1 tạ tiền xu) và tiền giấy trải qua các thời kỳ; bộ sưu tập các dụng cụ liên quan đến đời sống sinh hoạt, nghề truyền thống; bộ sưu tập nông cụ mây tre đan…

leftcenterrightdel
 Ngôi nhà của tầng lớp bần nông sinh sống

Bên cạnh đó, trong khuôn viên Bảo tàng Đồng quê có nhiều hạng mục khác như ngôi nhà của các tầng lớp trong xã hội cũ như: nhà của tầng lớp bần nông, nhà của tầng lớp trung nông và nhà địa chủ, nhà trưng bày hiện vật, nhà gác tường…

leftcenterrightdel
 Ngôi nhà tầng lớp trung nông xưa sinh sống

Nhà của tầng lớp bần nông và trung nông được đặt sát nhau. Hai ngôi nhà này đều lợp bằng mái rạ; toàn bộ hệ thống cửa ra vào, cửa sổ làm bằng gỗ nhưng nhà bần nông có 3 gian (gồm 2 gian ngoài và 1 gian buồng), tường bao đất nện, có hè không có hiên, trước ngôi nhà có gian bếp nhỏ rộng khoảng 7 m2. Nhà trung nông có 5 gian nối thông nhau, rộng và cao hơn nhà bần nông; nhà có hiên, sân gạch, cổng, bờ rào…

Đối diện nhà bần nông và trung nông, cách xa khoảng 100 m là một ngôi nhà địa chủ 5 gian, với 3 gian chính giữa hoàn toàn bằng gỗ lim, cột kèo chắc chắn; tường nhà xây gạch. Mái nhà được lợp bằng ngói mũi hài đỏ chót. Trước nhà có khoảng sân rộng, có bể chứa nước mưa và có hàng chục chiếc cối đá, trục đá tuốt lúa tuổi đời 15 - 20 năm. Trong nhà địa chủ có tủ chè, sập, trường kỷ, đồng hồ côn…, biểu hiện của sự giàu sang.

leftcenterrightdel
 Ngôi nhà khang trang, kiên cố là nơi ở của tầng lớp địa chủ

Được biết, đây là những ngôi nhà nguyên bản đã qua sử dụng, tuổi đời từ 70 - 100 năm, được bảo tàng sưu tầm đưa về dựng lại. Trong đó, nhà bần nông được sưu tầm ở xã Giao Tân, H.Giao Thủy; nhà trung nông sưu tầm ở H.Hải Hậu; nhà địa chủ sưu tầm tại xã Giao Thịnh (H.Giao Thủy). Mỗi ngôi nhà đều trưng bày những hiện vật phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân thuộc tầng lớp đó.

leftcenterrightdel
 Phía trong ngôi nhà địa chủ
leftcenterrightdel
 Trong ngôi nhà của tầng lớp bần nông

Đây là những ngôi nhà đại diện cho sự phát triển của cư dân phía nam châu thổ sông Hồng và đặc trưng của vùng đất Giao Thủy xưa.


leftcenterrightdel
 Những vật dụng sinh hoạt như nồi, niêu, chày giã gạo, nong, nia... người xưa thường dùng

Bảo tàng Đồng quê có khuôn viên rộng, không gian yên tĩnh và không khí trong lành. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, đến nay bảo tàng đã trở thành điểm tham quan, du lịch của nhiều du khách trong và ngoài nước. Trung bình, mỗi năm bảo tàng tiếp đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Thiếu tướng Hoàng Kiền là một kỹ sư quân sự, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông là một trong những tác giả tham gia Công trình phòng thủ Trường Sa được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.

Ông sinh ngày 26.9.1950 (quê quán ở làng Bình Gi, xã Giao Thịnh,H.Giao Thủy, tỉnh Nam Định).

Từng là giáo viên dạy toán nhưng nghe theo lời kêu gọi của đất nước, ông nhập ngũ tham gia kháng chiến chống Mỹ với tư cách lính công binh Trường Sơn.

Sau khi đất nước thống nhất (năm 1975), ông thi đỗ Học viện Kỹ thuật quân sự. Ra trường, kỹ sư Hoàng Kiền được điều động về công tác tại Đà Nẵng ở Trung đoàn Công binh 83, Quân chủng Hải quân (Quân đội nhân dân Việt Nam).

Tháng 10.1989, ông tốt nghiệp lớp chỉ huy tham mưu công binh tại Học viện Lục quân. Tháng 8.1990, thiếu tá Hoàng Kiền được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 83, Quân chủng Hải quân.

Ông được giao nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng các công trình trên quần đảo Trường Sa.

Giai đoạn này, ông đã tạo nên kỳ tích là đưa được hàng nghìn tấn đất từ đất liền ra xây dựng các đảo trên quần đảo Trường Sa, tạo đất màu để trồng rau xanh, và sáng kiến xây kè chắn sóng, chống xói lở và tích trữ nước ngọt cho đảo. Mỗi năm ông còn đưa hàng trăm thợ xây lành nghề ở làng của ông ra Trường Sa để xây dựng các đảo vì công việc xây dựng cần kỹ năng và tay nghề cao mà phần lớn các binh sĩ nghĩa vụ trên đảo không đáp ứng được.

Năm 2007, ông được giao làm chủ đầu tư Ban Quản lý Dự án Đường tuần tra biên giới (Ban Quản lý Dự án 47, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam). Con đường này viền bao quanh bản đồ Việt Nam từ Móng Cái đến Hà Tiên. Ông làm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đường tuần tra Biên giới từ năm 2007 cho đến năm 2014 ông nghỉ hưu.

Theo Thanh niên