Nếu lịch sử Việt Nam được dựng nên từ các cuộc chiến tranh bảo vệ vững chắc bờ cõi Tổ quốc thì đó cũng là lịch sử về sự hy sinh vô bờ bến của hàng triệu bà mẹ Việt Nam đã âm thầm tiễn chồng, con ra trận.
Dòng lịch sử đó được viết nên bởi nỗi đau và sự mất mát, nhưng cũng là những khúc ca bi tráng, là bản trường ca bất tử đầy kiêu hãnh của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Những người Mẹ mang hình hài đất nước
Không phải ngẫu nhiên mà văn hóa ở mọi các quốc gia trên thế giới đều tôn vinh người mẹ như một biểu tượng của lòng vị tha, yêu thương che chở và đức hy sinh vô bờ bến, đặc biệt là trong quan hệ gia đình.
Ở Việt Nam, tình mẫu tử lại càng mang đậm nghĩa nặng ơn sâu, thể hiện qua tục thờ Ðạo Mẫu- một trong những tín ngưỡng dân gian cổ xưa nhất xuất phát từ tín ngưỡng thờ nữ thần trong xã hội mẫu hệ, một bản sắc văn hóa của người Việt cho đến ngày nay.
Riêng với Việt Nam, đất nước được định hình từ những cuộc chiến dựng nước, giữ nước qua hàng ngàn năm, người phụ nữ còn là biểu tượng của sự kiên trung, bất khuất.
Từ quá khứ đến hiện đại, bất cứ khi nào đất nước bị xâm lăng, hình ảnh những người mẹ Việt Nam lại càng lung linh tỏa sáng, không chỉ là người giữ lửa cho mái ấm gia đình, mà còn là ánh sáng soi đường cho các thế hệ vững bước dấn thân vì non sông.
Trong chiến tranh, vai trò của những người mẹ Việt Nam đã vượt xa khái niệm "hậu phương." Họ "chiến đấu" trên mặt trận không tiếng súng với con trâu cái cày, nhịn ăn, nhịn mặc, lao động không mệt mỏi để làm ra các nhu yếu phẩm tiếp tế cho chiến trường.
Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phong trào "Ba đảm đang" ra đời năm 1965 đã thể hiện rõ nét những đóng góp to lớn của phụ nữ trong sản xuất, chiến đấu và xây dựng cuộc sống ở hậu phương.
Phong trào thu hút hàng triệu phụ nữ từ mọi miền đất nước hăng hái tham gia. Họ không chỉ đảm bảo hậu cần cho quân đội mà còn trực tiếp tham gia vào các hoạt động chiến đấu.
Trong 18 chiến dịch lớn của cả nước trong kháng chiến chống thực dân Pháp, phụ nữ đã đóng góp khoảng 9.578.000 ngày công lao động trên mọi hoạt động, như: vận chuyển lương thực, đạn dược, làm hầm hào, sửa chữa chữa cầu đường… Trong đó, đội nữ du kích Hoàng Ngân từ tỉnh Hưng Yên là một điển hình với 7.365 chị em tham gia, cùng quân dân tỉnh Hưng Yên đánh hơn 1.000 trận và lập nhiều chiến công lẫy lừng.
Giọt nước mắt hóa dòng máu anh hùng
Có lẽ không ở đâu trên thế giới này, người mẹ chịu nhiều hy sinh mất mát nhất như những người mẹ Việt Nam, nhưng đó là sự hy sinh vì tồn vong của dân tộc, sự hy sinh mang lại sức sống bất diệt cho Tổ quốc.
Họ là những người mẹ, người vợ sống cuộc đời giản dị ở mọi miền Tổ quốc, khi Tổ quốc lâm nguy đã không do dự mà gửi đi những người con ưu tú nhất của mình. Không chỉ một đứa con, mà đôi khi là cả gia đình.
Những người mẹ Việt Nam mảnh mai, gầy gò lại mang một nghị lực phi thường, một sức sống mãnh liệt không gì có thể khuất phục. Họ là hậu phương vững chắc với tình yêu vô bờ bến.
Với tinh thần bất khuất và niềm tin không gì lay chuyển được, họ không chỉ nuôi dưỡng cả đội quân, mà còn là động lực tinh thần thắp lên ý chí chiến đấu cho đội quân ấy, trong đó có cả chồng, con của mình.
Là người Việt Nam, có lẽ ai cũng từng nghe đến mẹ Nguyễn Thị Thứ ở xã Điện Thắng Trung, tỉnh Quảng Nam. Trong cuộc đời mình, mẹ Thứ đã mất 9 người con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại, tất cả đều hy sinh cho đất nước.
Thật khó để hình dung nỗi đau mà mẹ phải gánh chịu khi nhận từng lá thư báo tử của các con gửi về. Nhưng cũng như những giọt nước mắt đã khô cạn, mẹ lặng lẽ giấu nỗi đau vào tâm can để tiếp tục hoạt động, vừa bám làng sản xuất, vừa đào hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng với một ý chí kiên định: nếu còn chiến tranh, các con tôi, rồi cháu tôi vẫn sẽ tiếp tục ra trận để giành độc lập, tự do.
Ở trên khắp dải đất hình chữ S này, còn rất nhiều, rất nhiều những người mẹ anh hùng thầm lặng như mẹ Thứ, đó là mẹ Phạm Thị Ngư ở Bình Thuận đã mất 8 người con; là gia đình mẹ Lê Thị Hẹ ở Quảng Trị có tới 17 người là liệt sỹ.
Sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sỹ trong kháng chiến to lớn bao nhiêu, thì những nỗi đau và hy sinh thầm lặng của những người mẹ ở hậu phương cũng lớn lao bội phần, như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Con đi trăm núi ngàn khe,
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm.
Con đi đánh giặc mười năm,
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.”
Sự hy sinh cao cả ẩn chứa lòng quả cảm phi thường của các mẹ đã hóa thân thành suối nguồn bao la, thành linh hồn đất nước, là những ngọn lửa bất diệt rọi sáng mọi góc tối của cuộc chiến tranh và soi đường cho các thế hệ mai sau.
Dòng chảy bất diệt của tình yêu và hòa bình
Chiến tranh đi qua, hòa bình lập lại, những bài học và giá trị mà các bà mẹ anh hùng để lại vẫn mãi là ngọn hải đăng soi đường cho thế hệ mai sau. Sự kiên trung, lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của các Mẹ không chỉ là niềm tự hào mà còn là di sản vô giá, giúp dân tộc đứng vững trước mọi thử thách.
Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh mẹ Việt Nam lại đồng nghĩa với hai từ Tổ quốc. Những câu chuyện về Mẹ đã dạy chúng ta bài học lớn lao rằng: sự tự do không phải là điều sẵn có mà phải đổi bằng máu, nước mắt và cả những cuộc đời lặng lẽ hiến dâng.
Tấm gương về Mẹ không chỉ khơi dậy lòng tự hào, mà còn nhắc nhở chúng ta về giá trị của hòa bình, sự đoàn kết và trách nhiệm đối với lịch sử.
Trong những năm qua, nhân dân cả nước đã có nhiều hoạt động thiết thực bằng tất cả tấm lòng tôn kính “đền ơn đáp nghĩa,” phần nào xoa dịu nỗi đau và đền đáp công ơn to lớn của Mẹ Việt Nam.
Từ năm 1994 đến năm 2024, Nhà nước đã phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho gần 140.000 mẹ ở mọi miền Tổ quốc. Hiện nay, hơn 4.800 mẹ còn sống vẫn được các cơ quan, tổ chức và gia đình chăm sóc, phụng dưỡng chu toàn.
Tượng đài mẹ Thứ tại Quảng Nam là công trình điêu khắc lớn nhất Đông Nam Á, khắc họa dáng mẹ giang tay ôm lấy non sông, như cách mà những người mẹ Việt Nam đã ôm lấy dân tộc trong lòng mình.
Đó là biểu tượng lòng biết ơn sâu sắc của cả dân tộc với sự hy sinh của những người mẹ anh hùng, đồng thời nhắc nhở thế hệ trẻ nhớ về quá khứ, không bao giờ được phép lãng quên sự hy sinh của Mẹ.
Tinh thần “không khuất phục, không đầu hàng” của Mẹ cũng đã và đang truyền cảm hứng cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam hôm nay. Từ những bà mẹ tảo tần nuôi con ăn học, đến các nhà khoa học, doanh nhân nữ thành đạt, họ đều là minh chứng cho sức mạnh bền bỉ, kiên cường của người phụ nữ Việt Nam.
Những người mẹ đã sống cả đời không vì mình mà vì những giá trị cao cả hơn, đó là những người Mẹ mang hình hài đất nước. Trái tim yêu thương của Mẹ đã thắp sáng cả một dân tộc, là ngọn hải đăng soi đường cho thế hệ mai sau.
Sự kiên trung, lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của Mẹ không chỉ là niềm tự hào mà còn là di sản vô giá, giúp dân tộc Việt Nam đứng vững trước mọi thử thách và không ngừng vươn lên trong kỷ nguyên mới./.