Từ nơi khởi đầu của Phật giáo Việt
Mộc bản chùa Dâu trở thành bảo vật quốc gia cũng là khi một lần nữa vị thế của ngôi chùa trong lịch sử văn hóa VN được ghi nhận. Trước đó, chùa được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt năm 2013, bộ tượng Phật Tứ pháp vùng Dâu được công nhận bảo vật quốc gia năm 2017.
Ngôi chùa này đã được các triều đại xây dựng, rồi tiếp tục trùng tu mở rộng với quy mô lớn. Vào thời Trần, theo hồ sơ bảo vật, chùa được Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi cho xây dựng với quy mô "chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp".
Từ khi được khởi dựng vào thế kỷ 2 theo truyền thuyết và thư tịch cổ, chùa Dâu (TX.Thuận Thành, Bắc Ninh) đã được ghi nhận như tinh hoa của sự dung hội giữa Phật giáo Ấn Độ với tín ngưỡng bản địa thờ các lực lượng tự nhiên của người Việt cổ. Sau đó, chùa là nơi trụ trì, truyền đạo, kho tàng kinh kệ của nhiều thiền sư nổi tiếng. Từ trung tâm chùa Dâu, Phật giáo đã lan tỏa đi các vùng miền khác. Đặc biệt, đây còn là nơi khắc in và lưu trữ nguồn thư tịch cổ VN phong phú.
Bộ mộc bản chùa Dâu hiện còn bảo lưu được 107 tấm mộc bản. Trong đó có 92 ván được khắc 2 mặt và 15 ván khắc 1 mặt. Tổng số mặt ván thuộc bộ mộc bản chùa Dâu hiện là 199 mặt ván. Nội dung các văn bản khắc in trên mộc bản chùa Dâu ngoài các bộ kinh về giáo lý nhà Phật như: Mục Liên, Nhân quả quốc ngữ, Âm chất giải âm, Tam giáo còn có các nội dung liên quan Tứ pháp, các nghi thức cầu mưa, cầu tạnh, ghi danh công đức.
Theo hồ sơ Cục Di sản văn hóa, mộc bản chùa Dâu được chế tác theo quy trình truyền thống của VN: chọn văn bản khắc in, chuẩn bị vật liệu (ván, giấy, mực in), khắc ván. Mỗi công đoạn cụ thể được phân việc cho từng người từ người viết chữ, thợ khắc ván. Ví dụ: bộ ván Cổ Châu nghi do một người họ Nguyễn ở xã Kiêu Kỵ viết chữ Hán, hiệp thợ Hồng Lục khắc chữ. Cũng bộ ván này cho biết nhà sư Thích Quảng Điều là người biên tập lại văn bản "dựa theo khoa nghi cũ mà sửa chép lại".
Ván, giấy, mực in cũng được lựa chọn theo tiêu chí có sức chịu đựng bền, hút mực tốt và nhả mực (độ hút mực và độ nhả mực là cân bằng nhau). Chính vì thế, xưa kia nhà chùa thường chọn loại gỗ thị, phải là gỗ thị già để không bị co ngót nhiều. Loại gỗ này sau khi được xử lý thì trở nên ít cong vênh, ít mối mọt, chịu nước, chịu ẩm, trọng lượng nhẹ dễ dàng cho việc vận chuyển, lưu trữ. Để chống cong vênh, người xưa đã cho xẻ một đường dọc theo đầu ván (chiều ngang ván), sâu vào khoảng 2 - 2,5 cm rồi găm cật tre già vào đó. Biện pháp chống cong vênh này rất hữu hiệu, đã trở thành truyền thống độc đáo trong kỹ thuật mộc bản VN.
Những giá trị độc đáo
Khi công nghệ in ấn phương Tây chưa ra đời thì phương pháp in ấn bằng mộc bản được sử dụng như một phương tiện chính thức để in ấn, phát hành các tài liệu ở khu vực Đông Á, trong đó có VN. Mộc bản chùa Dâu là trường hợp như vậy. Mỗi tác phẩm là một công trình nghệ thuật điêu khắc thể hiện giá trị thẩm mỹ của người xưa.
Theo đó, mộc bản chùa Dâu có bản là kết hợp hài hòa giữa đồ hình minh họa và văn tự theo dạng trên hình dưới chữ, hay một trang chữ một hình. Hình thức này giúp người đọc, người xem dễ hiểu dễ nhớ nội dung tác phẩm. Các bức đồ hình được chạm khắc một cách tỉ mỉ, trau chuốt, sống động. Tác phẩm Mục Liên mỗi mặt có khắc hình đồ minh họa được bố trí theo kiểu trên hình dưới chữ, mỗi mặt ván có 25 dòng văn tự diễn tả nội dung bức tranh phía trên. Tác phẩm Nhân quả quốc ngữ, một trang là tranh đức Phật Thích Ca ngồi trên đài sen tay cầm hoa sen, phía dưới là An Nan Tôn Giả quỳ nghe thuyết pháp.
Hồ sơ bảo vật cho biết mộc bản chùa Dâu còn có những tác phẩm mang đặc trưng của chùa là các nghi thức lập đàn tràng, cách dâng sớ các ban bách thần, ngũ phương long mạch, các bài cúng cầu mưa, cầu tạnh như: Thỉnh Long Vương nghi, Kỳ vũ kinh, Kỳ vũ hồng ân công văn. Chùa Dâu và hệ thống Phật Tứ pháp từ lâu đã gắn liền với ước vọng mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp.
Bộ mộc bản chùa Dâu đặc biệt là tác phẩm Cổ Châu hạnh, Cổ Châu lục còn là tư liệu quý để nghiên cứu lịch sử Phật giáo VN thông qua sự tích Phật mẫu Man Nương cùng các vị Phật hệ Tứ pháp. Hai tác phẩm này cho thấy Phật giáo VN có ảnh hưởng các yếu tố văn hóa đầy tính ma thuật của dòng đạo Bà La Môn từ Tây Trúc. Bốn vị thần mây mưa sấm chớp được hóa thành 4 vị Phật: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Vua chúa và quan lại các triều đại sau cũng đều hướng về chùa Dâu, tỏ lòng sùng kính chư Phật Tứ pháp. Như vậy, con đường du nhập và quá trình tiếp nhận đạo Phật của nước ta có sự sàng lọc, hòa quyện một cách nhuần nhuyễn với những yếu tố văn hóa nội sinh.
Mộc bản chùa Dâu còn có giá trị tư liệu và ngôn ngữ. Sách Cổ Châu lục được người Pháp sưu tầm từ đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên phải đến những năm cuối thập niên 1980, bộ ba ván khắc chùa Dâu mới được giới học thuật biết đến, trở thành nhóm tài liệu độc đáo, được giới học thuật trong nước và quốc tế sử dụng trong nghiên cứu khoa học. Tác phẩm Cổ Châu lục trong bộ mộc bản là văn bản cổ từ xưa truyền lại, được khắc in nguyên văn chữ Hán, kèm theo lời diễn ra chữ Nôm. Nhà Việt Nam học nổi tiếng của thế giới, GS Keith Taylor (Đại học Cornell, Mỹ) đã có sách trong đó phân tích Cổ Châu lục như là một tác phẩm tiêu biểu cho phiên dịch từ Hán sang Nôm trong lịch sử phiên dịch VN.
Theo Thanh niên