Là người miền Trung, với tôi, chuyện bão lũ không còn xa lạ. Mỗi năm vài lần: lụt vào thì dọn, nước rút thì làm lại từ đầu.
Người dân quê tôi, ai cũng thuộc nằm lòng câu: “Ông tha bà không tha, thêm cái lụt Hai ba tháng Mười”. Qua được ngày này mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
Người miền Trung đã quen với bão lũ nên luôn bình tĩnh đối mặt. Nước lên thì cắm cái cây làm dấu, coi nước lên nhanh hay chậm để mà dọn đồ.
Chỉ có người già và con nít mới phải di chuyển lên nhà cao hơn, còn lại người trẻ và heo, gà, chó… đều trú ngụ chung trong nhà. Khi nào nước dâng quá cao thì những người khỏe mạnh cuối cùng mới bơi đi.
Ở Bình Định, nhiều người vẫn còn ám ảnh về cơn bão Agnes năm 1984, nhưng tôi thì nhớ nhất cơn bão Cecil năm 1989. Bão tràn qua, rồi lụt ập tới - trận lụt mà má tôi đã nói, nếu nước dâng lên vào ban đêm, gia đình tôi có lẽ đã không còn.
Khi ấy, nhà chỉ còn lại má, tôi và 2 người anh chị họ. Nước cứ lừng lững dâng, ngập giường, ngập bàn, ngập lên nửa vách đất, rồi chạm đến cả cái gác trên cao. Dỡ mái nhà nhìn ra, nước cuồn cuộn đổ về, hung hãn và lạnh buốt.
Nước cứ dâng, mưa không ngừng. Má nhìn trời, nhìn mưa rồi quyết định phải bơi đi. Cả nhà trút nước dự trữ từ trong các can ra, vặn nắp lại rồi cột can rỗng vô người, bám lấy tán cây trong vườn mà bơi đi. Những cái cây trong các khu vườn đã cứu chúng tôi khỏi dòng nước cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về.
Ngày xưa, dù thiên nhiên hung bạo đến đâu thì đất trời vẫn luôn chừa lại cho con người một con đường sống, như một quy luật sinh tồn tự nhiên. Lụt lớn cỡ nào nước vẫn dâng từ từ, theo quy luật. Hầu hết các trận lụt, nước lên vào ban đêm.
Riêng trận lụt kinh hoàng ngày ấy nước lại lên vào ban ngày, nên cả nhà tôi mới có thể bơi đi và sống sót.
Ngày xưa, chúng tôi không được dự báo trước như bây giờ. Bà con chỉ nhìn trời, nhìn mưa, nhìn sinh vật cỏ cây mà đoán bão lụt lớn hay nhỏ.
Còn bây giờ, phương tiện dự báo hiện đại hơn, nhưng thiệt hại về người và của lại không thể nào đo đếm được. Siêu bão Yagi được dự báo từ rất sớm về sức tàn phá, nhưng số người chết và mất tích vẫn đang tăng lên.
Bão qua đi, nước vẫn cuồn cuộn nhấn chìm cả vùng núi như Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai… Rồi người Hà Nội lại cuống cuồng chạy lũ giữa đêm khuya khi nước sông Hồng dâng cao đột ngột.
Làm sao có thể kịp bơi đi như gia đình chúng tôi ngày xưa, khi bây giờ, thiên nhiên không còn là thứ duy nhất ta phải đối diện. Rừng mất, thiên nhiên cuồng nộ, thủy điện xả lũ, họa chồng họa, con người biết bơi đi đâu?
Đôi khi, chúng ta không sợ đối diện với thiên nhiên, nhưng lại sợ chính con người với những quyết định gây tổn hại cho nhau. Thiên nhiên luôn cho con người một con đường sống, nhưng liệu chúng ta có biết hòa hợp với thiên nhiên, để lại con đường sống cho nhau?
Theo phụ nữ TPHCM