Chợ phiên trên “Cao nguyên trắng”
Thiếu nữ vùng cao tại chợ phiên.

Chợ văn hóa Bắc Hà nằm ngay trung tâm thị trấn, là nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa của đồng bào nơi đây. Chủ nhật hằng tuần, từ khắp các thôn, bản, bà con lại về thị trấn Bắc Hà họp chợ. Vào ngày chợ phiên, từ trên cao nhìn xuống, Bắc Hà như một vườn hoa di động rực rỡ sắc màu của váy áo phụ nữ các dân tộc thiểu số.

Chợ phiên trên “Cao nguyên trắng”
Du khách giao lưu với người dân bản địa.

Trước đây, chợ phiên Bắc Hà họp trên một quả đồi thoai thoải, sau này chợ được xây mới trên nền bê tông và chia thành từng khu bán hàng, như khu bán gia súc, gia cầm, đồ tạp hóa, thổ cẩm, trang sức…

Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Hà cho biết: Huyện chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc để Bắc Hà nói chung và chợ phiên Bắc Hà nói riêng luôn là điểm đến hấp dẫn du khách.

Chợ phiên trên “Cao nguyên trắng”
Những gian hàng thổ cẩm bắt mắt.

Đến chợ phiên Bắc Hà, du khách không đơn thuần chỉ để mua những món đồ lưu niệm, mà còn được giao lưu với bà con bản địa, hòa mình vào những nét tinh túy, đặc sắc riêng có của văn hóa nơi đây. Đã đặt chân đến chợ phiên, du khách khó có thể bỏ qua những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc như thắng cố, phở chua, bánh đúc ngô, bánh chưng đen… Trong bảng lảng sương giăng của “Cao nguyên trắng”, những chảo thắng cố nóng hổi, những hàng phở bốc khói nghi ngút khiến du khách không thể bỏ qua. Tiết trời se lạnh, cùng nhau nhâm nhi chén rượu ngô bên chảo thắng cố khiến lòng người trở nên ấm áp.

 
Chợ phiên trên “Cao nguyên trắng”
Sản vật địa phương được bày bán tại chợ.

Dạo quanh chợ phiên, du khách sẽ bắt gặp các quầy hàng trưng bày sản phẩm rượu ngô Bản Phố, chè Bản Liền, tương ớt Bắc Hà - những sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Chợ phiên Bắc Hà còn khiến du khách say đắm bởi những gian hàng thổ cẩm với những bộ trang phục, phụ kiện đi kèm do chính người dân nơi đây thêu, dệt thủ công. Vào mỗi tối thứ Bảy, du khách còn được trải nghiệm chợ đêm Bắc Hà, thưởng thức các làn điệu dân ca, dân vũ cổ truyền của đồng bào Mông, Tày, để rồi khi chia tay còn lưu luyến mãi.

Theo Báo Lào Cai