Tôi chỉ muốn kể về những trải nghiệm rất đỗi bình dị của mình trong lần đầu tới Cô Tô, để những ai chưa từng một lần ghé qua đều có thể cảm nhận vẻ đẹp từ sự chân thực và đời thường ấy.
Ai đó đã nói rằng, lý do để yêu một vùng đất chưa hẳn bởi thiên nhiên hấp dẫn, chưa hẳn bởi ẩm thực hay những nét văn hóa đặc sắc mà xuất phát điểm từ chính con người. “Người là hoa của đất”, là những gì tinh túy nhất kết tụ qua thời gian mà một vùng đất “ươm trồng” được.
Với tôi, Cô Tô mang đến dư âm thật sâu sắc dù đây chỉ là hòn đảo nhỏ nằm giữa biển khơi, khiêm nhường bên cạnh những cái tên nổi tiếng của vùng đất Quảng Ninh như Vịnh Hạ Long, đảo Quan Lạn hay Bãi Cháy…
Đến Cô Tô như trở về nhà
Hai năm trước, tôi đặt chân tới đảo Cô Tô vào một ngày cuối tháng 5 đầy nắng. Cô Tô đang vào mùa du lịch, nên lượng khách khá đông. Hơn một giờ ngồi trên tàu cao tốc ra đảo, Cô Tô đón khách trong khung cảnh nhộn nhịp dù mới chỉ vào đầu sáng.
Như đã hẹn trước, anh Lợi - chủ một nhà nghỉ homestay trên đảo - vẫy vẫy chúng tôi ngay tại cầu cảng, nhanh chóng bàn giao chìa khóa xe máy và đưa chúng tôi về nhà.
Không giống như các bức hình về một khu homestay đẹp lung linh và đầy đủ tiện nghi nào đó trên báo, homestay chúng tôi chọn cũng đầy đủ tiện nghi, nhưng chính xác là một ngôi nhà xây một tầng bình dị để gia chủ ở và được tận dụng làm du lịch khi vào mùa. Ngôi nhà cách trung tâm thị trấn khoảng một cây số, nằm giữa ngôi làng nhỏ với cánh đồng xanh mướt bao quanh, không gian yên tĩnh và tách biệt hẳn với các điểm tham quan ồn ào bên ngoài.
“Các em toàn quyền sử dụng mọi đồ đạc nhé! Muốn đi chơi hay thuê thuyền ra đảo bé thì cứ bảo anh, anh chỉ đường và đặt thuyền giá rẻ cho. Nếu muốn ăn ngon thì mua đồ về anh nấu. Tiền thuê nhà anh lấy 50.000 đồng/người thôi. Các em ở hai ngày, nhưng anh chỉ tính tiền một ngày vì hôm sau cũng chưa có khách”. Anh Lợi dặn dò chúng tôi trước khi phóng xe máy đi làm.
Cũng như gần 500 hộ dân đang tham gia hoạt động du lịch trên đảo Cô Tô, anh Lợi là giáo viên, cho thuê nhà làm homestay chỉ là công việc thời vụ trong mùa du lịch để tăng thêm thu nhập. Anh cho biết, lượng khách năm nay (năm 2016) tăng khoảng 60 lần so với 6 năm trước. Doanh thu từ du lịch rất khá nên nhiều bạn bè anh cũng đang áp dụng mô hình này. Bên cạnh đó, các cơ sở làm du lịch homestay còn được chính quyền khuyến khích phát triển và coi đó như nét riêng biệt hấp dẫn của đảo.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn cảm thấy may mắn vì những sự tình cờ thú vị trong chuyến đi đó. Tình cờ chúng tôi không đặt được phòng tại một khu nghỉ dưỡng. Tình cờ tôi đọc được bài viết về ngôi nhà của anh trên một diễn đàn du lịch. Cũng rất tình cờ, tôi chủ động liên lạc với mục đích tham khảo, nhưng lại hoàn toàn bị thuyết phục trước sự nhiệt tình của người chủ nhà này.
Chúng tôi đã có 2 ngày sinh hoạt như người dân trên đảo dưới sự hỗ trợ của anh Lợi. Anh chỉ cho chúng tôi những chỗ ăn ngon, hướng dẫn đường tới điểm tham quan, đặt giúp thuyền và mua hộ hải sản tươi ngon mang về làm quà. Trong bữa cơm liên hoan trước lúc mọi người rời đảo, anh còn tặng những vị khách một đĩa nộm sứa rất ngon như món quà thay lời chào tạm biệt…
Trải nghiệm chợ hải sản
Khi ghé thăm bất cứ nơi đâu, tôi cũng rất thích dành thời gian đi chợ, bởi chợ là nơi phản ánh rõ nét và đầy đủ nhất hình ảnh của vùng đất đó. Sau 2 ngày rong ruổi trên “con ngựa sắt” lang thang khắp các điểm du lịch trên đảo, sáng sớm ngày thứ 3, chúng tôi quyết định dành thời gian để đi chợ.
Ngay từ tối hôm trước, anh Lợi dặn chúng tôi: “Chợ họp từ 5h sáng. Các em muốn mua được hải sản tươi ngon thì phải tới lúc thuyền đánh bắt vừa cập cảng”. Nếu như các phiên chợ vùng cao gây ấn tượng bởi bầu không khí trong lành, con người đến sản vật đều rất đỗi mộc mạc, thì ngược lại, các khu chợ miền biển luôn ồn ào và tấp nập.
Tương tự các khu chợ vùng biển khác, chợ hải sản Cô Tô dĩ nhiên bày bán mặt hàng chủ yếu là hải sản khai thác ở vùng biển Cô Tô. Nhưng dù hàng hóa có giống nhau thì tôi luôn tin rằng, cảm giác mà mỗi nơi mang lại sẽ hoàn toàn khác.
Chợ chạy dọc theo con đường nhựa sát bến tàu, nhỏ và đông giống như các khu chợ thị trấn truyền thống vậy. Chợ chủ yếu dành cho khách lẻ, khách du lịch và người dân trên đảo. Ở đó, mực ống, ốc hương, tu hài, bề bề, cùng nhiều loại hải sản khác được bày la liệt trên những chiếc khay nhựa rực rỡ màu sắc. Hầu hết đều là hải sản sống, tươi ngon và có giá mềm hơn so với các vùng lân cận. Chị Nga - chủ gian hàng hải sản tại chợ đảo Cô Tô - cho biết, giá hải sản không cố định mà thường lên xuống theo ngày.
Có lẽ với những người ít đi chợ hải sản như tôi, thì cảm giác ngay từ khi bước chân tới đây sẽ là sự ngạc nhiên xen lẫn thích thú.
Ngạc nhiên bởi lẽ một khu chợ hải sản bình dị cũng có thể trở nên rực rỡ và sống động đến vậy. Còn thích thú vì dù ồn ào nhưng tuyệt nhiên không hề có tiếng cãi cọ hay đôi co giữa người bán - kẻ mua. Dù chỉ là khách vãng lai, nhưng đi từ đầu chợ tới cuối chợ, chúng tôi có thể thoải mái xem hàng, khảo giá và lựa chọn mà vẫn được người bán tư vấn nhiệt tình.
Sau hơn một giờ lang thang khám phá chợ đảo, tôi đã “gói ghém” thêm nhiều kỷ niệm đáng nhớ về Cô Tô. Những trải nghiệm bình dị này đã được tôi chia sẻ trên Facebook cá nhân như một kinh nghiệm nhỏ cho những ai đang có ý định tới hòn đảo xinh đẹp này tham khảo…
Hai năm trôi qua, kể từ chuyến đi đầu tiên ấy, tôi chuẩn bị trở lại Cô Tô lần hai với những người bạn mới theo lời mời của anh Lợi. Anh Lợi - chủ nhà nghỉ homestay ngày nào, giờ đã là chủ của một tổ hợp homestay khang trang, hiện đại. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc giống như những người bạn. Sau vài ba câu chuyện phiếm, anh Lợi vẫn kể cho tôi nghe về Cô Tô, về căn nhà một tầng dùng làm homestay nay đã thay thế bằng khu nhà “chuẩn trend” gần bãi biển Hồng Vàn.
Còn sự tình cờ nào sẽ đợi tôi vào những ngày cuối tháng 5 đầy nắng không?
Cô Tô ơi! Tôi sẽ đến nhanh thôi trong những ngày cuối tháng 5 này.
Theo Lao động