Đình làng Tri Chỉ, quê hương của Cung phi Nguyễn Thị Kể

 

Bà tên là Nguyễn Thị Kể, sống dưới thời Lê - Trịnh, người làng Tri Chỉ, xã Đồng Cương, huyện An Lạc, trấn Sơn Tây (nay thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc).

Bà là người phụ nữ xinh đẹp, một đào nương nổi tiếng trong chốn giáo phường. Đương thời, các chúa Trịnh rất mê hát xướng, hễ nghe nơi nào có đào giỏi kép tài là đều cho triệu về kinh thành biểu diễn. Một năm nhân lễ mừng sinh nhật Minh Đô vương Trịnh Doanh, bà được đưa vào biểu diễn trong vương phủ, chúa rất ưng nên cho giữ lại làm thị nội cung tần.

Bà tinh thông âm luật, đàn giỏi hát hay, duyên dáng khéo léo nên chúa rất yêu, thường chiều ý bà.

Năm 1741 đời vua Lê Cảnh Hưng, hậu duệ nhà Mạc được sự hỗ trợ của quan quân Quảng Tây, Trung Quốc nổi lên đánh phá vùng Cao Bằng, Thái Nguyên. Triều đình sai quan quân đi đánh dẹp, bắt được hơn 600 người giải về kinh. Chúa Trịnh Doanh sai xử chém toàn bộ. Bà nghe thấy trong lòng bất nhẫn, nghĩ rằng phần lớn những người đó đều là dân nghèo bị ép buộc, nếu xử chém tất cả thì rất oan uổng nên vào gặp chúa dập đầu phân tích mọi lý lẽ xin tha chết cho họ, chỉ trừng phạt những kẻ chủ mưu, chúa nghe theo nên gần 600 người nhờ bà mà thoát chết.

Thời chúa Trịnh Giang cầm quyền, chúa dâm loạn tàn bạo, áp đặt thuế cao hình nặng khiến khắp nơi dân chúng nổi lên chống đối. Ở Hải Dương có quân Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ; ở Quảng Yên có Nguyễn Hữu Cầu; ở Thái Nguyên có Nguyễn Danh Phương. Triều đình quanh năm phải lo đánh dẹp.

Năm 1751, quân Nguyễn Hữu Cầu và Nguyễn Danh Phương bị quân triều đình đánh tan, cả nhà đều bị bắt sống đóng cũi giải về kinh hành hình. Để trấn áp nhân dân, Trịnh Doanh sai triệt hạ làng Lôi Động (huyện Thanh Hà, trấn Hải Dương) quê Nguyễn Hữu Cầu và làng Lập Thạch (huyện An Lạc, trấn Sơn Tây) quê Nguyễn Danh Phương giết hết thân thích của họ và những người đi theo nghĩa quân.

2.jpg
Huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc quê hương của cung phi Nguyễn Thị Kể.

 

Làng Đồng Cương quê bà Nguyễn Thị Kể và làng Lập Thạch vốn cùng một huyện, được tin giữ dân làng bàn nhau cử người về kinh tìm cách gặp bà xin cứu giúp. Bà Kể nghe chuyện cũng bàng hoàng, nghĩ ngợi rất lâu rồi thừa lúc chúa đang vui vẻ lựa lời với chúa rằng: ‘Thiếp nghe nói triều đình sắp đưa quân đến triệt hạ hai làng Lôi Động và Lập Thạch, trộm nghĩ việc đó rất không nên. Uy Nam vương (Trịnh Giang) thất chính nên giặc giã nổi lên, nhân dân khổ ải. Từ khi chúa thượng lên cầm quyền đã hết sức từ bỏ tệ đoan mà nguyên khí vẫn chưa hồi phục, thiên tai dịch bệnh mất mùa liên miên, đó chẳng phải là trời giáng tai để bảo trước, tưởng chúa thượng nên lấy đó làm răn. Nhờ hồng phúc xã tắc, giặc mạnh mới trừ xong, trăm họ vừa được yên vui. Hai làng Lôi Động và Lập Thạch vốn trung thành với triều đình, vì ta không giữ được để giặc chiếm lấy, dân bất đắc dĩ phải theo, thế là lỗi tại ta đâu phải tại họ. Nay bỗng chốc triệt hạ 2 làng, bắt giết hàng trăm lương dân như vậy chẳng phải là triều đình kết thù oán với dân sao, xin chúa thượng nghĩ lại’. Trịnh Doanh nghe những lời có tình có lý của bà sực nghĩ ra, sai thu hồi ngay mệnh lệnh đã ban.

Dân làng Lập Thạch được tin vui mừng khôn xiết, sắm lễ vật trọng hậu đưa sang từ đường họ Nguyễn ở làng Đồng Cương tạ ơn cung phi Nguyễn Thị Kể. Từ đó thành lệ, xuân thu nhị kỳ, làng Lập Thạch đều cử người đưa lễ vật sang làm lễ ở từ đường họ Nguyễn.

Nguyễn Thị Kể sống trong cung hơn 20 năm nhưng không có con. Năm 1767, chúa Trịnh Doanh mất, đoạn tang xong bà xin về quê sống lúc tuổi già. Ở quê với chút vốn liếng dành dụm được, bà mua 9 mẫu ruộng cho dân làng làm học điền để khuyến học, lại mua 3 mẫu khác làm lão điền giúp những người già yếu neo đơn.

Làng Đồng Cương mỗi lần nộp thuế, dân làng phải gánh thóc lên trấn thành Sơn Tây để nộp, đường rất xa, thường phải nghĩ giữa chừng tại làng Nãi Tử. Bà bèn cho xây một trạm nghỉ tại đó, mua 8 mẫu ruộng giao cho dân làng cày cấy lấy hoa lợi để cung ứng cho cái ăn chỗ nghỉ cho dân làng Đồng Cương gánh thóc nộp thuế hàng năm.

Bà sống trọn tình vẹn nghĩa với dân làng nên khi bà mất, cả làng đều đau xót như người nhà mình qua đời. Để nhớ ơn bà, dân làng đưa bà vào thờ hậu trong chùa, lại lập đền thờ bà, gọi là đền Bà Hậu Nguyễn phi.

Phụ nữ Việt Nam