"Kho báu" giữa rừng già
Cánh rừng đỗ quyên nằm trên đỉnh núi Arung thuộc địa phận xã Lăng và xã Tr'Hy (H.Tây Giang, Quảng Nam) được phát hiện vào giữa năm 2016, nên có thể vẫn là một cái tên mới lạ đối với nhiều người. Tổng diện tích khu rừng khoảng 100 ha, nằm ở độ cao hơn 2.000 m so với mực nước biển. Sự xuất hiện của loài đỗ quyên, vốn là "đặc sản" của Sa Pa (Lào Cai) hay Đà Lạt (Lâm Đồng), giữa cánh rừng nguyên sinh này là một bất ngờ lớn. Trước thời điểm năm 2016, ngay cả người dân bản địa cũng chưa có cơ hội đặt chân đến đây.
|
|
Những gốc cây đỗ quyên phủ rêu, tô thêm vẻ huyền bí |
Cây đỗ quyên mọc tự nhiên rất đa dạng về kích cỡ, bám vào vách đá cheo leo, nhiều cây có đường kính 30 cm, cao 5 - 10 m. Với nhiệt độ khu rừng khoảng 15 độ C, toàn bộ cây ở đây phủ lớp rêu dày vừa kỳ bí vừa mang vẻ đẹp hoang sơ. Khu rừng đặc biệt với 435 gốc đỗ quyên, độ tuổi hàng trăm năm được công nhận Cây di sản VN vào tháng 8.2018.
Trong trí nhớ của già làng Cơlâu Nhấp ở xã Lăng, trước đây khi vào rừng săn thú, dân làng ai cũng kiêng dè, không dám bén mảng đến chân núi Arung. Người dân quan niệm rằng trên đỉnh núi đó có cánh "rừng ma". Vì chỉ nơi đây mới có loài cây lạ này, nên trong tiếng Cơ Tu không có chữ "đỗ quyên". "Từ xa xưa, nếu không được người làng đồng ý, không một ai dám mạo phạm những cánh rừng thiêng. Bây giờ, người Cơ Tu càng trân quý những cánh rừng, bởi mẹ rừng đã nuôi sống bao thế hệ người dân", già Cơlâu Nhấp nói.
Già Cơlâu Nhấp cho rằng quần thể pơ mu, đỗ quyên… được công nhận Cây di sản VN là minh chứng rõ nhất cho việc giữ rừng của người Cơ Tu. Ông bảo đó là niềm tự hào lớn của đồng bào Cơ Tu, và danh hiệu mới càng giúp cộng đồng làng dễ dàng "thuyết phục" thế hệ trẻ chung tay giữ rừng di sản.
Mỗi gốc cây là một tác phẩm nghệ thuật
Nhiều năm qua, Phó trưởng phòng VH-TT H.Tây Giang, ông Pơloong Plênh, trở thành hướng dẫn viên du lịch "bất đắc dĩ" mỗi khi có đoàn du lịch muốn chinh phục đỉnh Arung để được tận mắt chiêm ngắm rừng đỗ quyên cổ thụ. "Nét độc đáo của hoa đỗ quyên nơi đây không chỉ ở màu sắc, độ lớn của cánh hoa, mà còn nằm ở phần thân gốc. Mỗi gốc đỗ quyên cổ thụ là một tác phẩm nghệ thuật. Hoa đỗ quyên có 3 màu (hồng, trắng, tím). Cánh rừng này có 2 loài đỗ quyên chính là loài lá rộng và lá kim. Điều hy hữu là 2 loài này sống xen kẽ nhau mà không một loài cây nào khác có thể chen vào được. Ngoài ra, rêu làm cho khu rừng thêm kỳ bí và cũng chính màu xanh của rêu tạo ra vẻ đẹp kỳ dị, riêng có cho cánh rừng này", ông Pơloong Plênh khoe.
Từ khi quần thể đỗ quyên được phát hiện, rất nhiều chuyên gia, nhà sinh thái học và cả những du khách thích thám hiểm đã lặn lội lên đây để chạm vào "kho báu" giữa rừng già. Nhưng muốn chinh phục được đỉnh Arung cao nhất không hề dễ dàng. Phải có sức khỏe tốt, vì mất từ 7 - 10 giờ đi bộ xuyên rừng, chưa nói đến kinh nghiệm để "sinh tồn ở rừng".
Bằng các tour trải nghiệm mạo hiểm, ông Pơloong Plênh đã kết nối ngày càng đông du khách trải nghiệm, khám phá rừng đỗ quyên. Các chuyến đi đã gợi mở cơ hội quảng bá vẻ đẹp cảnh quan và mở ra tiềm năng khai thác du lịch từ thiên nhiên kỳ thú ở vùng rừng núi Trường Sơn Đông. "Với người Cơ Tu, quần thể rừng đỗ quyên trên đỉnh núi Arung mang một giá trị về tâm linh. Người Cơ Tu ví cánh rừng đỗ quyên cổ thụ này như một tấm áo thổ cẩm của đồng bào, được dệt đan vô cùng tỉ mỉ với hàng ngàn chi tiết hoa văn, màu sắc sặc sỡ", ông Pơloong Plênh chia sẻ.
Ông Arất Blúi, Phó chủ tịch UBND H.Tây Giang, cho hay chuyện 435 cây đỗ quyên cổ thụ được công nhận Cây di sản VN đã đánh dấu một hành trình dài "đặt tên cho cây". Ngoài quần thể rừng di sản pơ mu, địa phương đang khai thác du lịch quần thể cây đỗ quyên trên đỉnh núi Arung, trong đó tạo sản phẩm du lịch thám hiểm cùng với phát triển du lịch văn hóa bản địa. "Đỗ quyên là loài cây độc đáo hiếm có. Sự kỳ thú của rừng đỗ quyên đang mở ra nhiều cơ hội cho du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm ở vùng cao. Phải khẳng định rằng quần thể đỗ quyên trên đỉnh núi Arung không chỉ độc nhất vô nhị mà còn ẩn chứa nhiều thông tin thú vị, bất ngờ", ông Arất Blúi nói.
Ngoài quần thể pơ mu và rừng đỗ quyên, mới đây Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN tiếp tục đánh giá 960 cây gỗ lim ở xã Lăng cũng ở H.Tây Giang để công nhận là Cây di sản VN. "Hiện nay, đối với các quần thể cây di sản, đã có nhiều công ty, tập đoàn vào cuộc thăm dò, đánh giá tiềm năng để khai thác du lịch theo hướng khám phá, trải nghiệm… Nếu các doanh nghiệp bắt tay vào khai thác, đây là một cơ hội lớn cho địa phương trong việc phát triển du lịch, cũng là cách tốt nhất để bảo vệ các quần thể di sản trên dãy Trường Sơn này", ông Arất Blúi kỳ vọng.
Theo Thanh niên