Ngày tôi còn nhỏ, mỗi lần về quê, ba chở mẹ ngồi sau xe. Mẹ đội cho tôi chiếc mũ vải và phủ lên mũ một chiếc khăn bông màu đỏ. Tôi ấm áp ngồi trong lòng mẹ, vòng tay mẹ ôm chặt lấy tôi. Những hôm trở trời, gió mùa Đông Bắc tràn về, ba gồng mình đạp xe. Đến hàng phi lao cũng là ngã ba rẽ vào đường đê, gió đổi chiều, ba sẽ không phải gắng sức đạp xe nhiều nữa.

Tôi lên 4 tuổi, ba cố định thêm chiếc ghế sắt sau xe. Mẹ lại đội mũ cho tôi, trùm cho tôi chiếc khăn bông màu đỏ. Ba đặt tôi ngồi trong chiếc ghế sắt, mẹ chở tôi về quê. Con đường dài lê thê, tôi cùng mẹ đi qua bao quán nước ven đường.

Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI

Những quán nước, người bán hàng chỉ cần 1 chiếc bàn gỗ nhỏ và mấy chiếc ghế ngồi, cùng 1 tủ kính đựng vài gói thuốc lá. Tôi chú ý nhiều hơn tới những chai nước khoáng màu xanh đỏ, những gói kẹo mè, kẹo đậu phộng đựng trong túi ni lông…

Mẹ rẽ vào quán nước, mua xâu bánh gai làm quà cho ông bà nội. Mẹ mua cho tôi gói kẹo. Má tôi hây hây, tan chảy trong những giây phút thấy mình thật hạnh phúc.

Tôi lại ngồi sau xe, mẹ chở tôi đi qua cánh đồng lúa. Cánh đồng đã có từ lâu lắm. Mùa xuân, lúa xanh biếc đón gió trổ đòng; mùa hè, lúa chín ngả màu vàng như nắng. Mẹ đi qua những ngôi làng. Làn khói bếp nhà ai tơ vương, thả rơi như những nhúm mây màu xám trắng. Rặng phi lao nơi ngã ba quanh co uốn khúc. Tới bến đò, mẹ dắt xe xuống bến.

Đường trơn trượt, tôi ngã nhào từ ghế sắt xuống mép sông. Mẹ bế tôi lên, tôi khóc nhè. Những thớ đất phù sa màu nâu đỏ bám lên mặt tôi. Mẹ ôm tôi thật chặt, như sợ tôi thêm một lần nữa ngã nhào.

Bà nội nghe người làng nói tôi bị té nên lo lắng đứng đợi dưới dốc đê. Mẹ dắt xe xuống con dốc thoai thoải, bà lấy khăn lau mặt cho tôi, cưng nựng: “Bé bỏng của bà, ngã đau lắm không con?”. Tôi chẳng còn thấy đau, bởi đã có đủ đầy tình thương yêu của người thân ấm áp. Ngôi nhà quê nội tôi nằm ngay bên con dốc, tôi đi về nơi ấy biết bao lần.

Tôi lên 9 tuổi, mẹ dắt tôi từ thị trấn trở về quê ngoại. Mẹ không về lại bên kia sông, nơi mẹ gọi là quê chồng. Nhưng nơi ấy, tôi vẫn đều đặn trở về. Khi thì ba đón tôi, khi thì tôi ngồi sau xe cô tôi qua đón. Chuyện người lớn, tôi chẳng hiểu, có những bến bờ yêu thương nay chỉ còn là nỗi buồn xa ngái. Nỗi buồn đăm chiêu trên đôi mắt mẹ. Nỗi buồn bạc thếch trên màu áo vải của ba.

Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI

Năm tôi 13 tuổi, tôi tự đạp xe về quê nội. Rặng phi lao rì rào vẫn đứng đợi ở ngã ba đường. Rẽ phải tới đường đê, đi qua bến đò dập dềnh theo sóng nước. Tôi lao qua con dốc, bà nội đã đợi ở đó tự khi nào. Bà móm mém nhai trầu, tay cầm 1 xâu cá vừa mua trên chợ về kho tương.

Tạo hóa xoay vần, có câu chuyện chưa kể hết mà thời gian lỡ hẹn đi qua. Tôi đã đủ lớn để nhận ra, con đường về quê nội không dài như ngày tôi còn bé. Đường về quê nội vẫn vẹn nguyên triền đê bao quanh và con dốc thoai thoải. Có điều, ngôi nhà ngói 5 gian nay đã không còn, bà nội cũng chẳng còn đợi tôi dưới dốc.

Mái đầu ba mẹ tôi đã lốm đốm sợi đen, sợi trắng. Họ cùng tôi nhớ về con đường từ thị trấn trở về quê nội năm xưa, in dấu bao kỷ niệm. Tuyệt nhiên, cả ba mẹ không ai chạm vào ký ức chia ly, chỉ đườm đượm riêng một nỗi niềm yêu thương. 

Theo phụ nữ TPHCM