Tôi từng đau đáu câu hỏi “ly hôn hay tiếp tục chịu đựng?”. 6 năm hạnh phúc càng làm tôi ngơ ngác với cú “quay xe” đột ngột của chồng. Từ một người chồng hiền lành, vui vẻ và trách nhiệm, chồng tôi bỗng như trở thành một người khác: cuồng ghen, giữ khoảng cách và luôn né tránh sự gần gũi, thân mật với vợ.
Anh tuyên bố: “Tôi chỉ sống vì con” và trong suốt 2 năm sau đó, anh coi như người vô hình, nếu có chuyện phải trao đổi thì chỉ là sự gắt gỏng và ánh mắt thù hằn đáng sợ.
Tôi tìm về với má giữa lúc trái tim đang đau đớn, tổn thương. Tuy nhiên, tôi vẫn cố giấu. Hằng ngày, má con tôi bên nhau ăn uống vui vẻ. Nhưng đêm đến, tôi lại chìm vào nỗi đau của riêng mình. Tôi nghĩ mình là người vợ bất hạnh nhất, đau khổ nhất. Nhưng vào đêm cuối, trước khi tôi trở về Sài Gòn, má ôm tôi và thổ lộ: “Má cũng từng có 5 năm hôn nhân tù ngục”. Bằng một cách kỳ quặc nào đó, má và tôi đã phải chịu đựng chung một nỗi đau.
Má tôi là cô gái thành thị. Năm 1958, qua mai mối, má trở thành vợ ba tôi - cậu ấm của gia đình điền chủ giàu có. Má về làm dâu trong sự xét nét, hà khắc của bà nội tôi. Từ một cô gái chỉ biết đi học và phụ cha bốc thuốc nam chữa bệnh, má tôi phải cắm mặt suốt ngày trên ruộng rẫy. Hết cấy lúa, làm cỏ thì ngày ngày má phải gánh 200-300 đôi nước tưới cây.
Nhưng cái khổ này chẳng là gì so với sự lạnh nhạt của ba tôi. Sau ngày cưới, ba tôi “nóng lạnh” thất thường với má. Đến lúc má có bầu chị Hai tôi thì ba coi như má chưa từng tồn tại. Ban ngày, ba má ra ruộng. Tuy nhiên, má tôi ở đầu ruộng này thì ba chọn đầu ruộng kia. Tối đến, ba ôm cây đàn ghi ta phím lõm đi đờn ca tài tử. Có hôm khuya ba về, có hôm ba ngủ qua đêm đâu đó.
Dù vậy, đêm nào má tôi cũng chong đèn chờ ba tôi về. Ba về, nếu tỉnh thì ôm mền gối qua tấm phản khác ngủ, né tránh sự va chạm, gần gũi với má; còn ba say thì nằm ngủ trở đầu với má và vẫn luôn phòng vệ, xô má mỗi khi bà lỡ chạm vào ba.
|
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI |
Bà nội tôi hay chuyện, cho rằng ba tôi bị “mắc đàng dưới” (một kiểu bị người âm nhập, phá không cho gần gũi vợ chồng) nên tìm thầy về trừ tà. Má lóe lên hy vọng, như tôi đã từng khi có người mách nước chồng tôi bị âm nhập, phải đi “gỡ”. Tôi từng ra tận quê chồng ở miền Bắc để hầu đồng. Tôi quỳ sụp lạy từ 9g sáng đến tận 16g. Má tôi cũng như tôi, bụng bầu vượt mặt, phải quỳ lạy, khấn vái lả người trong lúc thầy làm lễ trừ tà.
Nhưng cũng như tôi sau này, má nhanh chóng nhận ra, đấng siêu nhiên chẳng thể lay chuyển được ba tôi. Ba tôi vẫn lạnh lùng và tránh xa má như tránh tà. Không biết từ lúc nào, má phát hiện ba tôi vẫn không thể quên được mối tình mặn nồng với người yêu cũ mà ông thề cưới làm vợ nhưng bà nội không đồng ý.
Nghe tới đó, tôi thấy tim mình như nghẹn lại. Tôi ở thời hiện đại, tự chủ kinh tế, có nhiều bạn bè, có nhiều thú vui, giải trí để có thể xoa dịu nỗi buồn. Vậy mà tôi vẫn thấy đời mình thê thảm, bế tắc, đau đớn, bất hạnh trong hôn nhân. Còn má tôi, những năm tháng đó, không có ai để má sẻ chia, một mình má chịu đựng, một mình má cáng đáng 5 công rẫy, 60 công ruộng.
Vậy nhưng má chưa từng trách ba tôi hay nội tôi. Dù đêm má khóc ướt gối, ngày thu mình với nỗi đau, má vẫn giữ tròn đạo làm vợ, làm dâu. Năm 1959, khi má sinh chị Hai, cũng là lúc nội tôi lâm bệnh, nằm một chỗ. Má vừa chăm con nhỏ, vừa chăm mẹ chồng, vừa tất tả đồng ruộng. Có những ngày, lo cơm chiều cho nội và chị tôi xong, má phải băng đồng trong đêm tối, chờ con nước lớn để bơi xuồng đưa dưa leo, bầu bí về, để ra chợ bán.
Có lúc sợ con nửa đêm khóc, nội tôi trông không được, má không kịp chờ con nước mà giữa đêm khuya ì ạch đẩy chiếc xuồng nặng trên bùn sình về nhà. Nỗi vất vả của má, sau này tôi từng nghe ba kể và ba hay chọc má “3 người đàn ông chưa mạnh bằng má bây”.
Trong lúc ba vẫn lạnh lùng với má thì ba đổ bạo bệnh, phải nằm viện hàng tháng trời trong cơn thập tử nhất sinh. Má tôi túc trực ngày đêm bên ba. Tôi cũng không hiểu sao, với một người đàn ông chưa từng có tình cảm với mình, má tôi vẫn dành tất cả tình thương, sự bao dung để chăm bẵm ba tôi như một đứa trẻ và đủ sức để cáng đáng kinh tế gia đình.
Sau này, năm 1999, ba tôi bị tai biến, phải nằm một chỗ suốt 14 năm rồi mất. Cũng là má tôi chăm, vì “chỉ có má mới biết tánh ba bây”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Beo.AI |
Má tôi là mẫu phụ nữ truyền thống, nhưng suy nghĩ lại rất hiện đại. Trong mấy chục năm sau này, má không bao giờ nhắc lại chuyện xưa để giải tỏa nỗi lòng hay trách ba tôi. Má đã thỏa nguyện vì đã thay đổi được ba tôi - trở thành người cha mẫu mực, thương vợ, yêu con. Vì vậy, 6 chị em tôi không hề biết đoạn đời hôn nhân tăm tối của má hay sự vô tình của ba.
Phụ nữ vốn nhạy cảm và có lẽ trái tim người mẹ càng nhạy cảm hơn. Vì vậy, dù tôi không nói ra, má vẫn cảm nhận được con gái đang có vấn đề và đã chữa lành cho con gái út bằng câu chuyện buồn nhưng vô cùng mạnh mẽ của má.
Theo phụ nữ TPHCM