Ảnh: DBSbank.
1. Gia đình hạnh phúc coi trọng sức khỏe hơn tiền bạc
Một độc giả chia sẻ trên Sina câu chuyện của gia đình mình:
Nhà chúng tôi là một gia đình đông đúc, với rất nhiều anh chị em. Khi bạn bè biết quân số của gia đình tôi, ai nấy đều xuýt xoa: "Thế thì hồi nhỏ cậu phải làm việc nhà nhiều lắm đúng không?". Câu trả lời của tôi những lúc đó luôn là: "Không, tôi nghĩ rằng những tháng năm ấu thơ là thời gian vô cùng hạnh phúc".
Tôi từng có lần hiếu kỳ hỏi mẹ: "Chi phí nuôi dạy tụi con rất lớn, mẹ và bố đã phải làm thế nào để nuôi dạy chúng con?". Lúc đó, mẹ đã bảo: "Chỉ cần cả nhà ta mọi người đều khỏe mạnh thì gia đình có thể sống tốt". Quả đúng thế, sức khỏe là nền tảng của mỗi gia đình. Thiếu đi sức khỏe, mọi thứ chỉ là vô nghĩa.
Tôi có một ông bạn bác sĩ, lúc nào cũng lo chăm chút sức khỏe cho bản thân lẫn cả gia đình. Chúng tôi hay cười nhạo anh: "Sao mới 30 mà lúc nào cũng sống cuộc đời như tuổi 60 vậy chứ?". Khi đó, anh nói: "Chăm sóc cho cơ thể mình, không chỉ là lo cho bản thân, mà còn là cho cả gia đình nữa". Anh cũng kể, vì lý do nghề nghiệp, anh khám chữa cho nhiều người và nhận thấy rằng không ít gia đình tan vỡ vì vấn đề sức khỏe:
- Con cái ốm đau nhiều ngày, cha mẹ phải bỏ công bỏ việc, dành thời gian chăm con, lúc nào cũng khóc lóc sầu khổ.
- Chồng ốm bệnh, vợ vất vả chăm lo đến gầy mòn, con cái không có người chăm sóc, gia đình khổ sở.
- Vợ ốm yếu, chồng vụng về không biết chăm sóc con cái từng bữa ăn, giấc ngủ.
- Người già trong nhà đau ốm, cả gia đình tâm tư nặng trĩu, thậm chí đánh cãi nhau vì những chuyện như cắt cử chăm sóc...
Khi cả gia đình ai cũng khỏe mạnh, hạnh phúc, cùng nhau làm việc chăm chỉ, tổ ấm mới vững mạnh về cả kinh tế lẫn tinh thần. Vì vậy, nếu mỗi thành viên trong gia đình cảm thấy có những tín hiệu bất thường của cơ thể, cần phải lập tức quan tâm, bởi vì không có sức khỏe, gia đình không thể nào hạnh phúc.
2. Gia đình hạnh phúc không đổ lỗi cho nhau
Để đạt được sự hòa thuận trong gia đình, điều quan trọng chính là tăng tình đoàn kết và hạn chế tối đa việc đổ lỗi cho nhau.
Có hai người hàng xóm sống cạnh nhau, nhà bên này lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, còn nhà bên kia thì thường xuyên cãi vã. Một ngày, gia đình hay cãi vã hỏi người trong gia đình yên ấm: "Bí quyết nào mà nhà anh hòa thuận thế?". Người kia trả lời: "Gia đình tôi không cãi nhau, vì nhà có quá nhiều người xấu". Theo ông lý giải, nhà ông ai cũng không hoàn hảo, ai cũng có lúc sai sót và gây ra rắc rối, vậy nên bất kể ai sai, các thành viên không đổ lỗi cho nhau, mà chân thành xem xét lại bản thân và sửa đổi sai lầm, cùng nhau giải quyết vấn đề.
Trong gia đình, khi hai người cãi vã để tìm đúng sai, họ vô tình giống như cùng kéo căng một sợi dây về hai phía, và một lúc nào đó, sợi dây đứt, tình cảm cũng tan vỡ theo. Việc đổ lỗi có thể là một thói quen cửa miệng, nhưng sẽ làm cho đối phương khó chịu, gây tổn thương, thậm chí khơi dậy ham muốn công kích phía bên kia, thay vì ý thức nhận lỗi. Sự thật là, việc đổ lỗi không giúp giải quyết triệt để vấn đề.
Một gia đình hạnh phúc, cũng như mọi gia đình khác, ngày ăn ba bữa cơm, tối cũng phải rửa bát, dọn nhà. Tuy nhiên, khi gặp khó khăn, các thành viên sẽ xoắn lại với nhau như dây thừng, thay vì rẽ nhánh.
Đoàn kết giống như mái nhà của một ngôi nhà. Nhờ mái nhà vững chãi, mưa gió, bão tố rồi cũng sẽ đi qua mau chóng.
3. Gia đình hạnh phúc biết tôn trọng các ranh giới
Người xưa cho rằng gốc rễ của mọi sự đau khổ của con người đều bắt đầu từ sự thiếu ý thức về ranh giới. Bộ phim truyền hình Trung Quốc "All Is Well" gần đây ra mắt càng làm rõ thông điệp này, thông qua nhân vật nữ chính trong nhà họ Tô: với chồng, cô không tôn trọng, không bao giờ nghe chồng nói, khiến người chồng dần trở nên thu mình, sống lầm lũi. Đối với con trai, lúc nào cô cũng coi con là trẻ nhỏ, dù anh đã 30 tuổi và kết hôn. Với em trai, cô chiều chuộng, bao che khi em làm chuyện xấu...
Rồi sóng gió xảy ra với gia đình đó, một loạt vấn đề nảy sinh, bắt nguồn từ chính sự không ý thức về ranh giới: Ông Tô bất mãn, không ngừng đòi hỏi, con cái cũng khốn khổ. Con trai Tô Minh Triết hiếu thảo đến ngu muội, nhất nhất đáp ứng mọi yêu cầu của bố, khiến vợ anh phẫn uất, cuối cùng ly hôn...
Cái gọi là ý thức về ranh giới thực chất là biết lúc nào gật đầu, lúc nào từ chối, cái gì tốt và cái gì không. Yêu con là bản năng, nhưng cũng cần phải học cách buông tay ở thời điểm thích hợp, để con cái suy nghĩ độc lập, có cơ hội chủ động bước lên và làm chủ cuộc sống. Giữ bạn đời là cần thiết, nhưng không thể đàn áp mù quáng, mà phải học cách lắng nghe, tôn trọng, chấp nhận. Tôn trọng cha mẹ là đúng đạo, nhưng không thể biến mình thành đứa con hiếu thảo mù quáng mà quên đi trách nhiệm làm trụ cột một gia đình nhỏ khác. Chăm chút người thân là cần thiết, nhưng không thể làm cái cột trụ cho anh ta đeo bám, dựa dẫm cả đời. Giúp đỡ là việc làm xuất phát từ tình cảm, nhưng không giúp đỡ cũng là một nghĩa vụ quan trọng.
Ý nghĩa của sự tôn trọng các ranh giới cũng như việc xây dựng các bức tường trong ngôi nhà, cho phép các thành viên hòa hợp với nhau nhưng vẫn có không gian riêng, cho phép họ mỗi người đều cảm thấy thoải mái, hạnh phúc.
4. Gia đình hạnh phúc luôn trân trọng sự trở về
Nhà là nơi thoải mái, dễ chịu nhất, cũng là cụm từ ý nghĩa nhất. Đó là lý do sau mỗi chuyến đi mỏi mệt, mỗi người đều mong muốn được trở về, cũng là động lực để mỗi ngày mở cửa bước đi... Xuất phát từ ý thức trân trọng sự trở về, mỗi người đều có ý thức trách nhiệm để vun vén, giúp nơi đó trở thành tổ ấm hạnh phúc, giúp họ tìm thấy sự bình yên sau mỗi ngày mệt nhoài bươn chải.
Trong một gia đình, sức khỏe chính là nền móng tốt, đoàn kết là mái nhà, ý thức về ranh giới chính là những bức tường, trách nhiệm là cửa sổ, và nhờ thế, những người sống trong căn nhà đó sẽ luôn hạnh phúc, rộn rã tiếng cười.
Theo vnexpress