Bánh đúc nóng, hương vị ẩm thực độc đáo của mùa Đông, Hà Nội

Trong số các món ăn đường phố nổi tiếng ở Hà Nội thích hợp vào mùa Đông như bánh trôi tàu, bánh rán, ốc luộc, ngô khoai nướng… thì bánh đúc nóng được nhắc đến nhiều nhất. Vốn là món ăn dân dã phổ biến của người Việt từ xưa, món bánh đúc ở Hà Nội bây giờ, vẫn giữ được hương vị truyền thống đặc trưng. Tiết mục “Hương vị quê nhà” hôm nay, mời quý thính giả đến thăm Hà Nội vào mùa Đông để thưởng thức món quà vặt không kén người ăn này.

Nằm trên con phố nhỏ Lê Ngọc Hân, Hà Nội, quán bánh đúc nóng gia truyền Bà Ngọ thâm niên hơn 30 năm lúc nào cũng tấp nập khách, đặc biệt ngay từ thời điểm se lạnh đầu mùa Đông. Đây là một trong những địa chỉ bán bánh đúc nóng nổi tiếng thơm ngon, chất lượng và giá cả phải chăng.

Đúng là không có gì tuyệt vời hơn khi được cùng bạn bè, người thân thưởng thức bát bánh đúc nóng hổi, thơm ngon tại một góc phố nhỏ trong tiết trời giá lạnh. Bát bánh đầy đặn có màu trắng muốt mịn của miếng bánh đúc sánh dẻo, màu nâu của thịt băm- mộc nhĩ xào thơm, màu vàng rộm của đậu rán, hành phi và màu xanh của rau thơm, rau mùi. Tất cả cùng sánh quyện vào nhau trong bát nước chấm thanh mát. Một chút hạt tiêu đủ để làm dậy mùi vị thơm ngon kỳ lạ, đánh thức mọi giác quan của thực khách.

Theo chị Thu, con gái bà Ngọ, để có được một bát bánh đúc ưng ý thì từ khâu tuyển lựa nguyên liệu đến quấy bột phải thật kỳ công. Chẳng hạn như gạo quấy bột phải là tẻ quê mới, xay sát qua hai lần để bánh trắng và tơi dẻo. Nước vôi phải lựa thật trong bởi nếu không khi quấy nồi bánh bị nồng hoặc đắng. Kỹ thuật quấy bánh cũng là yếu tố quyết định sự thành công của nồi bánh đúc đòi hỏi người có kinh nghiệm mới làm được.

“Về nhân gồm thịt băm,mộc nhĩ, hành khô để giúp đưa đẩy miếng bánh cũng phải lựa chọn thịt diềm thăn, thịt nạc vai chất lượng. Hành khô thì quán tự phi lấy bằng dầu ăn dùng một lần. Nếu dùng mỡ khi trời lạnh hành phi dễ bị kết vón. Mộc nhĩ cũng phải làm thật sạch. Đặc biệt là quấy bánh đúc chỉ dùng được xoong gang. Nói chung, để có mỗi một bát bán đúc ngon phải có sự kết hợp chuẩn của rất nhiều yếu tố”.

Nếu như ở Hà Nội xưa, bánh đúc nóng chỉ được bán vào tầm chiều muộn khi học sinh tan học hay công nhân viên tan tầm thì nay thứ quà vặt này được bán cả ngày. Do ở trong phố nên quán bánh đúc gia truyền của bà Ngọ có thể phục vụ thực khách từ sáng đến tận đêm muộn.

Chị Ada Bilijian, người Đức làm việc tại Hà Nội cho biết đã nghiền món bánh đúc nóng Lê Ngọc Hân không rõ từ bao giờ nữa: “Món bánh rất là ngon, đặc biệt là sự kết hợp hương vị ngọt thanh tự nhiên của bột gạo và những thứ khác. Cũng như bún ốc, lần đầu tiên nhìn thấy, tôi thấy sợ nhưng vẫn thử xem sao khi nghĩ rằng, bạn mình giới thiệu chắc hẳn phải thật là ngon. Quả đúng là vậy, khi tôi nhắm mắt lại, đưa miếng bánh vào miệng, cảm nhận thật tuyệt vời. Từ đó,bánh đúc nóng và cả bún ốc nữa trở thành món khoái khẩu của tôi trong mùa Đông”.

Hiện nay, tại Hà Nội chỉ còn một vài quán hàng chuyên bánh đúc nóng quen thuộc như ở phố Trung Tự, ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, phố Xã Đàn hay ngõ Gốc Đề ở phố Minh Khai. Cùng chế biến theo một công thức truyền thống chung nhưng mỗi quán hàng có một bí quyết ‘gia truyền” để tạo nên nét ẩm thực độc đáo riêng. Tùy theo ngẫu hứng, có quán cho thêm vài miếng đậu rán vàng hay cho thêm nấm hương, giò.

Chị Luyến chủ gánh đúc rong ở ngõ Gốc Đề Minh Khai cho biết nước dùng ở hàng chị có sự khác biệt: “Về nước dùng, tôi ướp thịt riêng. Sau đó tôi đun nước mắm, mì chính hạt tiêu nhạt nhang nhác rồi đổ thịt vào nấu cùng. Lúc này sẽ có bát nước dùng có vị ngọt của thịt chứ không phải của đường. Ngoài ra, bánh đúc Gốc Đề thường giòn dai và đặc hơn”.

Không chỉ là món quà vặt, ăn khi “kiến bò bụng” món bánh đúc với những người xa quê hương như chị Lan Phương, việt kiều Thụy Điển còn là một hoài niệm thơ ấu ngọt ngào. Ngồi thưởng thức bát bánh đúc nóng giữa lòng thành phố khi mùa Đông dễ gợi nhớ đến thuở còn bé với món bánh đúc lạc nguội nơi thôn quê, từng được bà hay mẹ quấy đổ vào lá chuối: “Mùa đông đến, trong những món ngon Hà Nội, tôi đặc biệt thích món bánh đúc nóng. Trong sâu thẳm nó gợi tôi nhớ đến món bánh đúc lạc. Đó là món ăn dân dã mang đậm hương vị quê hương. Miếng bánh trắng mịn loáng thoáng lạc có vị bùi bùi béo béo ngọt ngọt thanh thanh của nước tương. Đến bây giờ cuộc sống đầy đủ hơn, món bánh đúc vẫn mang một vị không bao giờ quên. Đó là hương vị của quê hương và tình yêu của mẹ”.

Cuộc sống ngày càng hối hả, nhiều món ăn, thức lạ xuất hiện, nhiều người cũng quên dần những món ăn dân dã truyền thống. Nhưng trong nỗi nhớ quê thì bánh đúc vẫn là một món ăn gần gũi và rất đỗi thân quen. Đặc biệt khi nhớ đến các loại quà chiều hẳn không thể không nhắc đến món bánh mang hương vị ấm áp của mùa Đông Hà Nội này.

Theo Quehuongonline.vn