Như hầu hết những đứa trẻ, lúc nhỏ tôi cũng từng có những mùa Trung thu chộn rộn. Ba làm cho tôi lồng đèn hình con bướm, chiếc thuyền… Ba rất khéo tay, nên dù chiếc đèn phải dùng đèn cầy, lại không phát ra tiếng nhạc réo rắt, tôi cũng vui, háo hức xách đèn đi khoe khắp xóm.

Đêm nào ba tôi cũng dậy từ nửa đêm để ra ruộng soi ếch, gần sáng mới về nhà. Tôi nằm cuộn mình trong chăn ấm, mơ màng nghe tiếng ếch kêu ộp ộp, tiếng ba đổ ếch ra thau, tiếng xối nước ào ào. Ba dặn má: “Em bán ếch xong thì mua cho con cái bánh Trung thu. Tội nghiệp con nhỏ chưa từng biết mùi vị bánh Trung thu ra làm sao…”. Mấy tiếng sau cùng, giọng ba nhỏ hẳn. Tôi tỉnh hẳn cơn buồn ngủ, háo hức mong trời sáng.

Tôi ngồi tựa cửa, ngóng má đi chợ về. Vừa nghe tiếng xe đạp lách cách quẹo vào ngõ, tôi đã ào ra giành cái giỏ của má. Trong giỏ chỉ có mớ đồ ăn và chiếc áo trắng cho tôi đi học. Tôi phụng phịu, nước mắt rơm rớm. Má ôm tôi vào lòng, an ủi: “Áo con cũ hết rồi, phải có áo mới đi học chớ”. Ba tôi đứng phía sau, khe khẽ thở dài.

Rồi tôi cũng có dịp được thưởng thức mùi vị của bánh Trung thu. Bữa đó, ba chở tôi ra thị xã mua bánh. Tôi ngồi sau lưng ba, líu lo về chiếc bánh sắp mua. Cái bánh hình trăng, tròn vành vạnh, nhân đỏ hồng, dẻo ngọt bùi thơm… Ba chặn cơn hứng khởi của tôi bằng giao kèo: “Bánh Trung thu mắc lắm, con chỉ được mua 1 cái thôi nghen”. Tôi biết nhà mình nghèo nên không nỡ làm khó ba. 1 cái bánh thôi cũng đủ cho một mùa trăng tròn.

Tôi bối rối đứng trước quầy bánh. Cái to cái nhỏ, cái nhân thập cẩm, cái nhân đậu xanh, hạt sen… Cái nào cũng có lớp vỏ bóng ánh nâu vàng, chắc hẳn rất ngon.

Tôi nhìn chăm chăm chiếc bánh hình con heo to bự và đàn heo con múp míp y hệt món đồ chơi. Ba nhìn tôi, lắc lắc đầu. Sau cùng, có lẽ thấy ánh mắt tôi “đau khổ” quá, ba rụt rè hỏi chị chủ tiệm: “Có bán lẻ 2 con heo con không cô?”. Chị chủ tiệm lắc đầu.

Tôi ra về với chiếc bánh Trung thu nhân thập cẩm thơm ngon. Tôi tự hứa với mình: Mai mốt lớn, có tiền, nhất định sẽ mua thật nhiều bánh Trung thu ăn cho đã. Đó là lúc nhỏ thôi, lớn hơn chút, tôi tự hứa với mình: Đi làm có tiền sẽ mua thật nhiều bánh Trung thu cho ba má ăn.

Món quà quý nhất với người già là sự đoàn viên chứ không phải vật chất (ảnh minh họa)
Món quà quý nhất với người già là sự đoàn viên chứ không phải vật chất (ảnh minh họa)

Nhớ mấy năm trước cũng vào mùa Trung thu, tôi dắt ba má đi siêu thị, không phải để mua bánh Trung thu, vì ba mắc bệnh tiểu đường, má thì vừa tiểu đường vừa cao mỡ máu. 2 người già đi khắp các quầy hàng, nhìn ngó, chậc lưỡi khen: "Siêu thị cái gì cũng có, cái gì cũng muốn mua".

Tôi giao kèo: “Ba má chỉ mua cái gì có ích cho sức khỏe thôi nha. Không mua đồ linh tinh". 

Ba má nâng lên đặt xuống mấy hộp nhân sâm, đông trùng hạ thảo, nấm linh chi… rồi nhìn nhìn tôi thăm dò. Giây phút ấy, thước phim cũ tua lại trong tôi. Tôi như nhìn thấy bản thân mình ngày còn thơ dại, muốn mua gì cũng ngại ngần, sợ ba má la rầy, sợ ba má không có tiền… mấy lần nâng lên đặt xuống đó, luôn thấy tủi buồn, uất ức dâng lên. Trong lòng tôi chỉ ước ao giá nhà mình giàu, giá ba má có nhiều tiền… Giờ tôi chưa giàu nhưng cũng có chút tiền để dành, ba má vẫn ngại tôi tốn kém. Nhìn dáng vẻ rụt rè của ba má, bỗng thấy nghèn nghẹn trong lòng.

Mới năm ngoái đây thôi, về nhà vào mùa Trung thu, tôi cũng mua mấy hộp bánh, nhưng là để ba má biếu nội ngoại, chứ luôn miệng nhắc ông bà không được ăn, nguy hiểm cho sức khỏe. Tôi cũng chuẩn bị các loại bánh lạt, thực phẩm chức năng phù hợp, nhưng ông bà chỉ thèm được ăn chiếc bánh nướng nhân thập cẩm hấp dẫn.

Mùa Trung thu năm nay, má ngồi soạn túi đồ tôi mua về, có cả đông trùng hạ thảo, nấm linh chi… má tôi cứ liên tục càm ràm: “Mua chi nhiều dữ vậy con, tốn tiền. Con về nhà là ba má vui rồi”.

Tôi ngẩn ra. Chợt nhớ lời bài hát của Đen Vâu: “Mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ…”. Nhưng thật ra cha mẹ chỉ cần “mang con về” là đủ. Con về cha mẹ nào cũng vui, nhà vui, trăng ngày nào cũng tròn…         

Theo phụ nữ TPHCM