Một bữa, trên đường về nhà, trong lúc kẹt xe, để thư giãn, tôi mở tuồng cải lương Bông hồng cài áo. Tuồng này tôi đã nghe nhiều lần, nhưng vợ tôi mới nghe. Có lẽ vì các tình tiết cảm động nên cô ấy nghe chăm chú, chốc chốc sốt ruột hỏi tôi diễn biến tiếp theo của câu chuyện.
Chuyện đó làm tôi nhớ đến những lần ba mẹ tôi chia sẻ, tâm tình với nhau như vậy. Ba và mẹ tôi vốn ở 2 xã cạnh nhau; ba có nhiều bà con và bạn bè ở xã của mẹ và ngược lại. Từ quen biết, làm bạn bè, rồi mới yêu nhau. Khi ba mẹ quyết định tiến đến hôn nhân, bà ngoại tôi cực lực phản đối, vì nhà nội tôi nghèo quá.
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Vượt bao nhiêu thử thách, 2 người mới đến được với nhau. Ngày đám cưới, nhà trai lội bộ vài cây số trên đường làng mùa nắng đầy bụi; rồi sau đó toàn đi đường tắt trên ruộng. Thấy mẹ vất vả mới theo kịp, ba chủ động đi chậm lại, rồi nói chuyện này nọ để mẹ đỡ mệt.
Khi tôi ra đời được vài tháng thì ba mẹ ra riêng, cất cái chòi nhỏ trên mấy sào ruộng của bà ngoại cho, với 1 con chó mực, 1 con mèo mướp, vài cái ghế đẩu cùng bộ xoong nồi, tô chén… Ba mẹ tôi từ đó gầy dựng, lần hồi có của ăn của để, con cái nên người.
Đương nhiên, dù cũng có lúc giận hờn nhau, nhưng đúng như nhiều người nói, ba mẹ tôi là “vợ chồng tấm mẳn” nên rất gắn bó và hiểu nhau; lại cùng quê nữa, nên có rất nhiều người quen chung và dễ chia sẻ với nhau.
Ba tôi đọc sách, thấy hay, bảo mẹ đọc. Mẹ tôi chỉ được học chữ từ phong trào bình dân học vụ hồi mới giải phóng, đọc chữ rất tốt nhưng gần như không viết được. Nhưng nhờ đọc nhiều sách, mẹ tôi cũng học được nhiều điều trong sinh hoạt, trong giao tiếp, ứng xử. Ông bà hay bình luận với nhau những chi tiết thú vị trong sách, có vẻ rất tương đắc.
Ba mẹ tôi đều mê cải lương. Tôi nhớ mãi lần ba mẹ dắt mấy anh em tôi đi coi tuồng Gánh cỏ sông Hàn ở khoảng sân rộng trước nhà máy ép đường của xã. Sau bữa đó, tôi nghe ba mẹ hay bình luận về các chi tiết, các nghệ sĩ trong tuồng.
Khi nhà sắm được cái cát sét đầu tiên, ba tôi thích nghe các tuồng có nghệ sĩ Phượng Liên đóng, như Nửa bản tình ca, Mùa thu trên Bạch Mã sơn, Người phu khiêng kiệu cưới, Tâm sự loài chim biển, Đêm lạnh chùa hoang… Mẹ thì thích nghệ sĩ Lệ Thủy nhưng 2 người vẫn hay chia sẻ với nhau về các tuồng, các nghệ sĩ… Ba tôi cũng khá rành ca cổ. Hồi còn khỏe, ông cứ đòi tôi chở lên Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM để xem chương trình Bông lúa vàng hằng tuần. Sau này, tôi với ba còn hát karaoke với nhau những bài ca cải lương nổi tiếng…
Những năm cuối đời, ba tôi lại thích các giọng ca trẻ: Lê Tứ, Bùi Trung Đẳng, Lê Văn Gàn… Có khi tôi nghe ba khen nức nở một nghệ sĩ nào đó mới nổi và chăm chú tìm các trích đoạn hay bài ca cổ của người đó hát trên YouTube. Mẹ tôi cũng nghe cùng bằng sự đồng cảm, chia sẻ.
Ba mẹ càng về già càng nói nhiều về những người quen cũ. Ba mẹ tôi rời quê hơn 30 năm, nỗi nhớ quê luôn cồn cào trong lòng ông bà. Hồi trước, mỗi khi tôi về thăm, thấy hơn 4g sáng, ông bà đã dậy; ba châm trà uống và nghe radio; mẹ nhóm bếp nấu nồi thức ăn cho bầy chó giữ rẫy, nấu cơm sáng, rồi quét chuồng gà, nấu và châm đầy các bình thủy, có khi khói bay đầy nhà (mẹ làm sẵn sợ ba cắm ấm siêu tốc thì… tốn điện).
Trong lúc đó, ông bà kể những chuyện “hồi đó”, nào là các chuyện cũ, các người quen đã lâu chưa gặp, một người cùng quê bất ngờ mới gặp lại, chuyện về người nọ người kia mà ông hoặc bà có thông tin… Các chuyện như vậy gần như ngày nào cũng có để nói.
|
Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto |
Về già, ba mẹ hay ôn lại cuộc đời mình, nói về các con. Ba tôi rất tự hào về nỗ lực của bản thân, từ chỗ gần như tay trắng mà dựng nên cơ nghiệp, đặc biệt là nuôi dạy con cái thành đạt. Mẹ tôi hay khen ba biết tính toán làm ăn, chịu cực và nhẫn nhịn giỏi, nhất là chuyện “chịu trận” với bà ngoại tôi suốt chục năm cũng đã là phi thường rồi. Ông bà cũng rất hãnh diện về các con, cả dâu rể nữa.
Ba tôi hay nói, giờ có ra đi cũng mãn nguyện rồi; mẹ thì bảo “ông phải sống cho con cháu vui vẻ chứ”. Ông bà già khi tâm tình thì tỏ ra rất hợp ý, dù lắm lúc “khắc khẩu” cũng đến lạ kỳ.
Có lẽ vì đồng điệu, gắn bó, yêu thương nhau nhiều nên khi ba mất mẹ tôi hụt hẫng rõ. Sức khỏe mẹ từ đó cũng xuống nhiều. Gần 50 năm chung sống, ông bà đúng là bạn đời, bạn tri âm, tri kỷ của nhau. Đó cũng là điều mà vợ chồng tôi ao ước.
Theo phụ nữ TPHCM