Ba mẹ tôi là công chức về hưu. Lương hưu của ông bà cộng lại cũng xấp xỉ 15 triệu đồng/tháng. Số tiền đó, cộng thêm phần lãi ngân hàng từ số tiền dưỡng già gửi tiết kiệm cũng đủ chi tiêu thoải mái cho sinh hoạt hằng ngày.

ảnh mang tính minh họa: Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa: Shutterstock

Anh chị em tôi đều ở riêng, sợ ông bà vất vả nên chúng tôi bàn với ba mẹ thuê một cô giúp việc là người cùng quê thật thà, để vừa có người chợ búa, cơm nước, vừa yên tâm lúc đêm hôm có người hỗ trợ, đỡ đần khi đau ốm. Từ ngày có giúp việc, bữa ăn của ba mẹ tươm tất hơn. Mỗi khi con cháu về thăm, ông bà cũng không phải mệt nhọc đau đầu chuyện nấu món gì đãi cháu.

Mọi việc yên ả được chừng 3 tháng thì mẹ bắt đầu thường xuyên gọi điện cho chúng tôi, than rằng ba lúc này đổi tánh. Cứ tới bữa ăn, việc đầu tiên ông sẽ hỏi món này ai nấu. Nếu là mẹ hay con cái nấu gửi sang thì không sao, còn món nào cô giúp việc nấu thì ông chê bai thậm tệ, kiếm đủ cách phê bình với những lý do vô lý kiểu “nước mắm không hâm”. Ông có nói cỡ nào, cô giúp việc cũng cúi đầu im lặng. Bữa ăn trở nên nặng nề, mẹ đứng giữa không biết giảng hòa thế nào.

Rồi mỗi khi thấy người giúp việc ngồi không (dù việc nhà đã làm xong), ba lại kéo mẹ vào phòng trong cằn nhằn, ai đời giúp việc thuê về trả lương mấy trăm ngàn đồng một ngày mà chỉ chơi không. Không khí trong nhà càng lúc càng căng thẳng. Đỉnh điểm, mẹ tôi bực mình gọi chị Hai thông báo từ tháng sau sẽ cho cô giúp việc nghỉ.

Một cuộc họp gia đình giữa mấy anh chị em, dâu rể được tổ chức để tìm nguyên nhân. Chúng tôi phân tích: thời buổi này, kiếm được người giúp việc tin cậy, là người quen ở quê lên sống cùng ba mẹ là rất khó. Ba mẹ tuổi đã cao, nếu lỡ có đau yếu thì rất cần người bên cạnh đỡ đần, con cái dù quan tâm nhưng còn đi làm, đâu thể túc trực 24/24. Thời gian đầu, ba mẹ cũng rất hài lòng về cô giúp việc, sao bỗng nhiên quay ngoắt 180 độ như vậy.

Bỗng cô em Út lên tiếng: “Hôm rồi ghé nhà, em nghe ba mẹ nói thời buổi gì lạ lùng, lương giúp việc tay chân bằng lương hưu của cán bộ có chức vụ. Rồi nào là chuyện đi ăn tô phở buổi sáng hết 85.000 đồng, bằng tiền chợ mấy ngày hồi xưa”.

Tiết lộ của em gái khiến chúng tôi chợt hiểu ra vấn đề. Thì ra cuộc sống của người già quẩn quanh trong nhà, ít giao tiếp, ít mua sắm khiến ba mẹ không theo kịp nhịp sống thời đại. Mấy chục năm qua, vật giá leo thang ra sao ba má nghe nhiều trên ti vi, nhưng khi trực tiếp trả lương cho giúp việc hằng tháng mới thấy xót ruột. Tiếc tiền, xót của, ba tôi mới cố tình chê bai cô giúp việc để có cớ thuyết phục mẹ sa thải.

Chúng tôi cũng phát hiện ra, đã lâu rồi, quà biếu cho ba mẹ thường chỉ là thuốc bổ, món ngon, áo quần… bởi các con cứ nghĩ ông bà có lương hưu, rồi có tiền gửi ngân hàng thì cần gì biếu tiền nữa. Chúng tôi quên mất rằng người già thường hay lo xa. Số tiền tiết kiệm kia, ba mẹ không muốn đụng vào, vì còn để dành lo hậu sự, rồi chừa có cái để còn chia cho các con trong di chúc. Số lương hưu, ba mẹ chi xài tằn tiện, để dành phòng khi ốm đau phải đi bệnh viện thì khỏi tốn tiền con cháu.

Một “nghị quyết bàn tròn” giữa mấy anh chị em được ban hành: kể từ tháng sau, mỗi người sẽ góp một phần để trả lương cho giúp việc nhà ba mẹ. Ngoài thuốc men đồ bổ, chúng tôi sẽ thay nhau thỉnh thoảng biếu ba mẹ tiền để ông bà chi tiêu. Ba mẹ tôi ban đầu cũng từ chối, nhưng khi thấy chúng tôi phân tích hơn thiệt và chân thành, ông bà đồng ý với phương án đó.

Thuở nhỏ, con cái từng vui sướng ra sao khi được ba mẹ cho tiền ăn quà hay mua thứ này, thứ khác thì khi về già, ba mẹ chúng ta cũng như vậy. Đừng nghĩ biếu tiền ba mẹ là thực dụng. Chăm sóc người già khó hơn chăm trẻ, nhưng chỉ cần con cái chịu khó lắng nghe, quan sát, đặt mình vào vị trí của ba mẹ, sẽ biết ba mẹ nghĩ gì, cần gì mà thôi.

Theo phụ nữ TPHCM