leftcenterrightdel
 Công việc hằng ngày của chị Nga

Chiều muộn, chị Nguyễn Thị Nga (xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) còn loay hoay với đống hàng vừa mua được. Hôm nay “trúng mánh”, gặp ông chủ xưởng cơ khí gọi bán cho hơn 2 tạ sắt vụn, ve chai, xe đạp cũ.

Chị không thể chở bằng xe máy, phải thuê xe tải chở về. Thấy trong giỏ xe của chị có chai nước, cậu tài xế định xin một ngụm đỡ khát, chị bảo đó là chai rượu, không phải nước lọc. Thấy mọi người ngạc nhiên, chị cười khổ. “Rượu cho lão chồng, sáng uống 1 cốc rồi, còn đây để đến tối. Tôi phải đem theo, không dám giấu ngoài vườn, lão sẽ tìm thấy ngay. Khổ thế!”.

Nhìn vẻ mặt khắc khổ, đầm đìa mồ hôi của người phụ nữ gần 60 tuổi, thấy toát lên đầy nghị lực và niềm tự tin. Chị kể, từ khi lấy chồng mấy chục năm nay, chưa lúc nào khổ cực như bây giờ.

Chồng chị trước kia là một thợ xây có tay nghề cao, từng kề vai sát cánh với chị trong việc phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái. Rồi bỗng dưng anh sinh tật uống rượu - uống liên miên bất tận, ngày nào không có rượu là y như rằng anh sẽ chửi mắng vợ con, nhưng uống say thì cũng đánh chửi vợ. Hậu quả của việc uống rượu là anh cùng lúc bị 2 căn bệnh hiểm nghèo: ung thư gan và ung thư dạ dày.

Mới đây, chị phải đưa anh vào bệnh viện chữa trị, cắt mất 1/3 dạ dày, tốn kém hơn 100 triệu đồng. Những chuyến “ve chai” cực khổ, vất vả, được đồng nào đều đổ hết vào chuyện chữa bệnh cho chồng. Chị tự động viên bản thân phải gồng mình lên vì chồng, con. Vừa nuôi chồng bệnh, chị còn phải đầu tư cho 2 cô con gái học xong chương trình đại học và cậu trai út theo hết bậc THPT. Con gái lớn tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, lại có chứng chỉ sư phạm mà vẫn lao đao chạy xin việc.

Thấy con rể mang tiền đi xin việc cho vợ, chị xót quá, khuyên con: “Ở đâu tiện việc thì làm con ạ. Đem tiền đi xin việc, đến bao giờ mới lấy lại”. Con gái nghe mẹ, xin vào làm phiên dịch cho một doanh nghiệp, công việc đến nay đã ổn định. Con gái thứ hai học đại học nông nghiệp, chuyên ngành chăn nuôi - thú y, làm việc cho một công ty chuyên sản xuất thức ăn gia súc.

Cậu út thấy cha bệnh tật, mẹ buôn bán vất vả nên xin vào làm công nhân trong một khu công nghiệp gần nhà, mỗi tháng đỡ đần mẹ vài triệu đồng.

Biết bao gian khổ, nhưng chị thỏa nguyện vì các con học hành tiến bộ, nay đều có công ăn việc làm ổn định, có gia đình riêng. Việc của chị bây giờ là kiếm tiền và dành tiền nuôi chồng. Bị cắt mất 1/3 dạ dày, nhưng chồng chị vẫn tiếp tục uống rượu vì “Đằng nào cũng chết. Tôi cứ uống”.

Chị hiểu được tâm lý chán sống của một người bệnh, không còn tinh thần vượt khó, cứ buông cho số phận. Vì thế, chị không trách móc anh, cũng không than cho phận mình. Chị âm thầm cai rượu cho chồng. Sợ anh uống nhiều hại sức khỏe, chị đem giấu chai rượu ngoài vườn, che bạt rồi chèn mấy viên ngói lên trên. Sáng, chị cho anh uống 1 ly, chiều 1 ly.

Một hôm ra vườn lấy rượu cho chồng, chị thấy bên trong chai toàn nước lã. Chị dỗ dành hỏi chồng, anh thú nhận đã ra vườn, tìm thấy chai rượu, đem uống hết rồi đổ nước vào. Từ đó, mỗi khi chị đi làm đều mang theo chai rượu. Ông chồng yếu ớt, bực tức tìm không thấy chai rượu nên la lối, chửi vợ mắng con. Chị nhịn, hoàn cảnh như vậy, có gào thét chỉ khiến mình mệt thêm. Chị nghĩ, còn sống với nhau ngày nào, cũng nên giữ trọn cái nghĩa vợ chồng. Chị dặn các con đừng hỗn láo, coi thường cha mà nên động viên, chăm sóc cha thì mới mong cha tiến bộ, nhà cửa yên vui.

Hằng ngày, sau khi lo ăn sáng cho chồng, chị lại rong ruổi trên chiếc xe máy cũ, đi hết làng này qua xóm nọ thu mua ve chai. Có những hôm “trúng mánh” lời được vài trăm ngàn đồng, có hôm ế ẩm, chẳng đủ tiền đổ xăng.

“Chỉ cầu trời cho tôi có sức khỏe để còn lo được cho chồng con” - chị nói. Người thân, người quen khuyên chị bỏ chồng: “Mắc chi ôm cái nợ”. “Bỏ rồi, người ta sống ra sao. Cũng là cha của con mình mà” - chị nhẹ nhàng trả lời. 

Theo phụ nữ TPHCM