|
|
Ảnh mang tính minh họa - Internet |
Mẹ tôi là một phụ nữ nông thôn rất đảm đang. Rời vùng chiêm trũng miền Bắc với cái rét kinh người, những mùa lụt nước trắng đồng rồi nắng rồi hạn quay quắt cùng bao khắc nghiệt của khí hậu, đất và người nên mẹ và người nhà cùng họ mạc đã quá quen với cái đói sự khổ, sinh ra tâm lý luôn lo toan phòng chống. Đó là lý do dù vào trong này và sống ở phố đã rất lâu nhưng mẹ vẫn giữ kiểu sắp xếp, thu vén cho gia đình như ở quê.
Bánh trái của người bán hàng rong vẫn đi qua nhà mỗi sớm; hàng bún, gánh xôi… ở ngay cạnh đây. Chẳng thiếu thứ gì, chỉ cần ra trước cửa “ới” một tiếng hoặc đi mấy bước chân đã có ngay các thứ nhưng mẹ không cho. Mẹ bảo ăn như thế đã tốn tiền lại còn không được vệ sinh.
Mấy anh chị em tôi đã bao lần ngúng nguẩy: “Cứ như mẹ thì những hàng quà bánh có mà dẹp hết!”. Mẹ cười rất tươi, bảo: “Nhưng còn bao người thích mua đồ ăn sáng đấy thôi! Họ thế lại sướng. Có đâu như mẹ…”. Quả là vậy, vì như mẹ chỉ thêm khổ. Bởi, để kịp chuẩn bị cho cả nhà một món ăn nào đó, mẹ luôn phải dậy thật sớm.
Ngay cả những món hết sức đơn giản cũng phải chú tâm và dụng công mới có thể nóng sốt và ngon lành. Có thể là những nắm cơm trắng tinh với muối mè. Có thể là một nồi cháo trắng dẻo quẹo ăn với cá kho keo hoặc một chảo cơm chiên… Cũng có khi là xôi. Trong tất cả những món điểm tâm mẹ làm, tôi thích nhất món bánh đúc nhân lạc chấm tương. Tương của nhà. Ngon lắm!
Ngày còn ở Khu Hai đất cát dư thừa, mẹ dành một khoảnh sân sau gần bếp để sắp xếp những vại lu. Cái để chứa mắm. Cái dùng đựng tương. Sau này, khi đã dọn lên phố, mẹ đem những vại lu ấy lên sân thượng. Bởi vậy, gia đình tôi có mắm có tương ăn quanh năm.
Mẹ làm tương để kho cá đồng, chấm rau và còn để ăn bánh đúc. Món bánh đúc không chấm với thứ nước nâu đen sóng sánh và thơm lựng này thì còn có gì để nhắc?
Khi đã lớn lên và được ăn bánh đúc ở nhiều nơi, tôi thường thấy người ta đổ bánh đúc ra chén. Mẹ tôi không làm thế. Sau khi đã nêm nếm gia vị cho thật vừa miệng, mẹ còn để xoong bánh trên bếp một lát cho lạc thêm nhừ và cho các thứ thêm thấm tháp. Bánh nấu xong, mẹ đổ ngay ra mâm, chờ nguội và cắt thành từng miếng nhỏ. Tôi hay lẽo đẽo theo mẹ chờ sai vặt và luôn nhanh nhảu giúp mẹ cắt bánh.
Những miếng bánh chẳng có hình thù gì rõ rệt của đứa con út trong nhà luôn đem lại cho mọi người những trận cười thích thú. Kèm theo những tiếng xuýt xoa khen bánh của mẹ, khen tương… khiến gian bếp nhỏ vui nhộn hẳn lên.
Tôi đã đem theo bên cuộc đời mình rất nhiều sớm mai thức dậy bằng những bữa điểm tâm tuyệt vời như thế, những bữa ăn sáng đầm ấm dẫu mẹ mất đã lâu và căn nhà xưa đã không còn. Thế nhưng, chẳng những chưa hề mất đi những nền nếp gia đình mà tôi còn thấm thía thêm tình ruột thịt với những ý nghĩa của cuộc sống qua những bữa ăn sáng hết mực đơn sơ và ngon lành từ mẹ.
Theo phụ nữ TPHCM