Nhịp sống ngày nay đã mặc định cho chúng ta bữa trưa của công sở, bữa tối với gia đình và một bữa sáng đa dạng với ổ bánh mì, tô phở nóng hay một khẩu phần thực phẩm chức năng. Hôm rồi, đang vui vẻ ăn sáng, tôi chợt nhớ, giờ này có lẽ cha đang một mình trong căn nhà nhỏ với đôi đũa, cái muỗng, cái chén cô đơn. Chỉ nghĩ đến thôi mắt tôi đã cay xè.

Ngày xưa, nhà tôi còn ở miền núi nên cuộc sống nhọc nhằn. Ham đọc sách, cha tôi hiểu bữa sáng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Thế nên, dù chỉ là củ khoai nướng còn nóng hổi bọc trong lá chuối khô đặt trên bàn khi tôi ngủ dậy hay nắm bắp rang nhét vào cặp sách trước khi các con tung tăng chạy theo lũ bạn đến trường đều ẩn chứa một niềm yêu thương, lo lắng của cha.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Cha tôi xẻ cây xoan, đóng thành chiếc bàn gỗ tạp, sáng ra 2 anh em tôi có tô cơm chiên với muối đặt lên bàn ăn vội cho đỡ đói lòng. Mà nào chỉ ăn sáng, trưa học về, việc đầu tiên là chúng tôi nhào vào bếp. Chảo cơm chiên thừa được đảo lên, mỗi đứa một lưng chén ăn để “trấn an” cái dạ dày đang gào thét. Bữa sáng của cha sau này có khi là lúc lắc bó mì gạo, bó miến dong buộc sau xe đạp, là cái bánh chưng ngày chợ phiên Chủ nhật… cứ thế nuôi chúng tôi no bụng tới trường và đi xa hơn cùng trang sách.

Trước hôm tôi thi hết lớp Chín, cha đem về 2 gói mì lạ, in hình 2 con tôm càng to. Mẹ tôi bảo đó là mì ăn liền Miliket. Loại này đang thịnh hành trên thị xã, người ta háo hức ăn hơn cả phở bò. Cha tôi nấu 1 gói cho tôi ăn trong chén hoa sứ cùng thịt heo và hành lá. Gói còn lại cha đem nấu trong nồi to, cả nhà chan cơm nguội. Tôi húp đến giọt nước cuối cùng.

Đó là bữa sáng sang nhất, ấm áp nhất mà tôi được ăn trước khi lên thị xã trọ học. Hình như ngày đó, cha tôi phải nài nỉ người bán mới bán lẻ cho 2 gói mì. Có lẽ ông muốn tôi làm quen với hương vị phố phường trước khi đặt chân đến nơi đó chăng?

Rồi mẹ tôi đột ngột mắc chứng bệnh lạ, không thể nuốt trôi dù chỉ là miếng cháo loãng. Bác sĩ bảo đó là hậu quả của một cơn tai biến nhẹ - cơ nuốt của bà đã gần như bị liệt. Ban đầu, bác sĩ phải dẫn ống bơm thức ăn vào dạ dày cho mẹ tôi. Sau này, cháo phải xay, đút từng muỗng thì mẹ mới có thể nuốt.

Bao năm, cha tôi đã làm công việc đó cho đến ngày mẹ theo những cánh hạc về trời trong một chiều mưa bất chợt. Từ ấy, cha lủi thủi một mình, bữa sáng qua loa, sân nhà thưa vắng.

Có bữa anh em tôi về, dẫn theo bạn bè. Sáng thức dậy đã thấy cha lúi húi dưới bếp. Đến lúc bạn nổ máy gọi ra xe đi ăn sáng mới biết cha đã đi chợ sớm mua xương về hầm, nấu mì. Bạn tôi ở thành phố, quen ăn hàng nên xua tay: “Thôi, để cụ ăn, tụi mình ra quán cho tiện, đỡ phải dọn dẹp lích kích”. Tôi ngoái lại chào cha rồi chạy ào ra xe. Ngồi trên xe, thắt dây an toàn rồi ngó qua gương chiếu hậu, thấy dáng cha bần thần đứng đó, lòng tôi chợt quặn buồn.

Sáng đầu thu, tôi dậy sớm nấu 2 gói mì - loại mì gói giấy in hình 4 con tôm, bỏ thêm lá hành hoa, cà chua vườn nhà, đập thêm quả trứng gà tươi. Bữa sáng nhanh chóng, giản dị cùng ăn với nhau làm ánh mắt cha sáng lên niềm vui. Tiếng muỗng, đũa lạch cạch, tiếng xuýt xoa vì cay, nóng. Một bữa sáng tự nấu của những ngày xưa đã quay trở lại với rất nhiều yêu thương.

Theo phụ nữ TPHCM